Giải mã việc một số nước trên thế giới từ bỏ chiến lược 'zero COVID'

Sau gần 2 năm, khi hầu hết các nước áp dụng chiến lược “zero COVID” (không có ca COVID nào) đều đã từ bỏ biện pháp khó khăn này, ngoại trừ Trung Quốc và Hong Kong.
Giải mã việc một số nước trên thế giới từ bỏ chiến lược 'zero COVID' ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Hong Kong (Trung Quốc). (Ảnh: THX/TTXVN)

Báo Le Monde (Pháp) mới đây đăng bình luận về chiến lược “zero COVID” (không có ca COVID nào), cho rằng biện pháp kiểm soát chặt chẽ đại dịch - từng phát huy hiệu quả rất tốt trong thời gian đầu diễn ra đại dịch - hiện khó khả thi do sự xuất hiện của biến thể Delta dễ lây lan hơn. Do vậy, xét đến nhu cầu cân bằng kinh tế-xã hội và tỷ lệ tiêm phòng đang ngày càng cao, hầu hết các nước từng theo đuổi nghiêm ngặt chiến lược “zero COVID” - chủ yếu là ở châu Á - đã từ bỏ chiến lược này.

Đến nay, chỉ còn Đặc khu Hành chính Hong Kong và Trung Quốc Đại lục tiếp tục duy trì chính sách “không khoan nhượng” với COVID.

Mùa Đông năm 2020, khi virus SARS-CoV-2 bắt đầu lây lan, thế giới bị chia rẽ về chiến lược và biện pháp phòng vệ, cơ bản chia làm 2 trường phái khác biệt. Trường phái thứ nhất “thả trôi” dịch bệnh với hy vọng đạt được miễn dịch tập thể, ví dụ như Anh, Thụy Điển.

Trường phái thứ hai lựa chọn chiến lược “không khoan nhượng," hay còn gọi là "zero COVID," đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á, Australia và New Zealand. Các đường biên giới của những quốc gia này bị đóng chặt, giúp họ thực hiện chính sách “rút vào phòng thủ” trước đại dịch.

Cách tiếp cận này nhằm phá vỡ đường lây lan của virus. Đầu tiên, các nước này áp đặt cách ly rất nghiêm ngặt để đảm bảo số ca lây nhiễm được giới hạn ở một tỷ lệ nhỏ nhất. Sau đó, các đòn bẩy được kích hoạt để hạn chế các ổ lây nhiễm mới: đóng cửa biên giới, cấm tập trung đông người, đeo khẩu trang, thực hiện bộ ba biện pháp “xét nghiệm, truy vết, cách ly” (TTI).

Các khu vực không có virus (được đưa vào vùng xanh) sẽ được mở cửa trở lại tùy từng trường hợp, nhưng vẫn tuân thủ quy định TTI. Ngay khi một ổ dịch được phát hiện, mọi biện pháp được kích hoạt ngay lập tức để dập dịch càng nhanh càng tốt.

Sau gần 2 năm, khi hầu hết các nước áp dụng chiến lược “zero COVID” đều đã từ bỏ biện pháp khó khăn này, ngoại trừ Trung Quốc và Hong Kong, kết quả thu được là gì?

Về y tế, thành công đạt được rõ ràng rất đáng khích lệ. Ở New Zealand, Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, Australia và Việt Nam, tỷ lệ tử vong kể từ khi bắt đầu đại dịch lần lượt là 8,28, 62, 65, 75 và 243 ca trên một triệu dân (thời điểm cuối tháng 12/2021).

Trong khi đó, tại Mỹ, Italy, Anh, Pháp và Thụy Điển, số ca tử vong lần lượt lên tới 2.382, 2.208, 2.105, 1.811 và 1.482 ca trên một triệu dân.

[Biến thể Omicron thách thức chiến lược 'Zero COVID' của Trung Quốc]

Tuy nhiên, về mặt kinh tế thì sao? Hầu hết các nước đều coi “zero COVID” là một biện pháp phòng dịch tạm thời, mà mục đích chủ yếu là nhằm bảo vệ người dân trong khi chờ đợi "lá chắn" vaccine hoặc phác đồ điều trị có hiệu quả. Do là tạm thời nên xét về kinh tế, các nước có thể áp dụng chiến lược này trong một thời gian ngắn. Đây chắc chắn là phương pháp tốt cho tới thời điểm có thể tiêm phòng cho hầu hết dân số.

Tuy nhiên, việc duy trì chiến lược này trong một thời gian dài trong thế giới ngày nay là điều không thể, đặc biệt là sau khi xuất hiện biến thể Delta dễ lây lan hơn nhiều, các biện pháp kiểm soát leo thang đã gây nhiều vấn đề cho kinh tế-xã hội, buộc các nước phải xem xét lại.

Đối với những nước áp dụng “zero COVID," chiến lược này đã đạt được mục tiêu đề ra cho tới khi có vaccine và hiện không còn được coi là chiến lược tốt nhất. Trong vài tuần qua, các “tín đồ” của chiến lược này đã tỏ ý định dần thoát khỏi “zero COVID.” Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng cũng như những nơi khác, sự cân bằng tại các quốc gia này vẫn còn mong manh. Ví dụ, Hàn Quốc đã nới lỏng kiểm soát một cách quá nhanh, dẫn đến sự bùng phát các ca nhiễm mới.

Điểm lại tình hình tại các quốc gia từng tuân thủ nghiêm ngặt lựa chọn “zero COVID” như sau:

Tháng 10/2021, Singapore tuyên bố cần coi COVID-19 là bệnh dịch giống như cúm mùa hoặc sốt xuất huyết, từ đó chấp nhận cùng tồn tại với virus này. Tuy nhiên, việc mở cửa trở lại chỉ được thực hiện theo cách “rất thận trọng, từng bước một," mặc dù nước này đã tiêm phòng cho 85% dân số tính đến tháng 11/2021.

Việc từ bỏ “zero COVID” tại nước này diễn ra sau làn sóng lây nhiễm vào tháng 10/2021 với hơn 3.000 ca mắc mới mỗi ngày. Cuối tháng 10/2021, Singapore cho phép khách du lịch đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở 15 nước được nhập cảnh mà không cần kiểm dịch. Tuy nhiên, làm việc tại nhà vẫn là giải pháp “mặc định” và chỉ những người đã tiêm vaccine mới được phép vào các cửa hàng lớn.

Thoát khỏi những làn sóng đầu tiên nhờ chính sách vô hiệu hóa từng ổ dịch kết hợp kiểm soát nghiêm ngặt các đường biên giới, Việt Nam cũng đã phải hứng chịu 2 làn sóng chết chóc kể từ mùa hè 2021. Tính đến ngày 22/11, số ca tử vong tại Việt Nam đã tăng vọt lên 23.685 ca.

Với sự xuất hiện của biến thể Delta, “zero COVID” đã không còn phát huy hiệu quả như mong đợi, khiến Thủ tướng Phạm Minh Chính phải quyết định thay đổi chiến lược: "Chúng ta không thể mãi sử dụng các biện pháp kiểm dịch và cách ly, vì điều này sẽ gây khó khăn cho người dân và nền kinh tế”.

Cuối tháng 9/2021, phần lớn các biện pháp hạn chế đã được dỡ bỏ, các nhà máy hoạt động trở lại. Hàng loạt công nhân bị cách ly trong suốt 3 tháng đã trở lại nơi làm việc. Tuy nhiên, tốc độ tiêm chủng tại Việt Nam vẫn còn chậm so với diễn biến dịch bệnh, dẫn đến còn nhiều bấp bênh.

Ngày 18/11, nhà chức trách đã phải ra lệnh đóng cửa các quán bar, karaoke và hộp đêm tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ 2 ngày sau khi cho phép mở cửa trở lại. Ngày 20/11, Việt Nam mở cửa cho du khách nước ngoài trở lại đảo Phú Quốc mà không áp đặt các biện pháp kiểm dịch.

Lo ngại thiệt hại về kinh tế là nguyên nhân khiến Hàn Quốc miễn cưỡng từ bỏ “zero COVID." Ngày 22/11, Seoul chính thức mở cửa trở lại tất cả các trường học cho học sinh và sinh viên, đánh dấu “bước đầu tiên hướng tới cuộc sống bình thường trở lại” và coi đây là một sự khởi đầu mới trong cuộc chiến chống COVID-19.

Trước đó, các quán bar, nhà hàng, hộp đêm đã được phép mở cửa và đám đông đã có thể tụ tập tối đa 10 người (so với 4 người trước đó). Chính sách “không khoan nhượng” với COVID-19 đã giúp Hàn Quốc thoát khỏi sự bùng nổ của đại dịch, nhưng lại đè nặng lên nền kinh tế nước này. GDP chỉ tăng 0,3% trong quý 3/2021, kéo theo đó là mức tiêu dùng cũng sụt giảm rõ rệt. Do đó, chính phủ đã tận dụng chiến dịch tiêm chủng, mặc dù bắt đầu muộn nhưng đã bao phủ 79% dân số, để vực dậy nền kinh tế. Chính phủ liên tục kêu gọi người dân tăng cường tiêu dùng để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Tuy nhiên, việc nới lỏng chính sách đã dẫn tới cái giá phải trả: kể từ đầu tháng 11/2021, số ca mắc mới hàng ngày đã vượt quá 3.000, một kỷ lục tại nước này. Tổng thống Moon Jae-in lo ngại nguy cơ bão hòa của các đơn vị chăm sóc y tế đặc biệt. Vì vậy, các bước tiếp theo trong “sống chung với COVID-19” tại Hàn Quốc rất có thể sẽ bị trì hoãn.

Tháng 3/2020, nhà chức trách Australia quyết định đóng cửa biên giới, tiếp đến áp dụng biện pháp cách ly bắt buộc đối với một số ít người được phép nhập cảnh. Australia áp dụng chính sách “vô hiệu hóa quyết liệt” trong thời gian chờ thuốc đặc trị và vaccine. Trong vài tuần, virus Corona gần như biến mất tại đất nước này.

Nhờ áp dụng các biện pháp xét nghiệm, truy vết và cách ly nghiêm ngặt nhưng nhanh gọn (ngoại trừ Melbourne vào mùa Đông năm 2020), Australia đã thành công trong việc tiêu diệt tất cả các đợt bùng phát dịch bệnh cho đến khi biến thể Delta xuất hiện. Gần như trong suốt thời kỳ khủng hoảng, người dân Australia không phải sử dụng khẩu trang hoặc thực hiện giãn cách.

Tháng 7/2021, 5 tháng sau khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng, Australia công bố kế hoạch kết thúc chiến lược “zero COVID." Tuy nhiên, biến thể Delta xuất hiện khi chưa đến 10% dân số Australia được miễn dịch khiến kế hoạch này bị lung lay. Hai tiểu bang lớn nhất là New South Wales và Victoria đã buộc phải từ bỏ chiến lược dựa vào tiêm chủng và quay trở lại biện pháp giãn cách kéo dài. Những quy định đã được dỡ bỏ chỉ dành cho những người đã được tiêm vaccine.

Tính đến cuối tháng 11/2021, gần 84% dân số trên 12 tuổi đã được tiêm 2 liều, và chương trình tiêm nhắc lại được áp dụng cho tất cả những người đã tiêm liều hai. Tỷ lệ cao này cho phép Australia tiếp tục nằm trong số những nước có thành tích hàng đầu trong cuộc chiến chống COVID-19 để có thể lại biên giới từ đầu tháng 11/2021./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục