Saudi Arabia đã xây dựng một cơ sở xử lý, tách ôxít urani ra khỏi quặng dưới sự trợ giúp của Trung Quốc. Thông tin này được các quan chức phương Tây tiết lộ với báo Wall Street Journal vào tuần đầu tháng Tám.
Ôxít urani (yellowcake) là một thành phần được sử dụng để cấp nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân. Cơ sở xử lý quặng này tọa lạc tại một địa điểm thưa dân cư ở Tây Bắc Saudi Arabia, gần thành phố Al Ula.
Thời gian cơ sở này được xây dựng và đi vào hoạt động vẫn chưa được công bố, nhưng sự tồn tại của nó cho thấy chương trình hạt nhân của Saudi đang có tiến triển, có thể nhằm mục đích cuối cùng là giúp Saudi Arabia sở hữu được vũ khí hạt nhân của riêng mình. Tác giả Neville Teller đã có bài phân tích trên tờ Jerusalem Post về vấn đề này.
Khả năng Saudi Arabia sở hữu vũ khí hạt nhân từng được lưu ý kể từ thỏa thuận hạt nhân Iran, được biết tới với tên gọi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), ký kết năm 2015 giữa nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc) và Iran.
Sự đối đầu Saudi Arabia-Iran tồn tại từ trước Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, nhưng thỏa thuận JCPOA, không nghi ngờ gì nữa, đã khiến Saudi Arabia thêm quan ngại về ý đồ của chính quyền Iran.
Saudi Arabia tin rằng Iran đang tìm cách chi phối khu vực Trung Đông về chính trị và mở rộng dòng Shiite ra toàn bộ thế giới Hồi giáo, cũng như sử dụng chủ nghĩa khủng bố và hoạt động lật đổ nhằm đạt được mục đích của mình.
Saudi Arabia cho rằng biện pháp tốt nhất để chống lại các mục tiêu không thể chấp nhận này là thông qua việc theo đuổi ý đồ hạt nhân ngang bằng với Iran.
Từ năm 2013, hãng tin BBC có một số bài viết cho hay vũ khí hạt nhân sản xuất tại Pakistan thay cho Saudi Arabia "đang sẵn sàng chuyển giao."
Trong một chương trình truyền hình, BBC đưa tin Amos Yadlin, cựu giám đốc tình báo quân đội Israel, đã phát biểu trong một hội nghị ở Thụy Điển rằng nếu Iran có bom hạt nhân, "người Saudi Arabia sẽ không chờ thêm một tháng. Họ đã trả tiền mua bom. Họ sẽ tới Pakistan và mang về những gì cần thiết."
[Nguy cơ châm ngòi chạy đua vũ trang mới ở vùng Vịnh]
Ý đồ hạt nhân của Saudi Arabia thậm chí còn có từ trước đó. Trong nhiều năm, nước này đã hỗ trợ tài chính mạnh mẽ cho lĩnh vực quốc phòng của Pakistan, và Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia đã tới thăm trung tâm nghiên cứu hạt nhân Pakistan trong các năm 1999, 2002 và 2003.
Năm 2009, Quốc vương Saudi Arabia Abdullah cũng từng phát biểu nếu Iran vượt qua giới hạn, "chúng tôi sẽ mua vũ khí hạt nhân."
Cũng trong chương trình truyền hình của BBC như đã nói ở trên, một quan chức tình báo Pakistan cho biết ông tin tưởng "người Pakistan duy trì một số đầu đạn đề phòng trường hợp Saudi hỏi tới ở bất cứ thời điểm nào và sẵn sàng chuyển giao".
Hiện nay, Saudi Arabia đang trên con đường phát triển chương trình vũ khí hạt nhân của riêng mình. Dĩ nhiên đây là kết quả được dự báo trước từ thỏa thuận hạt nhân 2015. Lãnh đạo các nước Hồi giáo dòng Sunni thời điểm đó cho rằng ảnh hưởng lâu dài của thỏa thuận là sự thúc đẩy phổ biến vũ khí hạt nhân tại Trung Đông.
Tờ Washington Post đánh giá Saudi Arabi hiện đang hướng tới sự "mập mờ" về hạt nhân, nghĩa là một nước không có chương trình vũ khí hạt nhân riêng biệt, nhưng có thể vũ khí hóa khá nhanh nhờ năng lực làm giàu và tái chế hiện đại - năng lực mà Iran hiện đã đạt được.
Sự mập mờ như vậy giúp các quốc gia phát triển năng lượng hạt nhân hòa bình có khả năng chuyển sang phục vụ mục đích quân sự, trong khi tránh được những chi phí tài chính và chính trị của việc theo đuổi năng lực hạt nhân quân sự toàn diện.
Năm 2019, tờ Washington Post tiết lộ Saudi Arabia đã có một số bước đi tích cực từ vài năm trước nhằm tham gia thị trường năng lượng hạt nhân, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh với các nguồn cung tiềm tàng.
Năm 2015, Saudi Arabia có bước đi đầu tiên nhằm hướng tới năng lực hạt nhân đầy đủ với việc mua một lò phản ứng nghiên cứu từ Argentina. Sau đó, nước này mời thầu cung cấp các lò phản ứng năng lượng hạt nhân và một nhà máy làm giàu urani.
Bên cạnh Pakistan, một số quốc gia như Pháp và Hàn Quốc đã thể hiện việc muốn bán công nghệ hạt nhân cho Saudi Arabia.
Giữa năm 2019, Mỹ, Nga và Trung Quốc tham gia vào cuộc cạnh tranh này. Trung Quốc, có lẽ là trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), đã giành chiến thắng trong dự án xây dựng cơ sở xử lý quặng urani của Saudi Arabia.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có vẻ nhất trí với ý tưởng cung cấp năng lực hạt nhân cho Saudi Arabia mà không áp đặt các biện pháp hạn chế ngặt nghèo đối với mục đích sử dụng trong tương lai.
Đầu năm 2020, các công ty Mỹ tham gia đàm phán nghiêm túc với nhà chức trách Saudi Arabia về một dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân tại nước này.
Trong khi đó, một số Thượng nghị sỹ Mỹ đã cảnh báo chính phủ về một thỏa thuận hợp tác hạt nhân với Saudi Arabia do lo ngại thỏa thuận này có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân tại Trung Đông.
Tuy nhiên, thực tế khả năng này đã tồn tại kể từ khi thỏa thuận hạt nhân Iran được thông qua./.