Giai đoạn căng thẳng mới giữa hai nước Bolivia-Mỹ

Tổng thống Bolivia đã trục xuất các đại diện của USAID khỏi Bolivia với lý do đã can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.
Trong một động thái được nhìn nhận là có thể khiến quan hệ song phương thêm căng thẳng, ngày 1/5, Tổng thống Bolivia Evo Morales đã thông báo trục xuất các đại diện của Cơ quan Hỗ trợ phát triển quốc tế Mỹ (USAID) khỏi Bolivia với lý do đã can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.

Phát biểu tại thủ đô La Paz, Tổng thống Morales tuyên bố ban lãnh đạo Bolivia đã quyết định trục xuất USAID và cáo buộc cơ quan này tìm cách phá hoại chính phủ cánh tả của ông.

Đây không phải lần đầu tiên chính quyền La Paz trục xuất các nhân viên Mỹ làm việc tại nước này. Hồi năm 2008, Tổng thống Morales đã trục xuất đại sứ Mỹ và các đặc vụ của Cơ quan Phòng chống ma túy Mỹ.

Trung tuần tháng Tư vừa qua, Tổng thống Morales tuyên bố sẽ xem xét lại quan hệ với Mỹ sau khi Washington không công nhận kết quả bầu cử tổng thống tại Venezuela và Ngoại trưởng John Kerry phát biểu coi khu vực Mỹ Latinh là “sân sau” của Mỹ.

Nhà lãnh đạo cánh tả này cũng đồng thời tuyên bố Bolivia đã không còn là “sân sau” của Mỹ sau khi giành độc lập trong kinh tế nhờ quốc hữu hóa ngành dầu khí.

Ông tố cáo trước đây việc bổ nhiệm tư lệnh các lực lượng vũ trang, tư lệnh cảnh sát và các bộ trưởng tại Bolivia đều phải được Mỹ thông qua, thế nhưng giờ đây La Paz không cho phép sự can thiệp như vậy.

Kể từ năm 2008, Bolivia và Mỹ chỉ giữ quan hệ ở cấp đại biện, sau khi Tổng thống Morales trục xuất Đại sứ Mỹ Philip Goldberg tại La Paz với cáo buộc nhà ngoại giao này cùng với các lực lượng đối lập âm mưu lật đổ ông. Đáp lại, Mỹ cũng trục xuất Đại sứ Bolivia.

Hai nước mới đây đã thảo luận về việc khôi phục quan hệ ở cấp đại sứ nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục