Giải mã gene thế hệ mới để điều trị chuẩn xác và tầm soát ung thư

Công nghệ giải mã thế hệ mới đang được áp dụng ngày càng rộng rãi để đánh giá nguy cơ mắc ung thư, bệnh tiểu đường, các bệnh tim mạch, các bệnh thoái hóa thần kinh, tự kỷ và nhiều bệnh khác.
Giải mã gene thế hệ mới để điều trị chuẩn xác và tầm soát ung thư ảnh 1Ảnh minh họa.

Ngày 2/7, tại thành phố Nha Trang, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa phối hợp cùng Công ty Trầm Hương Khánh Hòa tổ chức Hội thảo "Ứng dụng công nghệ giải mã gene thế hệ mới và di truyền học trong điều trị chuẩn xác và tầm soát ung thư."

Hội thảo có sự tham gia của hơn 300 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, bác sỹ nghiên cứu, điều trị về bệnh ung thư, trong đó có các giáo sư, tiến sỹ hàng đầu thế giới đến từ Trung tâm Ung thư MD Anderson (Hoa Kỳ), Đại học Y khoa Johns Hopkins (Singapore), Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh...

Với tham luận "Nền tảng khoa học và tiến bộ của công nghệ giải mã gene trong ung thư," giáo sư, tiến sỹ Mong-Hong Lee, Trung tâm Ung thư MD Anderson (Hoa Kỳ), cho hay trong kỷ nguyên mới của y học di truyền, việc nghiên cứu, điều trị, tầm soát ung thư đã đạt nhiều tiến bộ quan trọng.

Công nghệ giải mã thế hệ mới đang được áp dụng ngày càng rộng rãi để đánh giá nguy cơ mắc ung thư, bệnh tiểu đường, các bệnh tim mạch, các bệnh thoái hóa thần kinh, tự kỷ và nhiều bệnh khác. Từ đó, giúp các bác sỹ có các quyết định phù hợp và tối ưu hóa quy trình tầm soát để giảm nguy cơ hình thành, phát triển bệnh.

Tiến sỹ Phan Minh Liêm, Viện Trưởng Viện Y sinh Việt Nam-Hoa Kỳ, cho biết sự phát triển và hoàn thiện của công nghệ giải mã gene thế hệ mới cùng với các ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp các bác sỹ, chuyên gia nhanh chóng xác định các thuốc trúng đích phù hợp, có phương pháp điều trị tối ưu.

Ngoài ra, nhờ các công nghệ trên, các chuyên gia di truyền có thể phân tích bộ gen, phát hiện các đột biến di truyền có khả năng làm tăng nguy cơ mắc ung thư, đồng thời đưa ra các tư vấn phòng ngừa ung thư phù hợp.

Tham luận về “Công nghệ di truyền ung thư và tầm ảnh hưởng đối với các bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ,” phó giáo sư, tiến sỹ WenSon Hsieh, Đại học Y khoa Johns Hopkins (Singapore), khẳng định các tiến bộ của công nghệ di truyền trong ung thư đã mang lại nhiều lợi ích đối với các bệnh nhân, nhất là bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ, giúp các bệnh nhân này sống lâu hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Dịp này, Ban tổ chức khai trương, Viện Y sinh Việt Nam-Hoa Kỳ tại thành phố Nha Trang.

Tại Viện Y sinh, bệnh nhân sẽ được hỗ trợ thông tin, tư vấn lấy mẫu xét nghiệm, sau đó sẽ được các chuyên gia tại Trung tâm ung thư MD Anderson, Hiệp hội Di truyền học y khoa Hoa Kỳ và Hiệp hội giải phẫu bệnh học Hoa Kỳ giải mã toàn bộ gen, để tìm loại thuốc tối ưu nhất cho điều trị.

Các tham luận trình bày tại hội thảo đã khẳng định ung thư là một căn bệnh nguy hiểm và phổ biến với hơn 14 triệu ca mắc mới và hơn 8 triệu bệnh nhân tử vong trên toàn thế giới mỗi năm.

Ở Việt Nam, hơn 125.000 ca ung thư mới/ năm được ghi nhận, trong đó khoảng 90.000 bệnh nhân bị tử vong, khiến nước ta thành quốc gia có tỷ lệ tử vong do ung thư cao nhất thế giới mà nguyên nhân chính là do phát hiện muộn, việc điều trị gặp nhiều hạn chế, chủ yếu theo phát đồ ứng đoán-nghĩa là vừa điều trị vừa theo dõi tác dụng của thuốc.

Việc ra đời của Viện Y sinh Việt Nam-Hoa Kỳ là bước đầu tiên trong hành trình hợp tác dài hạn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, từ đó, mở ra cơ hội tầm soát, điều trị tốt nhất, chi phí thấp nhất cho bệnh nhân ung thư tại Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục