Giải mã các dự án "treo" tại Hà Nội: Biết sai vẫn khó xử lý

Không ít các dự án chậm thực hiện kéo dài hàng chục năm vẫn không bị thu hồi là do sự thiếu cương quyết của chính quyền trong quản lý cũng như do doanh nghiệp chây ỳ triển khai dự án.
Giải mã các dự án "treo" tại Hà Nội: Biết sai vẫn khó xử lý ảnh 1Dự án AIC nằm trên địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội, sau hơn 10 năm triển khai vẫn chỉ là khu đất hoang, cỏ mọc um tùm và rác thải đổ bừa bãi. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Hà Nội đang có hàng trăm dự án “ôm đất” dù đã quá thời hạn triển khai xây dựng tới hàng chục năm vẫn chưa bị thu hồi. Nhiều dự án chậm triển khai vẫn tiếp tục được gia hạn không những một lần mà còn nhiều lần.

Con số dự án “treo” vẫn tồn tại nhiều năm và được ghi nhận ở nhiều cuộc họp cũng như văn bản báo cáo của thành phố nhưng vẫn chưa được xử nghiêm. Dẫu biết là sai mà vẫn khó xử lý là câu chuyện đang tiếp diễn.

Muôn vàn lý do “treo” dự án

Theo nhìn nhận của các địa phương, có muôn vàn lý do để biện minh cho thực trạng dự án “treo” đáng báo động trên địa bàn Thủ đô.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Nam Từ Liêm Nguyễn Quốc Nam cho rằng một số dự án phải điều chỉnh theo quy hoạch phân khu nên chủ trương đầu tư hết thời hạn phải xin điều chỉnh.

Một số dự án chuyển tiếp từ Luật Đất đai 2003 sang Luật Đất đai năm 2013, dự án đã có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng tiếp tục phát sinh vướng mắc chính sách về đất dịch vụ dẫn đến phát sinh đơn thư, khiếu kiện ảnh hưởng đến tiến độ, thời gian thực hiện dự án.

Một số nhà đầu tư không liên hệ với Ủy ban nhân dân quận để thực hiện giải phóng mặt bằng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cũng viện dẫn nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng 60 dự án trên địa bàn bị “treo.”

Đó là việc các dự án phải thực hiện rà soát, điều chỉnh theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu của thành phố Hà Nội sau khi sáp nhập năm 2008.

Đặc biệt, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng của thành phố Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc có sự khác nhau liên quan đến đất dịch vụ làm ảnh hưởng lớn tiến độ thực hiện.

Lãnh đạo huyện Mê Linh cũng nhấn mạnh đến nguồn lực, năng lực còn hạn chế của nhiều nhà đầu tư nên không đáp ứng được yêu cầu triển khai dự án. 

Cùng quan điểm, ông Bùi Tuấn Anh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Cầu Giấy là địa phương có 8 dự án chậm triển khai đề nghị được gia hạn thêm 24 tháng cho biết, nguyên nhân khiến các dự án chậm triển khai do nhiều yếu tố, có thể là do dịch COVID-19 khiến các chủ đầu tư gặp khó khăn, hoặc chủ đầu tư chờ điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, chưa thực hiện giải phóng mặt bằng hoặc triển khai dở dang.

[Những 'dự án treo' tại Thủ đô và nỗi lo lãng phí đất đai]

Thậm chí, có những dự án chính quyền sở tại không thể liên hệ được với chủ đầu tư để giải quyết những vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án…

Còn theo lãnh đạo các sở, ngành chức năng của Hà Nội, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng dự án “treo,” trong đó, khách quan chủ yếu do điều chỉnh quy hoạch; chính sách đất đai thay đổi dẫn đến thủ tục phê duyệt dự án, quy hoạch, giấy phép xây dựng phức tạp, kéo dài.

Quy định về quản lý đất đai có sự xung đột pháp luật, hoặc các văn bản dưới luật còn một số nội dung chưa đầy đủ, rõ ràng, chậm được các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ gây khó khăn trong việc thực hiện, nhất là đối với các trường hợp xử lý chuyển tiếp…

Thêm vào đó, nhận thức ý thức chấp hành Luật Đất đai của các chủ đầu tư hạn chế.

Nhiều chủ đầu tư không phối hợp địa phương, cố tình chây ì không thực hiện nghĩa vụ tài chính, một số chủ đầu tư sắp hết hạn dự án lại đề nghị điều chỉnh gia hạn; một số sở ngành chưa phối hợp thực hiện đồng bộ nên  hiệu quả xử lý chưa cao - Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội Bùi Duy Cường chỉ rõ. 

Thiếu quyết liệt xử lý vi phạm

Trực tiếp làm việc với 3 quận, huyện Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Mê Linh và kiểm tra thực địa 8 dự án tại kỳ tái giám sát mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà đã chỉ rõ những tồn tại, bất cập nhiều năm qua trong công tác xử lý dự án “treo.”

Việc chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra thực hiện Nghị quyết về kết quả giám sát và các kiến nghị giám sát, Kết luận phiên giải trình của Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố chưa được các cấp, các ngành triển khai thực sự quyết liệt và thường xuyên. 

Đoàn giám sát Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội thẳng thắn phê bình các sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư chưa kiên quyết, chưa kịp thời, chưa làm hết trách nhiệm trong xử lý vi phạm của các nhà đầu tư.

Việc quản lý, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện dự án theo tiến độ cũng như việc hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch còn chậm và chưa quyết liệt.

Giải mã các dự án "treo" tại Hà Nội: Biết sai vẫn khó xử lý ảnh 2Hàng loạt dự án có quy mô lớn trên địa bàn huyện Mê Linh (Hà Nội) bị bỏ hoang, chưa thực sự khởi động xây dựng sau hơn 10 năm được giao đất, gây lãng phí tài nguyên đất đai. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Việc phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành mang tính thời điểm, chưa xuyên suốt; chưa quy định trách nhiệm cụ thể của từng ngành, cấp trong phối hợp đôn đốc, kiểm tra; công tác giám sát và đánh giá đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách bị buông lỏng.

“Đối với nhóm dự án được giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất chậm 12 tháng, trách nhiệm chính thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Đối với nhóm dự án chậm 24 tháng trách nhiệm thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Còn trách nhiệm của Sở Quy hoạch và Kiến trúc là chưa kịp thời tham mưu cho thành phố biện pháp hiệu quả nhằm hạn chế tình trạng chủ đầu tư lợi dụng việc điều chỉnh quy hoạch để kéo dài thời gian triển khai khi đã vi phạm” - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà khẳng định.

Nguyên nhân chủ quan nữa là một số quận, huyện chưa chủ động đôn đốc, kiến nghị các sở, ngành phối hợp quản lý các dự án sử dụng đất trên địa bàn, nhất là yêu cầu lập hồ sơ vi phạm theo quy định để làm căn cứ đầy đủ đề xuất thu hồi các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai hoặc xử lý vi phạm, đôn đốc chủ đầu tư theo kết luận thanh tra của thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường. 

Thực tế, không ít các dự án chậm thực hiện kéo dài hàng chục năm vẫn không bị thu hồi là do sự thiếu cương quyết của chính quyền trong quản lý. Tại các quyết định thu hồi và giao đất cho doanh nghiệp chủ yếu là "tạm giao" và không có quy định về thời hạn thực hiện.

Đây là khe hở pháp luật để các doanh nghiệp được giao đất làm dự án lợi dụng kéo dài nhiều năm mà không bị xử lý theo luật định. Hay, việc phối hợp với nhà đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng còn chưa đạt yêu cầu, nhiều dự án chậm nhiều lần.

Còn về phía chủ đầu tư, nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành tốt các quy định pháp luật đất đai và chế độ báo cáo giám sát đầu tư; cố ý sử dụng đất sai mục đích hoặc cố tình chây ỳ không triển khai dự án; đề xuất điều chỉnh gia hạn dự án nhiều lần, chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng... 

Có thể khẳng định việc khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai và xử lý tình trạng để đất hoang hóa, chậm triển khai là vấn đề khó, được cử tri quan tâm và mong mỏi được giải quyết.

Vì vậy, việc quyết liệt, chọn đúng, trúng vấn đề giám sát một lần nữa thêm khẳng định hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội thời gian qua.

Từ đó, xác định được rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng đơn vị và địa phương để thành phố có hướng xử lý một cách hiệu quả và triệt để các dự án vi phạm, gây lãng phí tài nguyên đất đai./.

Bài cuối: Xử lý triệt để các dự án "treo" tại Hà Nội

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục