Giải mã lý do đẩy "người khổng lồ' Evergrande đến bờ vực phá sản

Nguyên nhân khiến Evergrande - "niềm tự hào một thời” của ngành bất động sản Trung Quốc ngập trong nợ nần một phần do sử dụng quá nhiều đòn bẩy tài chính và đầu tư ngoài ngành.
Giải mã lý do đẩy "người khổng lồ' Evergrande đến bờ vực phá sản ảnh 1Các tòa nhà do tập đoàn bất động sản Evergrande xây dựng tại Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 17/9/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Những ngày này, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc và nước ngoài đang sống trong lo âu với trái “bom nợ” mang tên Evergrande. Tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất nhì Trung Quốc đang có nguy cơ vỡ nợ với tổng giá trị lên tới 300 tỷ USD.

Kết quả là hàng loạt thị trường chứng khoán toàn cầu đã có 2 phiên nhuốm sắc đỏ đầu tuần này. Riêng cổ phiếu của Evergrande “bốc hơi” 17% khi chỉ còn 4 ngày nữa là đến hạn thanh toán lãi trái phiếu bằng USD trị giá 83,5 triệu USD.

Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của Evergrande đã “lao dốc” 90%, khiến tổng giá trị vốn hoá của tập đoàn này sụt giảm thê thảm.

Nguyên nhân khiến “niềm tự hào một thời” của ngành bất động sản Trung Quốc ngập trong nợ nần một phần do sử dụng quá nhiều đòn bẩy tài chính và đầu tư ngoài ngành, mà nghiêm trọng nhất là lĩnh vực xe điện.

Niềm tự hào một thời của Trung Quốc...

Evergrande từng là tập đoàn phát triển bất động sản lớn thứ 2 ở Trung Quốc với hàng trăm dự án tại các thành phố trên cả nước. Sau nhiều năm phát triển thần tốc, Evergrande đã mạnh tay vay tiền đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau như ô tô điện, tiêu dùng, dịch vụ y tế, dịch vụ giải trí...

Trong số này, ngành sản xuất “xe xanh” có vẻ được Evergrande ưu ái hơn cả. Cách đây vài năm, tập đoàn đã quyết định thành lập công ty con Evergrande New Energy Vehicle Group Ltd’s (gọi tắt là Evergrande NEV). Tham vọng của Evergrande khi đó là sẽ đưa Evergrande NEV trở thành “Telsla của Trung Quốc” để đón đầu nhu cầu được dự báo sẽ bùng nổ ở thị trường ngót nghét 1,5 tỷ dân với tầng lớp trung lưu đang nở rộ.

Với tham vọng trở thành siêu Telsla của Trung Quốc, năm ngoái Evergrande thông báo sẽ đầu tư 45 tỷ USD cho Evergrande NEV sản xuất xe điện và chỉ từ đầu năm 2021 đến nay đã giới thiệu liên tiếp 9 mẫu xe tiềm năng.

Kỳ vọng tăng trưởng cao khiến cổ phiếu của Evergrande NEV tăng phi mã gấp 10 lần chỉ trong thời gian ngắn, giúp công ty dễ dàng huy động được một khoản vốn lớn. Đến tháng 4/2021, giá trị vốn hóa của Evergrande NEV đạt tới 87 tỷ USD, cao gấp 4 lần giá trị vốn hóa của công ty mẹ.

... và những bước đi sai lầm

Thế nhưng, do có những bước đi sai lầm và thua kém về công nghệ so với các đối thủ trong lĩnh vực sản xuất xe điện, Evergrande NEV đã không thể đạt kết quả kinh doanh như kỳ vọng của mình và các nhà đầu tư. Từ chỗ là niềm hy vọng cho tương lai xe điện ở Trung Quốc thì nay Evergrande NEV lại trở thành một nỗi thất vọng lớn khi sản phẩm ra lò không được thị trường chào đón.

Mảng kinh doanh ngày càng thua lỗ, các nhà máy sản xuất “đắp chiếu để không," trong khi các loại chi phí khác đều tăng mạnh. Có tới 42% tổng khoản nợ sẽ đến hạn thanh toán trong chưa đầy một năm nữa.

[Giới chức Trung Quốc chuẩn bị cho kịch bản Evergrande sụp đổ]

Bên cạnh đó, việc Chính phủ Trung Quốc ban hành các biện pháp siết chặt thị trường bất động sản nội địa đang tăng nóng đã “bồi thêm nhát dao chí mạng” cho công ty mẹ Evergrande, khiến “quả bom nợ” có thể được kích hoạt bất cứ lúc nào với những “cú nổ dây chuyền” trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.

Các ngân hàng, nhà cung cấp, người mua nhà tới hàng chục nghìn người lao động của Evergrande đều có nguy sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nếu “quả bom nợ” phát nổ. Thậm chí nhiều người đã nhắc tới bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế năm 2008 xuất phát từ sự sụp đổ của tập đoàn tài chính đình đám khi đó là Lehman Brothers.

Lo lắng xen lẫn kỳ vọng

Khi nguy cơ vỡ nợ của Evergrande cận kề, nhiều nhà đầu tư đã vội vàng bán tháo cổ phiếu trong hoảng loạn, kích hoạt làn sóng “thủy triều đỏ” trên khắp các sàn chứng khoán toàn cầu, từ châu Á tới châu Âu và Mỹ hồi đầu tuần này.

Thế nhưng cũng có những người vẫn hy vọng Evergrande sẽ được Chính phủ Trung Quốc giang tay cứu giúp vì thuộc diện “quá lớn để sụp đổ” (too big to fail). Tất nhiên đến thời điểm này, sự giúp đỡ đó vẫn rất nhỏ giọt và chủ yếu nhằm bảo vệ lợi ích của các trái chủ hơn là “hà hơi, thổi ngạt” cho “con cưng” một thời.

Giải mã lý do đẩy "người khổng lồ' Evergrande đến bờ vực phá sản ảnh 2Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết đã bơm 14 tỷ USD vào thị trường nhưng không đưa ra gói hỗ trợ riêng cho Evergrande. (Nguồn: EPA)

Trong thông báo mới nhất, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết đã bơm 14 tỷ USD vào thị trường nhưng không đưa ra gói hỗ trợ riêng cho Evergrande. Các cơ quan quản lý tài chính ở Bắc Kinh chỉ yêu cầu Evergrande phải thực hiện tất cả các biện pháp để tránh vỡ nợ ngắn hạn và tập trung hoàn thành các dự án bất động sản dang dở cũng như trả nợ cho các nhà đầu tư cá nhân.

Evergrande hiện có 778 dự án bất động sản cần hoàn thành tại 223 thành phố. Tập đoàn này cũng có hơn 70.000 nhà đầu tư, bao gồm các thiết chế tài chính, các đối tác kinh doanh lớn ở trong nước và quốc tế, các nhà đầu tư cá nhân đã đóng tiền mua nhà thuộc diện đang hình thành.

Đương nhiên, với vị thế “quá lớn để sụp đổ," Evergrande có lẽ sẽ không hoàn toàn đơn độc trong việc xử lý cuộc khủng hoảng hiện nay. Các cấp chính quyền và các thiết chế tài chính nhà nước ở Trung Quốc sẽ phải vào cuộc nếu như đến phút chót Evergrande vẫn không thể tìm ra phương án thoát hiểm an toàn cho thị trường.

Trước mắt, Evergrande đã cam kết sẽ trả lãi trái phiếu bằng nhân dân tệ (dù chỉ bằng hình thức phiếu giảm giá) và đang đàm phán với các trái chủ địa phương để được hoãn thanh toán mà không bị coi là vỡ nợ. Với các trái phiếu bằng USD, bài toán cần giải sẽ khó hơn nhiều, nhưng có lẽ không nhà đầu tư nào muốn số tiền của mình sẽ bốc hơi dễ dàng khi “vẫn còn nước để tát."

Việc các nhà đầu tư của Evergrande phải sống trong sợ hãi những ngày này là khó tránh khỏi, song mọi cánh cửa vẫn chưa thực sự khép lại khi mà chiếc phao cứu sinh của Chính phủ Trung Quốc còn chưa được tung ra và nền tảng đảm bảo nợ của Evergrande (dùng tài sản thực chứ không phải các sản phẩm tài chính) chắc chắn bền vững hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng của Lehman Brothers cách đây 13 năm./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục