Theo trang mạng asiatimes.com, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do chiến sự ở Ukraine đang ảnh hưởng đến Trung Đông theo những cách khác nhau.
Các quốc gia như Liban và Yemen, vốn đang vật lộn với bất ổn kinh tế và xung đột trước khi chiến tranh bắt đầu, đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Ai Cập, quốc gia phụ thuộc nhiều vào lúa mì và các loại ngũ cốc khác nhập khẩu từ Ukraine và Nga, cũng phải vật lộn để xử lý khủng hoảng và duy trì nguồn cung cấp lương thực ổn định.
Mặt khác, khu vực Vùng Vịnh và Israel cho đến nay đã vượt qua cơn bão này một cách xuất sắc. Cách tiếp cận đối với an ninh lương thực mà các nước này áp dụng là chìa khóa để giải quyết các thách thức về lương thực toàn cầu vốn sẽ chỉ được cải thiện sâu sắc hơn sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine được giải quyết.
Trung Đông là nơi nổi tiếng khó canh tác nông nghiệp. Đó là lý do tại sao an ninh lương thực là nguồn gốc của sự bất mãn chính trị lâu đời - và là một trong những nguyên nhân chính của các cuộc biểu tình Mùa xuân Arab năm 2011.
Từ việc thiếu nguồn cung cấp nước đến hệ thống khí hậu khắc nghiệt, nông nghiệp quy mô lớn hầu như không thể sử dụng các phương pháp canh tác truyền thống. Điều này đã khiến nhiều quốc gia giải quyết vấn đề lương thực bằng những kỹ thuật đổi mới đáng kể. Israel là nước đầu tiên sử dụng công nghệ để giảm thiểu vấn đề khan hiếm nước. Bằng cách phát triển các kỹ thuật tưới tiêu tiên tiến và nỗ lực khử mặn, người Israel đã đạt được mức độ tự cung cấp nước cho phép canh tác nông nghiệp quy mô lớn.
Các quốc gia Vùng Vịnh như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã phải thực hiện các bước tương tự để đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm và nước. UAE là nơi có trữ lượng nước khử mặn lớn nhất thế giới, một tầng chứa nước ở sa mạc Liwa chứa 26 tỷ lít nước và mất gần 3 năm để lấp đầy.
[Thế giới đang mất an ninh lương thực nghiêm trọng]
Trong trường hợp khẩn cấp, khu dự trữ này có thể cung cấp tới 100 triệu lít nước mỗi ngày. Và riêng thủ đô Abu Dhabi của UAE chiếm 9% tổng công suất khử muối của thế giới, tương đương 4,13 triệu mét khối mỗi ngày.
Liên quan lĩnh vực nông nghiệp và cung cấp lương thực, các nước Vùng Vịnh dẫn đầu là Saudi Arabia đã mua những vùng đất rộng lớn trên thế giới để sản xuất lương thực. Không giống như cách tiếp cận của Ai Cập là nhập khẩu lương thực từ Ukraine và Nga, các quốc gia Vùng Vịnh giàu có sở hữu đất đai ở các quốc gia khác và trồng lương thực bên ngoài biên giới của họ.
Nguồn cung cấp lương thực từ lâu đã là mối quan tâm ở khu vực, nhưng các nỗ lực để đảm bảo an ninh lương thực đã được đẩy mạnh vào năm 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Với việc giá hydrocacbon lao dốc và chi phí nhập khẩu tăng, các chính phủ ở Vùng Vịnh đã buộc phải thực hiện các bước hướng tới khả năng tự cung tự cấp.
Điều này dẫn đến nhiều cuộc mua bán đất ở châu Phi. Trong một thỏa thuận đầy tham vọng từ năm 2015, Công ty Nông nghiệp Al Dahra có trụ sở tại Abu Dhabi đã đồng ý đầu tư 1 tỷ USD vào giai đoạn đầu của dự án nông nghiệp trị giá 10 tỷ USD tại thung lũng Al Hawad màu mỡ của Sudan.
Một số quốc gia vùng Vịnh, chẳng hạn như UAE, đang đầu tư vào công nghệ nông nghiệp để đảm bảo cung cấp đủ lương thực. Những khoản đầu tư này còn mang lại lợi ích bổ sung là nâng cao kiến thức của địa phương trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp.
Trên thực tế, công ty khởi nghiệp công nghệ nông nghiệp tiếp theo được ươm tạo tại Thung lũng FoodTech của Dubai có thể có tác động toàn cầu, giống như Telsa đã tác động mạnh mẽ đến thị trường xe điện.
Nhìn lại quá khứ, chúng ta có thể thấy một số manh mối về việc mua đất ở nước ngoài để canh tác nông nghiệp từ cách Vùng Vịnh đã xử lý cuộc khủng hoảng lương thực của mình. Biến đổi khí hậu sẽ buộc nhiều quốc gia phải tìm kiếm đất đai bên ngoài biên giới của họ để sản xuất lương thực.
Các nguyên lý kinh tế đã và đang thúc đẩy những phát triển tương tự. Mặc dù Mỹ có rất nhiều đất canh tác, nhưng phần lớn nguồn cung cấp lương thực của quốc gia này đến từ Mexico, nơi chi phí trồng trọt rẻ hơn. Nhưng giải pháp này là con dao hai lưỡi. Năm ngoái, khi Mỹ cấm nhập khẩu bơ từ Mexico, nơi trồng 80% bơ tiêu thụ ở Mỹ, giá đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 24 năm.
Mặc dù việc mua đất để sản xuất lương thực có thể là giải pháp trong tương lai, nhưng nó có thể làm gia tăng các vấn đề địa chính trị ở một số khu vực trên thế giới. Căng thẳng chắc chắn sẽ phát sinh khi các nước giàu hơn canh tác đất đai ở các nước đang phát triển để lấy lương thực tiêu thụ ở nước ngoài.
Hãy nhìn tấm gương của Cộng hòa Dân chủ Congo, một quốc gia giàu khoáng sản nhưng đáng tiếc là vẫn kém phát triển mặc dù các quốc gia giàu và các công ty kiếm được hàng triệu USD bằng cách khai thác tài nguyên thiên nhiên của quốc gia châu Phi này. Hôm nay, đó là hoạt động khai thác coban và liti (để sử dụng trong ô tô điện và điện thoại thông minh). Và ngày mai, đó sẽ là sản xuất lương thực.
Vùng Vịnh đã cho thấy rằng mô hình trồng cây lương thực để xuất khẩu có thể giúp giải quyết vấn đề an ninh lương thực cho một xã hội nhỏ nhưng giàu có. Nhưng chúng ta cần đánh giá những tác động khi áp dụng mô hình này trên diện rộng.
Cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ là dấu hiệu báo trước cho một vấn đề sâu xa hơn đối với sản xuất lương thực (cũng như việc đảm bảo chuỗi cung ứng) mà biến đổi khí hậu sẽ gây ra đối với nền kinh tế toàn cầu. Khi Vùng Vịnh tiếp tục phát triển lĩnh vực công nghệ nông nghiệp và nền kinh tế tri thức, các quốc gia khác cũng sẽ có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm canh tác lương thực của họ.
Trong những năm tới, cộng đồng quốc tế sẽ cần những chỉ dẫn mới cho giai đoạn mới này của vấn đề an ninh lương thực. Có rất ít quốc gia có khả năng dẫn đầu những nỗ lực này tốt hơn các quốc gia Trung Đông./.