Báo cáo với Chính phủ tại Hội nghị Triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2020 diễn ra sáng ngày 30/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nhưng nhiều năm liền không đạt kế hoạch, thậm chí có xu hướng giảm với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách năm 2017 là 81,8%, năm 2018 là 75,8% và năm 2019 ước đạt 75% dự toán Quốc hội giao.
Theo Bộ trưởng, việc giải ngân chậm là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả đầu tư công thấp, ảnh hưởng đến chất lượng các dự án và uy tín của Việt Nam với các đối tác quốc tế đồng thời ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, kể cả thu ngân sách Nhà nước ở một số phương.
[Phó Thủ tướng: Phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển KT-XH 2020]
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 là trên 270.209 tỷ đồng, đạt 62,9% so với kế hoạch Quốc hội giao, đạt 67,5% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn trong nước giải ngân 251.338 tỷ đồng, đạt 68% kế hoạch Quốc hội và 71,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ. Đáng nói, giải ngân vốn ngoài nước chỉ đạt 18.871 tỷ đồng, tương ứng 39,89% kế hoạch Thủ tướng giao. Nguyên nhân có sự chênh lệch trên được báo cáo chỉ ra, là bởi kế hoạch năm 2019 còn hơn 28.756 tỷ đồng (bằng 6,7% kế hoạch Quốc hội giao) chưa được Thủ tướng Chính phủ giao.
Về tiến độ, hiện 7 bộ ngành và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 90%, trong khi còn 15 bộ, ngành và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 60%.
Theo Bộ trưởng, để đạt được mục tiêu trong năm 2020, chi ngân sách Nhà nước cần thực hiện tốt theo Luật đầu tư công sửa đổi, khắc phục triệt để tình trạng chậm giao và triển khai dự án, dẫn đến việc giải ngân chậm. Các bộ ngành, địa phương cần quyết liệt triển khai ngay từ đầu năm 2020 để đạt giải ngân hết vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước./.