Giải pháp cho cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu

Theo nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tác động của xung đột tại Ukraine là rất lớn, trong đó sự gián đoạn đối với vụ Xuân có thể gây nguy hiểm thực sự cho an ninh lương thực toàn cầu.
Giải pháp cho cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu ảnh 1Lúa mỳ được chở tới bán tại một chợ ở ngoại ô Amritsar (Ấn Độ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo Les Echos cho biết Liên hợp quốc, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Tổ chức Thương mại Thế giới và Ngân hàng Thế giới (WB) đang nỗ lực để ứng phó với nguy cơ khủng hoảng lương thực nghiêm trọng.

Tuyên bố ngày 18/5 của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định: “Chúng ta phải rõ một điều, rằng không có giải pháp hữu hiệu nào cho cuộc khủng hoảng lương thực nếu không có sự tái hòa nhập sản xuất lương thực từ Ukraine, cũng như thực phẩm và phân bón do Nga và Belarus sản xuất vào các thị trường thế giới bất chấp căng thẳng địa chính trị.”

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã chỉ rõ rằng mối đe dọa nghiêm trọng của một cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng đã bắt đầu xuất hiện.

Mở đường xuất khẩu là giải pháp duy nhất

Giá thực phẩm thiết yếu cao đã khiến số người không thể đủ ăn tăng thêm 440 triệu người, lên 1,6 tỷ người. Gần 250 triệu người đang trên bờ vực của nạn đói. Nếu căng thẳng kéo dài và nguồn cung từ Nga và Ukraine bị hạn chế, hàng trăm triệu người nữa có thể rơi vào cảnh nghèo đói. Tình trạng bất ổn chính trị sẽ lan rộng, trẻ em sẽ còi cọc và người dân sẽ chết đói.

Nguy cơ khủng hoảng lương thực là chủ đề cấp bách được tranh luận tại một cuộc họp cấp Bộ trưởng tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và cũng là một trong những nội dung nghị sự được đề cập tại cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm G7 đang diễn ra trong hai ngày 19-20/5 tại Đức.

Nhận định đầu tiên, nếu thế giới muốn tránh nạn đói ở những quốc gia dễ bị tổn thương nhất thì điều quan trọng là một mặt phải mở đường xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine và mặt khác, phải đảm bảo cho vụ gieo trồng ở nước này.

Tổng thư ký Liên hợp quốc cho rằng “Nga phải cho phép xuất khẩu an toàn khối lượng ngũ cốc được tập kết tại các hải cảng của Ukraine.” Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, hiện có 22 triệu tấn ngũ cốc đang nằm trong các kho chứa ở Ukraine chờ xuất khẩu.

Nhận định thứ hai, ngoài việc gieo hạt trên các cánh đồng Ukraine, điều quan trọng là cho phép thương mại hóa phân bón của Nga và Belarus trong dài hạn. Tuy phân bón không thuộc danh sách phải chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng Nga vẫn quyết định ngừng bán loại hàng hóa này ra thị trường bên ngoài. Điều này khiến vụ thu hoạch sắp tới ở Ukraine trở nên rất bấp bênh.

[Kêu gọi quốc tế chung tay giải quyết khủng hoảng lương thực toàn cầu]

Tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vài tuần trước cuộc họp cấp Bộ trưởng vào tháng Sáu, các đại diện của Ukraine cho biết xung đột tại nước này đã làm suy thoái nghiêm trọng môi trường và chất lượng đất nông nghiệp. Hàng loạt cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất (kho chứa, máy móc, cây trồng, vật nuôi, nhà xưởng chế biến…) đã bị phá huỷ, dẫn đến những tổn thất nghiêm trọng về tài sản nông nghiệp của Ukraine theo ước tính lên tới khoảng 6,4 tỷ USD.

Cuộc khủng hoảng đang có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn. Ukraine đã vận chuyển phần lớn vụ mùa Hè năm ngoái trước cuộc xung đột. Nga vẫn đang cố gắng bán ngũ cốc của mình, bất chấp các chi phí gia tăng và rủi ro cho các chủ hàng. Tuy nhiên, nông dân không có nơi nào để dự trữ vụ thu hoạch tiếp theo của họ.

Khó khăn sau đó là thiếu nhiên liệu và nhân công để trồng cây. Về phần mình, Nga có thể thiếu một số nguồn cung cấp hạt giống và thuốc trừ sâu mà nước này thường mua từ Liên minh châu Âu.

Trong khi đó, bất chấp giá ngũ cốc tăng cao, nông dân ở các nơi khác trên thế giới có thể không bù đắp được sự thiếu hụt. Một lý do là giá cả dễ biến động. Tỷ suất lợi nhuận đang bị thu hẹp do giá phân bón và năng lượng tăng mạnh. Đây là những chi phí chính của nông dân và cả hai thị trường đều bị gián đoạn bởi các lệnh trừng phạt và tranh giành khí đốt tự nhiên.

Nếu nông dân cắt giảm lượng phân bón, sản lượng toàn cầu sẽ thấp hơn vào đúng thời điểm.

Phản ứng của các chính trị gia có thể khiến tình hình tồi tệ hơn. Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu, 23 quốc gia từ Kazakhstan đến Kuwait đã tuyên bố hạn chế nghiêm trọng đối với xuất khẩu thực phẩm. Kết quả là hơn 1/5 lượng phân bón xuất khẩu bị hạn chế. Nếu thương mại ngừng lại, nạn đói sẽ xảy ra.

Trước mắt, việc khôi phục xuất khẩu lương thực đang vấp phải hàng loạt khó khăn mang tính kỹ thuật trong lĩnh vực hàng hải. Việc đi lại trên các tuyến đường biển ở khu vực đã trở nên cực kỳ nguy hiểm. Đã xuất hiện những ý kiến đề xuất vận chuyển ngũ cốc bằng các phương tiện khác, đặc biệt là đường bộ. Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết: “Các tuyến vận tải thay thế có thể được khai thác ngay cả khi chúng ta biết rằng điều này sẽ không đủ để giải quyết vấn đề.”

Chắc chắn những tuần tới sẽ diễn ra một cuộc chạy đua với thời gian, nhất là khi có sự quay ngoắt của Ấn Độ - quốc gia ban đầu cam kết sẽ xuất khẩu kho ngũ cốc của mình nhưng mới đây đã đột ngột ngừng lại do lo ngại nguy cơ từ đợt khô hạn nghiêm trọng xuất hiện ở trong nước.

Quyết định của New Delhi đã khiến WTO không khỏi lo ngại, bởi tổ chức này đang thảo luận về việc gỡ bỏ tất cả các hạn chế xuất khẩu đối với sản phẩm nông nghiệp trong khuôn khổ mua hàng của Chương trình lương thực thế giới (PAM). Đây là một trong những lý do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Đức vào tháng tới.

Tuy nhiên, trên thực tế, xung đột ở Ukraine chỉ làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã rất nghiêm trọng do khủng hoảng do đại dịch COVID-19 và trên hết là do biến đổi khí hậu gây ra. Trong hai năm qua, “số người chịu ảnh hưởng từ tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng gấp đôi, từ 135 triệu người trước đại dịch lên 276 triệu người hiện nay” - Tổng thư ký Antonio Guterres cho biết.

Sự cần thiết của những nỗ lực phối hợp

Sự thiếu hụt đang diễn ra không phải là kết quả tất yếu của căng thẳng địa chính trị. Do đó, các nhà lãnh đạo thế giới nên coi nạn đói là một vấn đề toàn cầu cấp bách và đòi hỏi một giải pháp mang tính toàn diện.

Ngay cả trước khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã cảnh báo rằng, năm 2022 sẽ là một năm khủng khiếp đối với lương thực thế giới. Trung Quốc, nhà sản xuất lúa mỳ lớn nhất, cho biết, sau những trận mưa làm trì hoãn việc gieo trồng vào năm ngoái, vụ mùa này có thể là vụ mùa tồi tệ nhất từ trước đến nay.

Hiện nay, ngoài nhiệt độ khắc nghiệt ở Ấn Độ, nước sản xuất lớn thứ hai thế giới, tình trạng thiếu mưa cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến sản lượng của các loại cây trồng khác, từ vành đai lúa mỳ của Mỹ đến vùng Beauce của Pháp. Vùng Sừng châu Phi đang bị tàn phá bởi đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ.

Tất cả những điều này sẽ gây ra hậu quả đáng tiếc cho người nghèo. Các hộ gia đình ở các nền kinh tế mới nổi chi 25% ngân sách cho thực phẩm, con số này tại khu vực châu Phi ở phía Nam sa mạc Sahara là 40%. Ở nhiều nước nhập khẩu, các chính phủ không thể chi trả trợ cấp để tăng trợ giúp cho người nghèo, đặc biệt nếu họ cũng nhập khẩu năng lượng - cũng là một thị trường đang bất ổn.

Đối mặt với thảm kịch cận kề, ngày 18/5, Ngân hàng Thế giới (WB) tuyên bố sẽ dành 12 tỷ USD cho các dự án mới để ứng phó với cuộc khủng hoảng lương thực trong 15 tháng tới. Các quỹ này được dành để hỗ trợ nông nghiệp ở các quốc gia khó khăn nhất, đặc biệt sẽ tập trung tài trợ cho các dự án cấp nước và tưới tiêu.

Tổng cộng, WB cam kết tài trợ hơn 30 tỷ USD sẵn có trong 15 tháng tới. “Để có thông tin và ổn định thị trường, điều quan trọng là các nước phải đưa ra tuyên bố rõ ràng về kế hoạch tăng sản lượng trong tương lai để ứng phó với hậu quả của cuộc chiến tại Ukraine” - Chủ tịch WB David Malpass cảnh báo.

Đại diện của WB cũng cho rằng “điều đó có nghĩa là phải có những nỗ lực phối hợp, không chỉ để tăng nguồn cung ứng nhiên liệu và phân bón, giúp nông dân tăng diện tích trồng trọt và năng suất cây trồng, mà còn loại bỏ các chính sách cản trở xuất - nhập khẩu hoặc khuyến khích tích trữ không cần thiết.”

Căng thẳng ở Ukraine đang thực sự tác động nặng nề đến các thị trường nông sản thế giới. Cuộc xung đột này là một đòn giáng thêm vào xu hướng giá hàng hóa tăng không ngừng sau đại dịch COVID-19 và làm gia tăng áp lực lạm phát trong những tháng tới.

Ukraine đứng thứ 17 trong số các nước xuất khẩu nông sản trên thế giới (với doanh thu 20,7 tỷ euro vào năm 2020), trong khi Nga đứng thứ 11 (27 tỷ euro). Đây là những số liệu mang nhiều ý nghĩa trong bối cảnh lương thực thế giới đang gặp rất nhiều khó khăn.

Mối quan tâm này sẽ càng lớn hơn khi xung đột sẽ dẫn đến những thay đổi sâu sắc trong dòng thương mại vật tư nông nghiệp. Nga đã ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu ngũ cốc sang 4 nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt và bùng nổ giá cả. Nước này cũng yêu cầu các nhà sản xuất phân bón tạm ngừng xuất khẩu, dẫn đến nguy cơ làm tăng thêm chi phí cho nông dân trên khắp thế giới.

Theo nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tác động của xung đột tại Ukraine là rất lớn, trong đó sự gián đoạn đối với vụ Xuân có thể gây nguy hiểm thực sự cho an ninh lương thực toàn cầu.

Ukraine và Nga cùng chiếm khoảng 1/3 thương mại lúa mỳ của thế giới. Phần lớn lúa mỳ của Ukraine được xuất khẩu vào mùa Hè và mùa Thu. Căng thẳng càng kéo dài, xuất khẩu càng bị tổn hại, ảnh hưởng đến dự trữ lương thực hiện tại và tương lai. Căng thẳng ở Ukraine đồng nghĩa với nạn đói ở nhiều khu vực, mà trực tiếp nhất là châu Phi.

Bối cảnh hiện tại được thiết lập cho một trò chơi đổ lỗi, trong đó phương Tây lên án Tổng thống Nga Vladimir Putin về chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và Nga cũng chỉ trích các lệnh trừng phạt của phương Tây. Trên thực tế, sự gián đoạn chủ yếu là kết quả của cuộc xung đột và một số lệnh trừng phạt đã làm trầm trọng thêm tình hình.

Tuy nhiên, điều cần làm hiện nay là các quốc gia cần phải hành động cùng nhau, bắt đầu bằng cách giữ cho thị trường mở. Tuần này, Indonesia - nguồn cung cấp 60% dầu cọ của thế giới, đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu tạm thời. Do đó, châu Âu nên giúp Ukraine vận chuyển ngũ cốc của mình qua các tuyến đường sắt và đường bộ đến các cảng ở Romania hoặc Baltics, mặc dù ngay cả những dự báo lạc quan nhất cũng nói rằng chỉ 20% sản lượng thu hoạch có thể được vận chuyển qua theo cách đó.

Các nước nhập khẩu cũng cần được hỗ trợ để họ không sốc bởi những hóa đơn khổng lồ. Các nguồn cung cấp ngũ cốc khẩn cấp chỉ được dành cho những người nghèo nhất. Ngoài ra, xóa nợ cũng có thể giúp giải phóng các nguồn lực quan trọng.

Sự cứu trợ về lương thực ngay tức thì có thể sẽ đến từ việc dỡ phong tỏa Biển Đen. Khoảng 25 triệu tấn ngô và lúa mỳ, tương đương mức tiêu thụ hàng năm của tất cả các nền kinh tế kém phát triển nhất trên thế giới, đang bị mắc kẹt ở Ukraine. Do đó, ba quốc gia Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ cần phải hành động cùng nhau./.

(VIetnam+)

Tin cùng chuyên mục