Nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản liên quan đến các cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh đã được các bộ, ngành trao đổi, giải đáp tại Hội nghị đối thoại do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ tổ chức chiều 13/12.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì hội nghị.
Hội nghị có sự hiện diện của Đại sứ, Công sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JBAV) tại Việt Nam và nhiều doanh nghiệp.
Xem xét lại quy định về việc người lao động nước ngoài tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Umeda Kunio khẳng định việc phát triển kinh tế của Việt Nam là mối quan tâm lớn của Chính phủ Nhật Bản.
Dẫn chứng về điều này, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, ông Hiroshi Karashima cho biết trong hoạt động của Canon tại Việt Nam, Canon nhập hàng chục tỷ USD mỗi năm các linh kiện từ Trung Quốc để phục vụ sản xuất. Canon mong muốn chuyển việc đặt hàng này sang các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.
Phản ánh những vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư vào Việt Nam, ông Hiroshi Karashima mong muốn Chính phủ Việt Nam xem xét lại quy định về việc người lao động nước ngoài tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Vốn dĩ mục đích của chế độ bảo hiểm là để tránh tình trạng không tham gia bảo hiểm của người lao động và bảo vệ người lao động, nhưng quy định này lại lệch đi rất nhiều so với mục đích đó, buộc nhiều người lao động nước ngoài phải đóng tiền bảo hiểm 2 lần tại nước của họ và Việt Nam.
Việc tăng gánh nặng về tiền bảo hiểm cho nhà tuyển dụng lao động sẽ làm hạn chế việc mời gọi các chuyên gia nước ngoài cống hiến cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam, làm giảm năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp và làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là điểm đến đầu tư.
Trả lời kiến nghị này, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng việc đóng bảo hiểm xã hội là “được," mang lại quyền và lợi ích chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động tại Việt Nam. Nhiều nước cũng không tránh được tình trạng đóng song trùng bảo hiểm xã hội và xu hướng chung trong giải quyết vấn đề này là đàm phán ký kết song phương giữa hai bên.
Nhập khẩu máy móc thiết bị không theo tiêu chí tuổi mà theo công nghệ
Một trong những vấn đề nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm là quy định tại Thông tư 23/2015/TT-BKHCN liên quan đến nhập khẩu máy móc cũ.
Ông Satoru Wachi, Trưởng nhóm các vấn đề liên quan đến quy định nhập khẩu máy móc cũ (JBAV) phản ánh, khi doanh nghiệp Nhật Bản chuyển cơ sở sản xuất sang nước ngoài, việc tiến hành sản xuất bằng máy móc, thiết bị đã qua sử dụng đã quen dùng là trường hợp phổ biến. Khi đưa thiết bị mới vào, không chỉ phải triển khai thiết bị mà còn cần sản xuất dụng cụ, điều chỉnh và thay đổi chương trình, việc triển khai sớm sẽ trở nên khó khăn.
Theo ông, với việc Việt Nam đang phát triển nền công nghiệp phụ trợ, việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hỗ trợ công nghệ sản xuất của Nhật Bản là cần thiết và việc hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ sẽ trở thành nguyên nhân chính làm cản trở lớn đến đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản vừa và nhỏ.
[Hy vọng Nhật Bản sớm vươn lên là nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam]
Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn với doanh nghiệp sản xuất, nếu là máy móc, thiết bị nhập khẩu dùng cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thì không hạn chế về tuổi thiết bị và không thuộc đối tượng áp dụng quy định nhập khẩu.
Giải đáp băn khoăn này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Quý Dương cho hay Thông tư 23 xây dựng với tiêu chí chính là hạn chế nhập khẩu những máy móc quá cũ để đảm bảo năng suất chất lượng, tránh gây giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tránh bị tiêu tốn năng lượng do sử dụng máy móc thiết bị cũ.
Sau khi ban hành Thông tư, nhiều doanh nghiệp phản ánh có những khó khăn, vướng mắc. Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiếp thu và tiến hành sửa đổi, bắt đầu bằng cách lấy ý kiến các bộ, ngành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội Cơ khí Thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Thứ trưởng Phạm Quý Dương cho biết Luật Quản lý ngoại thương sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Dự kiến, Điều 9 của Nghị định hướng dẫn Luật này sẽ có 7 mục liên quan đến tuổi của máy móc thiết bị và hướng dẫn những trình tự thủ tục.
“Chúng tôi tiếp thu ý kiến của Hiệp hội, cụ thể là đối với những dự án đầu tư, tiêu chí không theo tuổi mà theo công nghệ được sử dụng phổ biến ở các nước phát triển. Thiết bị phải đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam và một số nước G7. Đối với lĩnh vực cơ khí, quy định không vượt quá 20 năm và trong nội dung Điều 9 này cũng quy định thủ tục hồ sơ đối với các trường hợp đặc biệt," Thứ trưởng cho hay.
Đối với máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng của các dự án đầu tư gồm các dự án dịch chuyển nhà máy, dự án đầu tư mới, Thứ trưởng Phạm Quý Dương cho biết phải đảm bảo các tiêu chí công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ đang được sử dụng phổ biến ở các nước đang phát triển; máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn của một số nước như G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Nghị định 116 gây vướng cho nhà nhập khẩu
Cho rằng Nghị định 116/2017/NĐ-CP về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô và dịch vụ bảo hành bảo dưỡng cho ôtô có một số vướng mắc cho nhà nhập khẩu, ông Toru Kinoshita, thành viên Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản phân tích: nghị định yêu cầu phải cung cấp Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại của cơ quan, tổ chức có thầm quyền nước ngoài. Tuy nhiên, trong thực tế, chính phủ của mỗi quốc gia chỉ kiểm tra, thử nghiệm và cấp chứng nhận theo quy định của quốc gia đó cho việc sử dụng trong nước. Xe sản xuất để xuất khẩu nằm ngoài sự quan tâm của họ.
Ông Toru Kinoshita nêu rõ: "Hiện nay, Việt Nam đã có Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại được cấp bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam. Chúng tôi không nghĩ cần phải có Giấy chứng nhận theo như yêu cầu trên. Nghị định yêu cầu thử nghiệm khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật cho xe nhập khẩu nguyên chiếc theo từng lô hàng. Tuy nhiên, mỗi lần thử nghiệm sẽ mất khoảng 2 tháng và chi phí lên tới 10.000 USD. Nếu như các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô tuân thủ theo quy định này sẽ lãng phí rất nhiều thời gian và tiền bạc."
Hiệp hội đề nghị Chính phủ chỉ áp dụng việc thử nghiệm cho mẫu ôtô đại diện cho từng kiểu loại xe của lô hàng đầu tiên và chấp nhận báo cáo thử nghiệm cho các lô hàng tiếp theo trong thời gian 6 tháng.
Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, để xuất xưởng một phương tiện, các hãng phải có đầy đủ các điều kiện chứng nhận linh kiện, điều kiện sản xuất, thử nghiệm môi trường... để chứng minh chất lượng sản phẩm. Với ôtô nhập khẩu, trước đây, Việt Nam không yêu cầu phải chứng minh điều này. Tuy nhiên, để đảm bảo sự bình đẳng so với các doanh nghiệp Việt Nam, đây là điều kiện ban đầu để các cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra.
Phản hồi lại ý kiến của đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản cho hay ở nước ngoài không có mẫu giấy như phía Việt Nam yêu cầu. Ví dụ doanh nghiệp Nhật nhập xe từ châu Âu về thị trường Việt Nam, khi nhập khẩu doanh nghiệp cũng đã lựa chọn dòng xe đáp ứng yêu cầu khí thải Euro 6 và châu Âu, không có bất kỳ giấy chứng nhận nào.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng giải thích tư tưởng của Nghị định 116 là vừa bảo vệ cho nhà sản xuất, vừa bảo vệ người tiêu dùng. Vừa qua, Việt Nam nhập hai lô xe BMW từ Đức, một lô 700 và một lô 400 chiếc, nhưng đây là xe cũ được hoán cải, tân trang để lừa khách hàng, ảnh hưởng chính đến nhà sản xuất BMW.
"Khi họ mở thị trường ở các nước, việc cung cấp giấy tờ sẽ rất thuận lợi để chứng minh chất lượng hàng hóa, chứng tỏ lô xe này từ Đức sang Nhật hay từ Nhật sang nước khác," Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng lý giải việc yêu cầu nhà nhập khẩu phải có bảo hành, bảo dưỡng là để gắn trách nhiệm của nhà nhập khẩu đối với người tiêu dùng. Đối với kiểm tra từng lô hàng, Bộ trưởng lưu ý cần tạo điều kiện cho nhà nhập khẩu, sản xuất, nếu cùng lô hàng, không có sự thay đổi thì thuận lợi hơn cả là hậu kiểm và đánh giá tuân thủ pháp luật.
Trao đổi lại, một doanh nghiệp cho rằng lô nhập khẩu BMW cần giấy chứng nhận của nhà sản xuất để đảm bảo trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc triệu hồi, bảo hành. Như vậy, có thể hiểu, quy định trong Nghị định 116 cần có giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền nhà nước của nước ngoài, tức là giấy chứng nhận của hãng sản xuất.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ không phải giấy chứng nhận của nhà sản xuất mà là giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài.
Trước ý kiến này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem lại vì đây là hoạt động của doanh nghiệp, cơ quan nước ngoài không cấp các loại giấy này.
Ông cũng đề nghị Bộ Tư pháp làm rõ, Bộ Công Thương và Giao thông Vận tải xem lại quy định này./.