Giải pháp cho 'làn sóng' nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19, và đây cũng là địa phương có số lượng nhân viên y tế nghỉ việc cao nhất cả nước thời gian qua.
Giải pháp cho 'làn sóng' nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Thời gian qua, tình trạng nhân viên y tế “ồ ạt” xin nghỉ việc xuất hiện ở nhiều địa phương. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt diễn ra từ sau khi dịch COVID-19 bùng phát, kéo dài đến nay và không có dấu hiệu ngừng lại.

Các chuyên gia cho rằng, việc dịch chuyển nhân sự là điều bình thường đối với bất cứ ngành nghề nào, tuy nhiên hiện tượng này xuất hiện một cách “ồ ạt” và kéo dài rất cần xem xét, có giải pháp ngăn chặn.

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19. Đây cũng là địa phương có số lượng nhân viên y tế nghỉ việc cao nhất cả nước thời gian qua. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc, điều trị người bệnh cũng như sự vững chắc của hệ thống y tế cơ sở vốn đã tồn tại nhiều bất cập.

Nhân viên y tế công lập “dứt áo ra đi”

Dù có gần 20 năm công tác tại một trung tâm y tế cấp quận và 4 năm làm việc tại trạm y tế phường nhưng mới đây, anh T.T.T (nhân viên y tế tại một trạm y tế thuộc Quận 12) đành nộp đơn xin nghỉ việc. Nói về quyết định rời bỏ công việc đã gắn bó với mình hơn 20 năm, anh T cho biết đó là việc “chẳng đừng.”

Hai vợ chồng anh đều làm tại trạm y tế, tổng thu nhập chỉ hơn 10 triệu đồng, gia đình có 2 con và bố mẹ già, số tiền đó rất khó có thể đủ trang trải cuộc sống, anh T giãi bày. Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát, anh T còn phải đảm đương khối công việc khổng lồ, ăn ngủ luôn tại trạm.

Anh T cho hay: Dân số đông, chỉ có 6 nhân viên y tế nên những ngày dịch bùng phát dù mắc COVID-19 nhưng anh và các đồng nghiệp vẫn phải làm việc bởi nếu nghỉ sẽ không ai làm thay. Vất vả và hi sinh như thế nhưng anh T.không nhận được sự quan tâm, động viên nào từ các cấp lãnh đạo. Không còn động lực, anh bàn với vợ nghỉ việc, tìm hướng đi mới.

Đang làm việc tại một bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố Thủ Đức, sau nhiều lần suy nghĩ, bác sỹ Tr.M.C (chuyên khoa gây mê hồi sức) quyết định nghỉ việc chuyển sang một bệnh viện tư. Lý do được anh C đưa ra là mức thu nhập ở bệnh viện công lập chưa tương xứng với công sức anh và các đồng nghiệp bỏ ra.

Tương tự, từng là trưởng khoa tại một bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, mới đây, bác sỹ C.T.S cũng quyết định xin nghỉ việc, đầu quân cho một bệnh viện tư nhân.

[Chuyên gia lý giải nguyên nhân về làn sóng nhân viên y tế nghỉ việc]

Bác sỹ S tâm sự, dù vài năm gần đây, thu nhập của cán bộ y tế có tay nghề như ông cũng đủ sống, thế nhưng sau hơn 2 năm chống dịch cùng với nhiều vụ việc xảy ra gần đây trong ngành khiến ông cảm thấy mệt mỏi, áp lực nên đã quyết định nghỉ việc sớm, không đợi nghỉ hưu theo chế độ.

Thống kê của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2021, trên địa bàn thành phố có 1.154 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 274 bác sỹ, 610 điều dưỡng.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022 có 874 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 199 bác sỹ và 391 điều dưỡng. Tổng cộng trong 2 năm đã có 2.028 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 473 bác sỹ và 1.001 điều dưỡng, chiếm khoảng 5% tổng số nhân lực y tế của toàn thành phố.

Những hệ lụy...

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ nhân viên y tế nghỉ việc trên địa bàn thành phố chiếm khoảng 5%, dù chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình khám, chữa bệnh cho người dân nhưng cũng để lại “khoảng trống” nhất định.

Đơn cử tại quận Bình Tân, theo bác sỹ Trương Đình Nhẫn, Giám đốc Trung tâm Y tế quận, đơn vị này đang thiếu nhân sự do một số người đã nghỉ việc trong thời gian vừa qua. Theo quyết định của Sở Y tế, Trung tâm Y tế quận Bình Tân được phân bổ 240 biên chế nhưng hiện mới chỉ tuyển được 177 người. Đợt vừa qua, đơn vị này thông báo tuyển dụng 35 nhân sự nhưng chỉ nhận được 10 hồ sơ. Dù địa bàn rộng và dân cư đông đúc nhưng hiện nay lực lượng y tế của quận lại khá mỏng.

Giải pháp cho 'làn sóng' nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt ảnh 2(Ảnh minh họa: TTXVN/Vietnam+)

“Trước đây, nhân viên y tế cơ sở có thêm nguồn thu như khám sức khỏe, chích ngừa dịch vụ nhưng giờ toàn bộ nhân lực phải tập trung tiêm phòng COVID-19 kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và làm công việc khác như làm sạch dữ liệu tiêm chủng, tăng cường tiêm phòng cho trẻ em sau thời gian gián đoạn do dịch, phối hợp xử phạt, phun thuốc phòng dịch... rất mất thời gian và sức lực", bác sĩ Trương Đình Nhẫn cho hay.

Theo bác sỹ Trương Đình Nhẫn, nhân sự ít khiến khối lượng công việc mỗi người phải đảm trách là rất lớn, trong khi thu nhập lại thấp, đây chính là nguyên nhân khiến người ở trong chán nản mà người ở ngoài cũng không mặn mà.

Mấy tháng nay, chị Nguyễn Quỳnh Phương, điều dưỡng đang công tác tại một bệnh viện công lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh rơi vào tình trạng “không có động lực để làm việc.”

Chị kể, từ giữa năm 2021 đến nay, bệnh viện của chị có 35 người nghỉ việc, người về quê, người chuyển sang các đơn vị tư nhân. Thu nhập thấp, công việc nhiều, đồng nghiệp xung quanh lần lượt nghỉ việc khiến chị Nguyễn Quỳnh Phương cảm thấy chán nản.

“Nhiều lần tôi cũng nghĩ đến chuyện nghỉ việc nhà nước ra bệnh viện tư làm với mức lương cao hơn,” chị Nguyễn Quỳnh Phương tâm sự.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt sẽ dẫn đến hệ lụy thiếu hụt nguồn nhân sự trong chăm sóc, điều trị cho người bệnh.

“Khi có sự thiếu hụt cán bộ y tế, chất lượng chăm sóc y tế sẽ không tốt. Trong tình huống này, người bệnh sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất," Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Dũng khẳng định.

Đặc biệt, việc nhiều bác sỹ có tay nghề cao đang rời bỏ bệnh viện công không chỉ ảnh hưởng tới quyền lợi của người bệnh mà sâu xa hơn còn tác động tới thế hệ kế cận.

Bởi lẽ, lâu nay, các bệnh viện công là nơi đào tạo, thực hành cho nhân lực ngành y nhưng khi các thầy giỏi chuyển sang bệnh viện tư thì sinh viên y khoa, bác sĩ nội trú sẽ thiếu thầy giỏi để theo học. Khi mất nhân sự tay nghề cao, các cơ sở y tế công lập phải mất nhiều năm nữa để đào tạo, huấn luyện được lứa cán bộ có tay nghề, chuyên môn./.

Bài 2: Cần chính sách lâu dài

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục