Giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố Hồ Chí Minh mới đạt 23%

Tính đến hết ngày 30/6, tổng vốn đầu tư công năm 2023 của Thành phố Hồ Chí Minh mới giải ngân được 15.431 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 23% tổng số vốn giao.
Khu vực công trường dự án cải tạo kênh Tham Lương-Bến Cát-Rạch Nước Lên. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Theo Báo cáo của Tổ công tác về đầu tư công của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố cơ bản đã giao gần như toàn bộ vốn đầu tư công năm 2023 là 68.490,566 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 97% trên tổng mức vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao (70.518 tỷ đồng).

Tuy nhiên, tính đến hết ngày 30/6, tổng vốn đầu tư công năm 2023 của Thành phố Hồ Chí Minh mới giải ngân được 15.431 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 23% tổng số vốn giao.

Để đảm bảo kết quả giải ngân đến cuối năm đạt ít nhất 95% theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị các sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban Nhân dân quận huyện và thành phố Thủ Đức, chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân dự án và quyết toán các dự án hoàn thành đúng thời hạn.

Rà soát những dự án còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, đề xuất giải pháp và có lộ trình thực hiện cụ thể; quyết liệt đeo bám, theo dõi và triển khai đến khi dự án hoàn thành. Nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo các sở, ngành tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát và chuẩn bị sẵn phương án dự phòng để bổ sung các dự án có thể hấp thụ vốn thay thế cho những dự án gặp vướng mắc do nguyên nhân khách quan không thể giải ngân theo kế hoạch đã đề ra. Nếu dự án đến tháng 6 năm 2023 vẫn chậm triển khai thực hiện, cắt vốn để điều chuyển vốn cho dự án khác, tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố trong tháng 7/2023.

[Bộ trưởng GTVT: Tranh thủ từng giây, từng phút để giải ngân vốn]

Cùng đó, tiếp tục theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện đầu tư và giải ngân vốn của các dự án theo kế hoạch đã đề ra, tổng hợp báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố tại cuộc họp giao ban giải ngân vốn đầu tư công hàng tháng.

Sở Tài nguyên và Môi trường được giao chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và báo cáo đối với 134 dự án liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng với tổng số tiền khoảng 25.000 tỷ đồng; đảm bảo bàn giao mặt bằng đúng thời hạn; yêu cầu các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, chủ đầu tư chủ động giải quyết vướng mắc tại dự án được bố trí kế hoạch vốn cao, hoàn chỉnh thủ tục dự án cần trình tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố tháng 7/2023 và dự án nhân dịp chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

Cắm mốc giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Đối với vướng mắc của dự án nạo vét Trục thoát nước rạch Xóm Củi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan và chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất thủ tục thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố trình Hội đồng Nhân dân thành phố trong kỳ họp tháng 7/2023.

Về dự án Vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2 và dự án Tham Lương-Bến Cát-Rạch Nước Lên, Chủ tịch Phan Văn Mãi giao Ban Hạ tầng đô thị chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tập trung rà soát, giải quyết vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.

Các dự án liên quan đến Vành đai 3, giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông khẩn trương xác định chính xác tổng số vốn năm 2023 khả năng điều chỉnh giảm của dự án liên quan đường Vành đai 3, tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 31/7/2023; đồng thời phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, phát triển các cơ sở hạ tầng phát huy tối đa quỹ đất xung quanh phục vụ đường Vành đai 3 nhằm sử dụng hết số vốn được bố trí cho dự án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục