Giải đáp về những vết đỏ trên người kình ngư Mỹ Michael Phelps

Khi chứng kiến Michael Phelps thi đấu ở Olympic, người hâm mộ đã bất ngờ khi thấy có nhiều vòng tròn đỏ trên lưng anh, trông giống như những vết thủy đậu lớn, hay một thứ hình xăm kỳ lạ.
Giải đáp về những vết đỏ trên người kình ngư Mỹ Michael Phelps ảnh 1Kình ngư người Mỹ Michael Phelps . (Nguồn: foxsports.com)

Khi chứng kiến Michael Phelps thi đấu ở Olympic 2016, người hâm mộ đã bất ngờ khi thấy nhiều vòng tròn đỏ trên lưng kình ngư người Mỹ, trông giống như những vết thủy đậu lớn, hay một thứ hình xăm kỳ lạ nào đó. Chúng là gì vậy?

Thực ra, đó là những vết do giác hơi để lại. Đây là một kỹ thuật y khoa truyền thống Trung Quốc (một số nguồn lại cho rằng phương pháp này bắt nguồn từ Ai Cập) xuất hiện cách đây hàng ngàn năm.

Theo phương pháp cổ truyền, những chiếc cốc bằng thủy tinh bên trong có mồi được đốt cháy được đặt lên da bệnh nhân. Khi mồi cháy hết và những chiếc cốc bắt đầu nguội dần, chân không sẽ sinh ra bên trong chiếc cốc.

Ngày nay, người ta thường sử dụng một chiếc bơm để tạo ra hiệu ứng tương tự, để lại những vết bầm tạm thời trên da người được trị liệu.

Đối với các vận động viên, phương pháp trị liệu này được cho là có thể giúp vận động viên hồi phục - một điều rất quan trọng sau tập luyện cũng như đối với một chuỗi 8 ngày thi đấu trong hàng chục cuộc đua khác nhau. Vậy phương pháp trị liệu này có tác dụng ra sao?

Tạp chí Swimming World đã mô tả phương pháp giác hơi một cách chi tiết như sau:

“Giác hơi tạo ra lực hút để kéo những thớ cơ căng chặt nhất, giúp giãn cân mạc. Chân không nâng lớp da lên khỏi cơ hoặc xương, cho phép các mạch máu giãn rộng hơn, từ đó sẽ có nhiều máu chảy tới các khu vực được trị liệu hơn. Tăng cường lưu thông máu được cho là có thể giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn.”

Những người được trị liệu cho biết quá trình giác hơi kéo dài khoảng 5 đến 10 phút, mang lại cảm giác tương tự như khi bị véo, sau đó là giảm đau ngay tức khắc (cảm giác giảm đau kéo dài vài giờ) khi những chiếc cốc được gỡ bỏ.

Trị liệu giác hơi trước cuộc đua được cho là sẽ làm giãn mạch máu và giúp cải thiện lưu thông máu.

Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại nhiều tranh cãi trong giới y học xoay quanh tác dụng của giác hơi đối với các vận động viên (cũng như với nhiều chứng bệnh khác), song có lẽ vấn đề không nằm ở đó.

Nếu Phelps hay bất kỳ kình ngư nào khác thực hiện giác hơi tin rằng nó có tác dụng, thì chỉ tác động giả dược đó thôi cũng đủ để sử dụng phương pháp này rồi.

Ngoài ra, Phelps cũng thường rất thành công khi có người nói xấu mình, như Chad Le Clos của Nam Phi chẳng hạn. Những thông tin như vậy có thể không giúp Phelps bơi nhanh hơn, nhưng cũng giống như giác hơi, chúng chẳng có hại gì./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục