Thường được goi là giải thưởng uy tín nhất thế giới, giải Nobel Hòa bình đã mất đi một chút hào quang vì những lựa chọn gây nhiều tranh cãi của Ủy ban Nobel trong thời gian gần đây.
Việc Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhận giải năm 2012 trong một buổi lễ chính thức ở Oslo thứ Hai tới là tranh cãi mới nhất. Nhiều người chỉ trích quyết định trao giải cho EU là một trò hề. “Một số lựa chọn gần đây đã làm hoen ố danh tiếng của giải thưởng và gây ra nghi ngờ về sự hợp cách của Ủy ban Nobel Na Uy,” nhà báo Mỹ Scott London nói với AFP. “Giải hòa bình không lạ với các tranh cãi… nhưng tôi cho rằng những lựa chọn tồi ngày càng trở nên phổ biến trong mấy năm qua.” Sau tuyên bố gây chấn động trao giải cho Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2009 ngay trong năm đầu tiên ông tại vị, ủy ban lại khiến nhiều người khó chịu khi trao giải cho EU đang chìm trong khủng hoảng và chia rẽ. Năm 2010, giải Nobel được trao cho nhân vật đối lập Trung Quốc Lưu Hiểu Ba cũng bị chính quyền Bắc Kinh gọi là “trò hề”. Năm 2011, giải thưởng vinh danh ba phụ nữ và cũng gây tranh cãi, khi nhà hoạt động người Liberia, Leymah Gbowee, cáo buộc người cùng nhận giải với mình, Tổng thống Liberia, Ellen Johnson Sirleaf, tham nhũng và gia đình trị. Với luật sư người Na Uy Fredrik Heffermehl, tác giả cuốn sách “The Nobel Peace Prize: What Nobel Really Wanted” (Giải Nobel: Điều Nobel thực sự muốn) và hàng loạt nhân vật tiếng tăm khác, ủy ban đã gây ra nhiều tác hại. “Giải thưởng không được trao cho những người nỗ lực vì hòa bình trên thế giới và đã mất uy tín, cả về mặt luật pháp lẫn đạo lý, khi phá hoại nhiều năm tháng mà giải Nobel này đã gây dựng,” ông nói với AFP. Chỉ trích chủ yếu nhắm vào chủ tịch ủy ban, Thorbjoern Jagland. Kể từ khi ông nhậm chức năm 2009, Jagland đã gây ảnh hưởng lên bốn thành viên khác trong ủy ban với sự hỗ trợ của tổng thư ký lâu năm Geir Lundestad, người tuy không có quyền bỏ phiếu nhưng tiếng nói lại rất có trọng lượng.
Ba người phụ nữ nhận giải Nobel Hòa bình năm 2011 (Nguồn: AfP/Getty Images)
“Xa rời những tư tưởng ban đầu của Alfred, trên thực tế họ đã đánh cắp giải thưởng này,” Heffermehl bình luận. “Uy tín của giải thưởng chưa xuống dốc,” Antoine Jacob, tác giả một cuốn sách về lịch sử giải Nobel, bình luận. “Nó vẫn đường chờ đợi mỗi năm, nhưng uy tín của ủy ban thì đã xói mòn từ năm 2009 trong mắt những người theo dõi giải thưởng này.” Jagland muốn “sử dụng giải thưởng như một công cụ để ông đưa ra những phán xét cá nhân, vì ông ấy tin tưởng sâu sắc rằng ông ấy đúng,” Jacob nói. Một số người đã lên tiếng kêu gọi cải cách ủy ban, với các thành viên thường là cựu chính trị gia do quốc hội Na Uy tiến cử. Các đề xuất bao gồm việc mở rộng ủy ban cho những nhân vật ngoài giới chính trị, tăng cường tính độc lập và đưa vào nhiều hơn những chuyên gia về quan hệ quốc tế, thậm chí là người nước ngoài. Người đứng đầu Viện nghiên cứu hòa bình ở Oslo, Kristian Berg Harpviken, nói ông muốn cải cách, nhưng không lo ngại về uy tín của giải Nobel. “Những lựa chọn tranh cãi không phải là điều đe dọa lớn nhất tới uy tín giải Nobel. Mối đe dọa đến từ những giải thưởng mà ai cũng gật gù, những giải nhàm chán,” ông nói./.
Trần Trọng (Vietnam+)