Giải cứu thành công hai tàu nghiên cứu kẹt ở Nam Cực

Sau nhiều ngày bị mắc kẹt ở Nam Cực, tàu phá băng Tuyết Long của Trung Quốc và tàu nghiên cứu Akademik Shokalskiy của Nga đều đã được giải cứu.

Ngày 7/1, cả tàu phá băng Tuyết Long (Xuelong) của Trung Quốc và tàu nghiên cứu Akademik Shokalskiy của Nga đều đã thoát khỏi lớp băng dày ở Nam Cực sau nhiều ngày mắc kẹt.

Theo Tân Hoa xã, đoàn thủy thủ tàu Tuyết Long đã liên tục điều khiển tàu chuyển động xoay chiều để lái tàu ra khỏi băng.

Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng vào khoảng 17 giờ 50 ngày 7/1, tàu Tuyết Long cũng đã quay được góc 100 độ và đẩy được tảng băng ra xa.

Đến 18 giờ 30, tàu đã thoát khỏi vị trí mắc kẹt nhờ dòng nước chảy qua khe băng nứt. Toàn bộ quá trình trên diễn ra trong vòng 14 giờ đồng hồ.

Trong khi đó, thuyền trưởng Igor Kiselyov của tàu Akademik Shokalskiy cũng lựa theo hướng gió chuyển tàu xoay góc sang phía Tây để tạo nên một vết nứt trên bề mặt băng. Sau đó, nhờ dòng chảy thay đổi nên tàu đã có thể di chuyển và tiến về phía trước được khoảng 32km.

Tuy nhiên, do sương mù dày đặc nên tầm nhìn bị hạn thế với mức xa nhất không quá 500m.

Tàu nghiên cứu Akademik Shokalskiy thuộc sở hữu của Nga chở 52 hành khách và 22 thành viên thủy thủ đoàn bị mắc kẹt trong băng từ lễ Giáng sinh ở vị trí cách đảo Tasmania của Australia hơn 2.700km về phía Nam.

Hôm 2/1 vừa qua, máy bay trực thăng do tàu Tuyết Long đưa tới đã giải cứu thành công 52 hành khách (gồm 22 nhà khoa học, 26 khách du lịch và 4 nhà báo) và đưa sang tàu tàu tiếp vận Aurora Australis của Australia.

Tuy nhiên sau đó, chính tàu Tuyết Long lại bị kẹt trong lớp băng dày tới 4m do bị một tảng băng dài khoảng 1km trôi về phía Tây Bắc chặn ngay phía trước.

Việc tàu nghiên cứu Akademik Shokalskiy bị mắc kẹt đã khiến nhiều chương trình nghiên cứu tại Nam Cực của các nhà khoa học Pháp, Trung Quốc và Australia bị hủy bỏ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục