Giải pháp cho nhân viên hãng hàng không nước ngoài đi, đến Nội Bài

Do dịch COVID-19, việc duy trì tổ chức hậu cần và các chi phí liên quan để lưu trú tập trung là khoản chi phí nằm ngoài kế hoạch của các hãng hàng không hiện đang trong giai đoạn khủng hoảng.
Giải pháp cho nhân viên hãng hàng không nước ngoài đi, đến Nội Bài ảnh 1Sân bay Nội Bài. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa yêu cầu các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên các hãng hàng không nước ngoài tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Văn bản do Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ký nêu rõ thành phố đã có chỉ đạo về việc cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội.

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn có hướng dẫn cụ thể và tạo điều kiện thuận lợi đối với nhân viên hàng không làm việc cho các hãng hàng không nước ngoài đi/đến Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đề xuất, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội những vấn đề vượt thẩm quyền.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản đề xuất Bộ Giao thông Vận tải sớm trao đổi với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội để có hướng dẫn về đi, đến Cảng hàng không quốc tế Nội Bài từ các điểm trong thành phố với nhân viên hàng không làm việc cho các hãng hàng không nước ngoài có chuyến bay đến cảng này.

[Người ở các tỉnh ra sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất cần thủ tục gì? ]

Theo Cục Hàng không Việt Nam, ngày 8/8, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn có công điện về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với lực lượng lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp, nhà máy đóng trên địa bàn huyện và các huyện giáp ranh.

Về việc này, Ủy ban các hãng hàng không nước ngoài (AOC) đã trình bày với Cục Hàng không Việt Nam về những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện quy định “3 tại chỗ” tại văn bản nêu trên.

Cụ thể, các hãng hàng không đều đang khai thác với tần suất rất hạn chế, chỉ 1 chuyến/ngày, từ 2-4 chuyến/tuần và cách hai đến ba ngày mới có chuyến bay nên không thể bố trí liên tục 3 nhân viên tại sân bay.

Việc duy trì tổ chức hậu cần và các chi phí liên quan để lưu trú tập trung là khoản chi phí nằm ngoài kế hoạch của các hãng hàng không hiện đang trong giai đoạn khủng hoảng.

Bên cạnh đó, để thực hiện yêu cầu này, nhân viên xa gia đình, trong khi thời gian làm việc không liên tục như các cơ sở sản xuất hàng hóa thông thường cũng phát sinh vấn đề an toàn thực phẩm, lưu trú.

Thực tế, các hoạt động tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài vẫn đang được thực hiện theo các quy định của Bộ Y tế và của Tổ chức hàng không dân dụng thế giới (ICAO) cũng như Hiệp hội vận tải hàng không thế giới (IATA) đảm bảo tuân thủ tuyệt đối các biện pháp an toàn được chỉ dẫn trong khi xử lý chuyến bay.

Bên cạnh đó, quy trình phòng chống dịch bệnh COVID-19 của các hãng hàng không nước ngoài tự đưa ra còn chặt chẽ hơn so với yêu cầu chung như đã nêu trên. Toàn bộ nhân viên làm việc tại sân bay đều đã được tiêm tối thiểu 1 mũi vaccine phòng COVID-19.

Trong khi đó tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, hoạt động khai thác vẫn duy trì các quy định giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nhân viên hàng không sinh sống trong địa bàn của thành phố, không phân biệt quận/huyện vẫn được tạo điều kiện để đi, đến sân bay làm việc theo lịch bay, kể cả chuyến bay đêm trong khung giờ hạn chế tối đa (từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng).

Bộ Giao thông Vận tải sau đó đã có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn tạo thuận lợi và có hướng dẫn cụ thể trong việc đi, đến Cảng hàng không quốc tế Nội Bài từ các điểm trong thành phố cho nhân viên hàng không của các hãng nước ngoài có chuyến bay đến Nội Bài để thực hiện nhiệm vụ phục vụ chuyến bay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục