Giải ngân vốn ODA giao thông cao gần gấp 2 lần bình quân chung cả nước

Tính đến ngày 31/10, Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân 4.091/6.131 tỷ đồng vốn ODA, đạt 66,7% kế hoạch năm 2020, trong khi tỷ lệ bình quân chung của cả nước là 35,88%
Giải ngân vốn ODA giao thông cao gần gấp 2 lần bình quân chung cả nước ảnh 1Nhà ga Yên Nghĩa - nhà ga cuối cùng trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải được giao giải ngân khoảng 39.826 tỷ đồng; trong đó, riêng nguồn vốn ODA được giao là 6.131 tỷ đồng để giải ngân cho 47 dự án sử dụng vốn vay nước ngoài.

"Tính đến ngày 31/10, Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân 4.091/6.131 tỷ đồng vốn ODA, đạt 66,7% kế hoạch năm 2020, trong khi tỷ lệ bình quân chung của cả nước là 35,88%. Nếu so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 36,6%), tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài 10 tháng năm 2020 của Bộ Giao thông Vận tải cao gần gấp 2 lần," đại diện Vụ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.

Đại diện Vụ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động đến mọi lĩnh vực, kèm theo đó là ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, lũ lụt trong thời gian qua, việc đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn là giải pháp hữu hiệu để kích cầu nền kinh tế.

Vì vậy, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã xác định đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, bao gồm nguồn vốn nước ngoài là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng nhất.

Do đó, ngoài các cuộc họp kiểm điểm định kỳ hàng tháng dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bộ Giao thông Vận tải cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp đột xuất để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân tại các dự án đầu tư công; trong đó, có các dự án ODA.

[Thủ tướng: Chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm trong giải ngân vốn ODA]

Nhiều giải pháp quyết liệt được lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo xuống các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc lập kế hoạch giải ngân phải sát với thực tế; khẩn trương hoàn thiện thủ tục hồ sơ các dự án đang chuẩn bị đầu tư; tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc nhà thầu, đơn vị tư vấn đẩy mạnh tiến độ đối với các dự án đang triển khai, đảm bảo chất lượng. Bộ phối hợp chặt chẽ với các địa phương có dự án đi qua để tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng…

Bộ Giao thông Vận tải còn ban hành chỉ thị về giải ngân; trong đó gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị liên quan. Trường hợp kết quả giải ngân năm 2020 đạt dưới 100% sẽ không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan năm 2020.

Tuy nhiên, đại diện Vụ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết vướng mắc lớn nhất hiện nay có thể ảnh hưởng tới kết quả giải ngân nguồn vốn nước ngoài trong năm 2020 của Bộ Giao thông Vận tải là việc tiếp tục thanh toán cho nhà thầu thi công dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.

"Bộ Giao thông Vận tải đang dự trù thanh toán khoảng 20 triệu USD (460 tỷ đồng) cho dự án sau khi xử lý được các vướng mắc có liên quan. Nếu có thể thanh toán khoản dự trù này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đảm bảo hoàn thành 100%, thậm chí giải ngân vượt kế hoạch năm 2020 vốn nước ngoài đã được Thủ tướng Chính phủ giao," đại diện Vụ Kế hoạch và Đầu tư thông tin.

Chia sẻ chi tiết một số dự án có kết quả giải ngân tốt của Bộ, đại diện Vụ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, góp phần vào thành tích giải ngân nguồn vốn ODA đạt kết quả cao từ đầu năm đến nay đáng chú ý là dự án cầu cạn Mai Dịch-Nam Thăng Long (thành phố Hà Nội) với tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư.

Dự án khánh thành ngày 11/10 vừa qua chỉ sau 28 tháng thi công.

Tiến độ công trình hoàn thành đúng theo hợp đồng đã giải phóng nguồn vốn kế hoạch năm 2020 phân bổ cho dự án rất lớn.

Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, vốn kế hoạch năm 2020 phân bổ cho dự án cầu cạn Mai Dịch-Nam Thăng Long là 706 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 10/2020, dự án đã giải ngân được 484,5 tỷ đồng, đạt 68,5%.

Hai dự án ODA quy mô lớn khác do Ban Quản lý dự án Thăng Long quản lý cũng hoàn thành, đưa vào khai thác đúng tiến độ trong năm 2020 là cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ trên địa bàn tỉnh Nam Định và dự án nâng cấp Quốc lộ 217 giai đoạn 2 qua địa phận tỉnh Thanh Hóa.

Cụ thể, dự án cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ có tổng mức đầu tư 1.158 tỷ đồng, vốn vay Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF). Đến hết tháng 10/2020, dự án đã giải ngân 38 tỷ đồng trong tổng số 69,4 tỷ đồng vốn kế hoạch được phân bổ năm 2020, đạt 54,7%.

Dự án nâng cấp Quốc lộ 217 giai đoạn 2 qua địa phận tỉnh Thanh Hóa có tổng mức đầu tư 1.673 tỷ đồng, vốn vay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Đến hết tháng 10/2020, dự án giải ngân 121,5/202 tỷ đồng, đạt 60,1% kế hoạch.

Tại khu vực phía Nam, dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi có tổng mức đầu tư lên tới 6.355 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam đã được Bộ Giao thông Vận tải tổ chức thông xe kỹ thuật vào ngày 15/10/2020 sau hơn 4 năm thi công.

Đại diện Tổng công ty Cửu Long (đại diện chủ đầu tư) cho biết vốn kế hoạch năm 2020 được giao cho dự án là 1.200 tỷ đồng, đến hết tháng 10/2020, Tổng công ty Cửu Long đã thực hiện giải ngân được 814,7 tỷ đồng, đạt 67,9% kế hoạch.

Đại diện Vụ Kế hoạch và Đầu tư-Bộ Giao thông Vận tải cho hay ngoài 4 dự án trên, từ đầu năm đến nay, hàng loạt dự án giao thông khác sử dụng vốn vay ODA được Bộ Giao thông Vận tải đảm bảo tiến độ thi công và có kết quả giải ngân cao.

Đó là dự án tín dụng ngành giao thông vận tải để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ 2 đã giải ngân 680,9 tỷ đồng, đạt 80,8%; dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng Mekong giải ngân 479,5 tỷ đồng, đạt 82%; dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương - LRAMP giải ngân 825 tỷ đồng, đạt 70,2%.

Về kết quả giải ngân vốn đầu tư công, đại diện Vụ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải được giao giải ngân khoảng 39.826 tỷ đồng gồm: 36.122 tỷ đồng kế hoạch năm 2020 và 3.704 tỷ đồng kế hoạch kéo dài năm 2019.

Tính đến hết tháng 10/2020, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân được 29.190 tỷ đồng, đạt 73,3% kế hoạch năm 2020, trong khi tỷ lệ bình quân chung cả nước đạt 60,37%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục