Theo Tờ trình của Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn 2021-2025 cần đầu tư 9 dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông mới với nguồn vốn 124.619 tỷ đồng.
Thêm 552km cao tốc
Để hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, theo phía Bộ Giao thông Vận tải, cần đầu tư toàn bộ 12 dự án thành phần, chiều dài khoảng 729km gồm các đoạn Hà Tĩnh-Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi-Nha Trang (353km) và Cần Thơ-Cà Mau (109km), đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.
Theo tính toán sơ bộ, toàn bộ 12 dự án thành phần đầu tư giai đoạn phân kỳ (quy mô 4 làn xe) theo phương thức PPP, tổng mức đầu tư khoảng 154.527 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước khoảng 73.495 tỷ đồng.
Tuy nhiên, phía Bộ Giao thông Vận tải cho rằng trong điều kiện nguồn lực Nhà nước còn khó khăn đồng thời phải cân đối, dành nguồn lực đầu tư cho các vùng kinh tế trọng điểm và thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác nên chưa thể cân đối đủ để đầu tư ngay toàn bộ 12 dự án thành phần còn lại trên tuyến bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông trong giai đoạn 2021-2025.
Đặc biệt, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021, nguồn vốn ngân sách Nhà nước dự kiến bố trí cho dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 khoảng 47.169 tỷ đồng.
Do vậy, trường hợp đầu tư ngay toàn bộ 12 dự án thành phần sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai đầu tư các dự án đường bộ cao tốc quan trọng quốc gia có nhu cầu bách đang chuẩn bị triển khai như vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Thành phố Hồ Chí Minh-Chơn Thành, Vân Phong-Buôn Ma Thuột... và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác.
[Bộ trưởng GTVT: Cao tốc Bắc-Nam phải đặt chất lượng lên hàng đầu]
Sau khi tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng về nhiều mặt, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất giai đoạn 2021-2025 đầu tư hoàn thành 9/12 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam, chiều dài 552km gồm các đoạn Bãi Vọt-Vũng Áng (Hà Tĩnh), Quảng Ngãi-Nha Trang, Cần Thơ-Cà Mau) đồng thời triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư 3 dự án thành phần còn lại trên đoạn Vũng Áng (Hà Tĩnh)-Cam Lộ (Quảng Trị), dài 177km theo hình thức đầu tư công.
Tổng mức đầu tư của 9 dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là khoảng 124.619 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước khoảng 61.628 tỷ đồng.
Đối với phần vốn Nhà nước còn thiếu (khoảng 11.867 tỷ đồng) để triển khai đầu tư 3 dự án thành phần trên đoạn Vũng Áng (Hà Tĩnh)-Cam Lộ (Quảng Trị), Chính phủ sẽ rà soát, cân đối trong tổng thể nguồn vốn nhà nước bố trí cho ngành giao thông vận tải giai đoạn 2021-2025, trường hợp khó khăn sẽ chuyển tiếp sang giai đoạn 2026-2030.
Kiến nghị áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu
Đề cập đến nguồn vốn thực hiện, Bộ Giao thông Vận tải tính toán vốn tham gia của Nhà nước bố trí theo tiến độ thực hiện, giải ngân dự kiến và không tính trong phương án tài chính để xác định thời gian thu hồi vốn của dự án. Vốn chủ sở hữu tạm xác định để tính toán trong phương án tài chính là 15% tổng vốn nhà đầu tư huy động, vốn vay 85% tổng vốn nhà đầu tư huy động. Thời gian thu phí hoàn vốn từ 17-32 năm.
So với 3 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP trên tuyến cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 (thời gian thu phí hoàn vốn từ 16-18 năm, vốn Nhà nước tham gia bình quân khoảng 54% tổng mức đầu tư), các dự án thành phần giai đoạn 2021-2025 có thời gian thu phí dài hơn, mức vốn tham gia của Nhà nước thấp hơn (thời gian thu phí bình quân khoảng 24,8 năm).
Tuy nhiên, các dự án thành phần giai đoạn 2021-2025 kiến nghị được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo quy định của Luật PPP. Cụ thể, áp dụng khi doanh thu giảm dưới 75% so với mức doanh thu trong phương án tài chính quy định tại hợp đồng, nhà đầu tư được điều chỉnh mức giá phí, kéo dài thời gian thu phí hoặc Nhà nước bù bằng nguồn dự phòng ngân sách Nhà nước được đánh giá là điều kiện thuận lợi để các ngân hàng xem xét cung cấp tín dụng.
Bên cạnh đó, ngoài nguồn cung cấp tín dụng từ các ngân hàng, Luật PPP cho phép doanh nghiệp dự án được phát hành trái phiếu doanh nghiệp, huy động vốn từ các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án.
[Cao tốc Bắc-Nam trước nỗi lo biến động giá và thiếu vật liệu xây dựng]
Đối với các dự án có thời gian thu phí trên 25 năm, để tăng tính khả thi kêu gọi nhà đầu tư và huy động nguồn vốn vay, Chính phủ đã xây dựng và đề xuất cơ chế giao Chính phủ quyết định mức vốn, tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia đối với từng dự án thành phần theo điều kiện cụ thể của từng dự án trước khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, bảo đảm tổng mức vốn nhà nước tham gia dự án không vượt quá mức vốn nhà nước được Quốc hội thông qua.
Mức giá thu phí dự kiến từ 1.700 đồng/km giai đoạn 2024-2026 và tăng dần 3 năm một lần, cao nhất đến 4.300 đồng/km giai đoạn 2048-2050.
Đặc biệt, trường hợp hình thức huy động PPP không thành công (không tìm được nhà đầu tư, hoặc quá 12 tháng nhà đầu tư không huy động được vốn vay), Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển đổi hình thức đầu tư, giống như các dự án giai đoạn trước.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra mốc dự kiến thời gian chuẩn bị dự án từ năm 2021 và cơ bản hoàn thành năm 2025; các dự án thành phần trên đoạn Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị) hoàn thành trước năm 2030./.