Giải mã vụ mất tích bí ẩn 35 năm của cây đàn violon Stradivarius

Sau 35 năm lưu lạc, cây đàn violon nổi tiếng của nghệ sỹ vĩ cầm người Mỹ gốc Ba Lan Roman Totenberg đã quay về gia đình chủ nhân của nó, chấm dứt những tranh cãi xung quanh vụ ăn trộm bí ẩn này.
(Nguồn: independent.co.uk)

Sau 35 năm lưu lạc, cây đàn violon Stradivarius nổi tiếng của nghệ sỹ vĩ cầm người Mỹ gốc Ba Lan Roman Totenberg đã quay về gia đình chủ nhân của nó, chấm dứt những tranh cãi xung quanh vụ ăn trộm bí ẩn này.

Thông báo với truyền thông, con gái đầu của nghệ sỹ Totenberg, bà Nina Totenberg, cho biết bà nhận được thông báo từ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về việc tìm thấy cây đàn violon vô giá từng thuộc về cha bà.

Theo FBI, vụ đánh cắp đầy bí ẩn được giải mã sau khi vợ của cố nhạc sỹ người Mỹ Philip S. Johnson tình cờ tìm thấy cây đàn này trong nhà mình và đem đi thẩm định hồi tháng Sáu vừa qua.

Sau khi kiểm tra, Phillip Injeian, một thợ làm đàn cũng là người thẩm định, khẳng định đây là một trong những chiếc đàn kỳ diệu do nghệ nhân người Italy Antonio Stradivari chế tác. Ông Injeian cho hay một trong những đặc điểm nổi bật giúp ông nhận diện "cây đàn có một không hai" này chính là vân gỗ giống như dấu vân tay.

Chiếc đàn, được chế tạo năm 1734 và ước tính có giá khoảng 5 triệu USD, biến mất khỏi văn phòng của Roman Totenberg tại Trường nhạc Longy gần Boston hồi tháng 5/1980, khi ông giảng dạy tại đây. Bà Nina Totenberg cho biết cha của bà nghi ngờ Philip Johnson chính là thủ phạm trong vụ việc song cảnh sát không tiến hành điều tra do thiếu bằng chứng.

Trên thế giới hiện có khoảng 550 chiếc violon Stradivarius còn được lưu giữ tới ngày nay trong tổng số 1.100 nhạc cụ được nghệ nhân người Italy chế tác.

Các cây đàn Stradivarius luôn có giá rất cao do có chất lượng âm thanh thuộc hàng tốt nhất trong số các nhạc cụ bộ dây, và không thể bắt chước được. Kỷ lục về giá hiện nay thuộc về cây vĩ cầm Lady Blunt Stradivarius được bán hồi năm 2011 với giá gần 16 triệu USD.

Các con gái của cố nghệ sỹ Roman Totenberg cho hay họ có ý định bán di vật vừa được tìm lại của cha mình để cây đàn có thể tiếp tục phục vụ người yêu âm nhạc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục