Giải pháp bình ổn thị trường TP.HCM thời gian đóng cửa chợ đầu mối

Sở Công Thương TP.HCM và các sở, ngành, doanh nghiệp tổ chức công bố thông tin nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong thời gian đóng cửa 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm lớn nhất thành phố.
Ngành hàng thực phẩm đông lạnh, sơ chế được bổ sung đầy ấp tại quầy siêu thị Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Chiều 7/7, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng các sở, ngành, doanh nghiệp liên quan tổ chức công bố thông tin nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, nhất là nhóm ngành hàng lương thực, thực phẩm, rau củ, quả trong thời gian đóng cửa 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm lớn nhất thành phố.

Đồng thời, Sở Công Thương Thành phố cung cấp đa dạng kênh bán hàng hóa thiết yếu đến người tiêu dùng trong thành phố.

Tại cuộc họp, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết việc điều chỉnh hoạt động 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm lớn nhất thành phố trong thời gian này không nằm ngoài mục tiêu đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Khởi đầu từ chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh đã tạm dừng giao dịch hàng hóa trực tiếp, hạn chế tối đa tiếp xúc gần và chuyển hoạt động mua bán sang hình thức online, điều phối bán sỉ giao tận nơi... tại 3 chợ đầu mối của thành phố.

Theo đó, khi thực hiện mô hình này ở cả 3 chợ đầu mối, hoạt động thương mại của Thành phố Hồ Chí Minh cũng đối mặt với thách thức là làm sao duy trì ổn định và lưu thông hàng hóa đến người dân. Ngoài ra, ngành công thương phải đảm bảo mục tiêu bình ổn giá và thông tin kịp thời việc điều tiết hàng hóa, vận hành chuỗi cung ứng như thế nào để người dân giảm bớt tâm lý lo lắng thái quá dẫn đến mua sắm dự trữ, gây đứt hàng cục bộ và tập trung đông người.

Để điều tiết hàng hóa thông suốt nhập vào Thành phố Hồ Chí Minh và phân phối đến điểm bán lẻ, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi văn bản đến Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đề nghị thông tin đến thương nhân, tiểu thương và hướng dẫn tổ chức giao dịch, đưa hàng trực tiếp đến mạng lưới chợ truyền thống. Đồng thời, thành phố sẽ bố trí 3 vùng đệm tại huyện Củ Chi, thành phố Thủ Đức và quận Bình Chánh để tập kết hàng hóa từ các tỉnh chuyển về dưới sự kiểm tra, giám sát của lực lượng liên ngành về công tác phòng chống dịch COVID-19.

[TP.HCM: Doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng giảm do dịch COVID-19]

Hiện tại, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực tạo điều kiện cơ chế chính sách tập trung thực hiện đa dạng kênh bán hàng online, qua điện thoại, đi chợ giúp người dân... thông qua nhiều tổ chức, đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên... Do đó, người dân không lo thiếu hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và cần bình tĩnh.

Thống kê cho thấy mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn có 110 chợ hoạt động trên tổng số 234 chợ. Ngoài ra, hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố còn có 106 siêu thị; 2.468 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và 28.700 điểm bán có kinh doanh lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu...

Ở góc độ nhà bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) khẳng định hàng hóa tại hệ thống bán lẻ này có nguồn cung dồi dào và hầu hết điểm bán hoạt động xuyên suốt. Thậm chí, siêu thị Co.opmart, Co.opXtra... đã kéo dài thời gian mở cửa nên người dân không nên mua sắm dồn dập, tụ tập đông người sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19, cũng như gây tắc nghẽn các kênh mua sắm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Tính đến thời điểm này, Saigon Co.op đã chuẩn bị dự trữ 12 nhóm hàng với tổng sản lượng lên đến 12.000 tấn và đang thực hiện bình ổn giá không chỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh, mà cả toàn hệ thống bán lẻ trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Saigon Co.op liên tục chạy chương trình khuyến mãi, giảm giá... nên nhiều sản phẩm có giá ưu đãi tốt cho người tiêu dùng.

Saigon Co.op cũng đã kịp thời bổ sung thêm khoảng 7.000 mặt hàng nhu yếu phẩm lên trang https://cooponline.vn để đáp ứng nhanh nhu cầu đặt hàng online, giao hàng tận nhà đang tăng đột biến của người dân, nhất là khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Người dân nên ưu tiên sử dụng những kênh mua sắm online này, đặt hàng nhu yếu có chọn lọc, hạn chế đặt dồn dập nhiều đơn hàng một lúc vào các khu giờ cao điểm sẽ dễ gây tắc nghẽn hệ thống.

Còn ông Lâm Quốc Thanh, Tổng giám đốc Tổng công ty thương mại Sài Gòn-Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Satra) cho biết hệ thống bán lẻ Satra đã tăng thời gian phục vụ khách hàng và đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng. Trong đó, Satramart siêu thị Sài Gòn và siêu thị Phạm Hùng mở cửa hoạt động từ 7 giờ đến 23 giờ hàng ngày. Riêng Satramart siêu thị Củ Chi và chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods hoạt động từ 6 giờ đến 22 giờ hàng ngày.

Người dân mua sắm hàng hóa tại siêu thị. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Hệ thống bán lẻ Satra còn tăng cường nhân viên xử lý các đơn hàng online nhanh chóng cho người tiêu dùng. Người dân có thể yên tâm nguồn cung hàng hóa tại Satra rất phong phú và không nên đổ dồn về kênh mua sắm trực tiếp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh khiến siêu thị, cửa hàng và chợ bị quá tải.

Trong khi đó, đại diện MM Mega Market chia sẻ, đã triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng lên 60.000 tấn, một số mặt hàng lên tới 90.000 tấn, so với thời điểm bình thường là 30.000 tấn. Riêng mặt hàng thủy hải sản, rau củ, quả... nhà bán lẻ này đã chủ động làm việc với nhà cung cấp để đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

Ghi nhận thực tế trên thị trường Thành phố Hồ Chí Minh trong ngày 6 và 7/7, số lượng khách hàng đổ về cả kênh mua sắm hiện đại và mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đều tăng gấp 2 đến 5 lần so với ngày thường. Cụ thể, báo cáo nhanh lượng khách dồn tới hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food và số lượng đơn hàng online của những siêu thị này trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay tăng gấp 5 lần so với ngày thường.

Tại MM Mega Market An Phú, ngay từ sáng 7/7, lượng khách hàng đến khá đông nên siêu thị này đã phân bổ lượng khách hàng tham gia mua sắm theo số lượng nhất định. Về phía người dân tham gia mua sắm cũng rất phối hợp với nhân viên của MM Mega Market An Phú để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước sức mua tăng liên tục trong những ngày gần đây, Satra đã chủ động tăng lượng đơn đặt hàng từ các nhà cung cấp. Điển hình, những mặt hàng nhu yếu phẩm, gồm gạo, đường, dầu ăn, muối, nước mắm, thực phẩm khô; sản phẩm chống dịch như nước rửa tay, xà phòng, khẩu trang... đã được hệ thống bán lẻ Satra chuẩn bị phục vụ thị trường với giá bình ổn.

Đối với những mặt hàng tươi sống như thịt lợn, cá, rau củ, quả... Satra đã đặt từ sớm với số lượng tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường. Hiện hệ thống bán lẻ Satra tiêu thụ khoảng 60 tấn rau củ quả/ngày, tăng gấp 3 lần so với ngày thường.

Tuy nhiên, tại một số điểm bán thuộc cả kênh bán lẻ hiện đại và mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra hiện tượng đứt hàng cục bộ, hàng hóa trên quầy, kệ hết. Hầu hết đơn vị kinh doanh đều liên tục bổ sung nhanh chóng hàng hóa lấp đầy quầy, kệ, nhất là những mặt hàng có sức mua tăng cao nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục