Giai đoạn 2020-2024: 600 giải pháp tiết kiệm năng lượng đã được triển khai

UNIDO cam kết hỗ trợ cung cấp dịch vụ tư vấn chính sách và kỹ thuật về sử dụng các nguồn tài nguyên sạch hơn và hiệu quả hơn đồng thời thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp sinh thái.
Trong giai đoạn 2020-2024, các doanh nghiệp tại 5 khu công nghiệp đã thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch đồng thời tiết kiệm 69,2 tỷ đồng/năm và cắt giảm được 8.910 tấn khí CO2/năm. (Ảnh: Vietnam+)

Trong giai đoạn 2020-2024, cả nước ghi nhận có 88 doanh nghiệp tại 5 khu công nghiệp, đã thực hiện hơn 600 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn. Kết quả đã được tiết kiệm 69,2 tỷ đồng mỗi năm đồng thời cắt giảm được 8.910 tấn khí CO2/năm.

Thông tin được đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp tại Hội nghị “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp Việt Nam hướng tới phát triển bền vững” trong khuôn khổ dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu,” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức, ngày 12/4.

Lợi ích kinh tế cho quốc gia

Mục đích của hội nghị nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy đối thoại chính sách và khuyến khích sự hợp tác giữa các bên liên quan nhằm hỗ trợ hiệu quả quá trình chuyển đổi sang phát triển công nghiệp toàn diện và bền vững ở Việt Nam.

Tại hội nghị, hơn 200 đại biểu từ các bộ ngành, ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, các công ty đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp thứ cấp, tổ chức tài chính và nghiên cứu, hiệp hội, tổ chức quốc tế tham gia và thảo luận.

Mục đích của hội nghị nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy đối thoại chính sách và khuyến khích sự hợp tác giữa các bên liên quan nhằm hỗ trợ hiệu quả quá trình chuyển đổi sang phát triển công nghiệp toàn diện và bền vững ở Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+)

Ông Smail Alhilali, Trưởng Ban Kinh tế Tuần hoàn và Quản lý Hóa chất của UNIDO trụ sở chính, chia sẻ những cơ hội kinh tế tuần hoàn đem lại góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.

“Thúc đẩy tính tuần hoàn trong các khu công nghiệp có thể giúp Việt Nam không chỉ giảm tác động môi trường mà còn tạo cơ hội đổi mới và tăng trưởng xanh,” ông Alhilali nhấn mạnh tiềm năng phát triển khu công nghiệp sinh thái trở thành trung tâm đem lại lợi ích kinh tế cho quốc gia.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, lần đầu tiên kinh tế tuần hoàn được đề cập trong văn kiện của Đảng cộng sản Việt Nam, xác định kinh tế tuần hoàn là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Dưới góc độ nhà quản lý, ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đánh giá cao vai trò của mô hình khu công nghiệp sinh thái trong việc xanh hóa các khu công nghiệp, thực hiện kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp nói chung và khu công nghiệp nói riêng, trong nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, huy động nguồn lực của khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng và thể hiện cam kết chính trị đối với các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Cam kết mạnh mẽ

Ông Quân chia sẻ thêm trong hơn 30 năm hình thành và phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế đã được ghi nhận vai trò to lớn trong các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, trong đó có sự lớn mạnh về quy mô của nền kinh tế, tạo việc làm, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu nhập, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới công nghệ, thúc đẩy hội nhập, cải thiện vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo ông Quân, các khu công nghiệp là trung tâm hoạt động kinh tế và đang chuyển hướng từ mô hình kinh tế tuyến tính (nguyên vật liệu đầu vào sử dụng, tạo ra sản phẩm và thải bỏ) sang sang mô hình ưu tiên thiết kế bền vững, hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu chất thải và tái chế (bằng cách tích hợp các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn, như thiết kế sản phẩm bền lâu, tái sử dụng vật liệu và triển khai hệ thống quản lý chất thải hiệu quả).

Mô hình cộng sinh công nghiệp là một hình thức sáng tạo để tăng năng suất sử dụng tài nguyên, đây là một trong những cách tiếp cận để hiện thực hóa nền kinh tế tuần hoàn. (Ảnh: Vietnam+)

Chính vì vậy, ông Quân nhấn mạnh trong những năm vừa qua Bộ kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc thực hiện mô hình khu công nghiệp sinh thái. Trong đó, các mô hình cộng sinh công nghiệp được thúc đẩy thực hiện, đây là một hình thức sáng tạo để tăng năng suất sử dụng tài nguyên và là một trong những cách tiếp cận để hiện thực hóa nền kinh tế tuần hoàn (Circular Economy) và hướng đến đạt được tăng trưởng xanh.

"Chúng ta đều chung một nhận thức rằng việc chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững cho từng khu công nghiệp, khu kinh tế, cho từng địa phương và cả nền kinh tế," ông Quân nhấn mạnh.

Hội nghị chia thành các phiên thảo luận về vai trò quan trọng của các khu công nghiệp trong việc thực hiện các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, các cơ hội và thách thức về tích hợp các hoạt động kinh tế tuần hoàn giữa các ngành công nghiệp khác nhau trong các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, các chuyên gia trao đổi cách thức gắn kết giữa mục tiêu phát triển đô thị thông qua thúc đẩy các giải pháp cộng sinh công nghiệp và đô thị.

Cam kết của UNIDO trong hỗ trợ các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững đề ra trong Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững thông qua thúc đẩy tính tuần hoàn trong ngành công nghiệp, ông Jerome Stucki, Trưởng ban Kinh tế tuần hoàn và Hiệu quả tài nguyên của UNIDO Trụ sở chính, nhấn mạnh vai trò của UNIDO trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn chính sách và kỹ thuật về sử dụng các nguồn tài nguyên sạch hơn và hiệu quả hơn bao gồm nguyên vật liệu, năng lượng và nước đồng thời thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn và mô hình hợp tác kinh doanh trong phát triển các khu công nghiệp sinh thái.

Tại hội nghị, bà Sibylle Bachmann, Trưởng Cơ quan Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam, nhấn mạnh về lợi ích của quá trình chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm giữa các chuyên gia nhằm thúc đẩy lồng ghép các mô hình kinh tế tuần hoàn tại các khu công nghiệp.

“Chương trình khu công nghiệp sinh thái là cơ sở hình thành môi trường kinh doanh thân thiện theo hướng đổi mới. Hơn nữa, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần đáng kể vào tiến trình phát triển công nghiệp bền vững và cạnh tranh ở Việt Nam,” bà Sibylle tin tưởng nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục