Rời xa quê hương để đến các khu công nghiệp, thành phố lớn làm việc, cuộc sống phải chi tiêu từ tiền thuê nhà, điện nước, nuôi con… khiến đời sống công nhân chưa bao giờ là dễ dàng. Đặc biệt, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 dẫn đến giảm giờ làm, thu nhập thấp đã khiến người lao động muốn bám trụ phải tiêu hết nguồn tiền tích lũy.
Với mức lương công nhân hàng tháng chưa đến 8 triệu đồng, nhiều gia đình công nhân phải chi tiêu căn cơ lắm mới đủ để chi trả sinh hoạt gia đình, học tập cho các con. Chỉ một biến cố như con ốm, gia đình ở quê có việc… cũng sẽ khiến không ít người lao động phải đi vay nóng bên ngoài với lãi suất rất cao.
Một khoản vay 10 triệu đồng nếu không kịp trả thì sau một thời gian có thể tăng gấp đôi, gấp ba. Chẳng hạn với mức lãi 5.000 đồng/1triệu đồng/1 ngày nghe thì ít nhưng nhân lên với 30 ngày và 12 tháng thì 1 năm lãi suất có thể lên tới gần 200%, chưa kể nếu không thanh toán kịp thì lãi nhập gốc rồi sau đó tiếp tục tính gộp.
Mặc dù lãi suất “cắt cổ” nhưng với “chiêu bài” thủ tục vay vốn vô cùng đơn giản, các đối tượng cho vay nặng lãi đã “đánh trúng” tâm lý cần tiền của công nhân. Bẫy “tín dụng đen,” vì thế, dễ dàng bủa vây người lao động và khiến cuộc sống của họ đã khó lại càng trở nên “bi đát” gấp bội…
Trong bối cảnh tốc độ phục hồi của công nhân lao động luôn chậm hơn một nhịp so với sự phục hồi của kinh tế-xã hội, các gói hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với công nhân lao động sẽ như “nắng hạn gặp mưa rào,” giúp họ giảm bớt gánh nặng, có thêm động lực vượt qua khó khăn, thoát khỏi sự rình rập của “tín dụng đen.”
Bài 1: “Tín dụng đen” bủa vây, khủng bố công nhân lao động và doanh nghiệp
Bị ảnh hưởng sau dịch bệnh COVID-19 và giá cả leo thang khiến nhu cầu vay vốn của công nhân ở hầu hết các khu công nghiệp tăng cao nên dễ rơi vào bẫy “tín dụng đen.” Nhiều người lao động vay vốn trên mạng xã hội đã lâm cảnh vào bị lừa, “tiền mất tật mang”. Thậm chí, công nhân đi vay nặng lãi nhưng lãnh đạo, cán bộ công đoàn trong công ty lại bị đe dọa phải "hỗ trợ đòi nợ" nếu không sẽ bị khủng bố, đe doạ cả ngày lẫn đêm.
Biến tướng ngày càng tinh vi
Những thông tin quảng cáo “Cho vay kinh doanh, tiêu dùng lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, giải ngân trong ngày. Ai cần liên hệ…” hay “Hỗ trợ vay nhanh, lãi suất thấp, không cần chứng minh bảng lương”… không chỉ dán nhan nhản tại khắp các bờ tường, cột điện, cửa hàng tiện ích… trong khu công nghiệp mà còn len lỏi ở tất cả các diễn đàn mạng xã hội nào có sự tham gia của đông công nhân lao động. Những lời mời chào hấp dẫn xuất hiện với tần suất lớn khiến người lao động khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, cần tiền gấp đã dễ dàng dính bẫy “tín dụng đen.”
Hồi cuối năm 2021, khi số tiền tích lũy ít ỏi đã tiêu hết trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng là lúc chị T tìm được việc tại một công ty may ở Đồng Nai. Những tưởng công việc ổn định sẽ giúp cuộc sống vơi bớt lo toan nhưng khi bố chị T ở quê ốm, bạn bè người thân ai cũng đang khó khăn vì dịch bệnh nên không thể hỗ trợ, chị T đành tìm đến vay tiền theo lời mời chào trên mạng xã hội.
Từ khoản tiền vay ban đầu là 10 triệu đồng, chỉ sau nửa năm đã nhanh chóng tăng gấp đôi khiến chị T hoảng hốt. Nếu chỉ chậm trễ trả một vài ngày, phía bên cho vay liên tục gọi điện đe dọa, thậm chí gán ghép hình ảnh của chị với nội dung sai sự thật trên các trang mạng xã hội để bôi nhọ danh dự… khiến chị T hết sức lo sợ.
Chị Trần Thị Toan, cán bộ công đoàn cơ sở Công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam (Bình Phước) chia sẻ “tín dụng đen” thực sự đang bủa vây công nhân. Thời gian qua, rất nhiều công nhân đang gặp khó khăn tài chính nhưng lại rất khó tiếp cận với các khoản vay cá nhân từ ngân hàng nên buộc phải tìm đến tín dụng đen.
Lý giải nguyên nhân tại sao một số công nhân lại không lựa chọn vay ngân hàng mà lại tìm đến “tín dụng đen,” anh Nguyễn Trung Hiếu, công nhân một công ty may ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai chia sẻ dù một số ngân hàng có cho vay với lãi suất thấp, hợp lý nhưng lại yêu cầu phải có thời gian làm việc tại công ty khá lâu, khoảng 2-3 năm. Do đó, đối với công nhân mới đến làm việc đang cần một khoản tiền để ổn định cuộc sống thì sẽ khó vay ngân hàng và rất dễ sập bẫy “tín dụng đen.”
“Các nhóm tín dụng đen vay vốn thường có thủ tục rất đơn giản, ban đầu quảng cáo lãi thấp nhưng khi đã vay thời gian càng dài thì số tiền nợ sẽ tăng gấp nhiều lần do lãi ‘cắt cổ’,” anh Hiếu cho biết.
Thực trạng “tín dụng đen” luôn len lỏi, bủa vây đời sống công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và ngày càng hoạt động sôi nổi khi sau đợt dịch COVID-19 nhu cầu vay vốn để sớm ổn định cuộc sống tăng cao, người lao động càng dễ bị dính bẫy. Thực trạng này còn trở nên nhức nhối khi nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động mà còn khiến các chủ doanh nghiệp, cán bộ công đoàn “ăn không ngon, ngủ không yên”.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp thủy sản, trong hơn 2 năm qua, dịch vụ vay tiêu dùng nhanh có dấu hiệu thịnh hành ở nhiều tỉnh, thành; đặc biệt tại Đồng bằng Sông Cửu Long, khu công nghiệp, khu chế xuất. Các công ty, tổ chức tín dụng cho vay cá nhân thông qua “App” trên smartphone hoặc chỉ cần một cú nhấp chuột, với nhiều thông tin quảng cáo hấp dẫn, lợi dụng sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết của người lao động để dụ dỗ, lôi kéo cho vay.
Không chỉ ngành thủy sản mà gần như ở hầu hết các khu công nghiệp tập trung đông công nhân đều là nơi các các tổ chức “tín dụng đen” dưới cái tên công ty hỗ trợ tài chính tìm đến công nhân lừa họ vay nặng lãi.
Ông Ngọ Duy Diểu, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định hoạt động “tín dụng đen” đang biến tướng dưới mọi hình thức như khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiếu… với lãi suất cao. Đó là những hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhân dân, trong đó có công nhân lao động.
Lãnh đạo doanh nghiệp cũng cầu cứu
Tình trạng tín dụng đen đòi nợ đang diễn ra ở nhiều khu công nghiệp trên khắp mọi miền. Đặc biệt, các đối tượng liên quan đến “tín dụng đen” còn có thủ đoạn bôi nhọ, xâm phạm đời tư, đe dọa cán bộ công đoàn, lãnh đạo doanh nghiệp nhằm gây sức ép, đòi nợ công nhân lao động.
Ngoài công nhân vay tiền là nạn nhân thì các cán bộ công đoàn, quản lý công ty cũng trở thành nạn nhân gián tiếp khi liên tục bị các đối tượng đe dọa khủng bố tinh thần hòng đòi nợ bằng cách đăng họ tên, số điện thoại, hình ảnh người vay và kèm theo tên cán bộ công đoàn, quản lý công ty với những hình ảnh bị cắt ghép như bị đụng xe, đám tang, khắc tên lên mộ bia…
Chị Trần Thị Toan chia sẻ thời gian vừa qua rất khổ sở vì nạn “tín dụng đen.” Là cán bộ công đoàn, chị thường xuyên bị kẻ cho vay nặng lãi đe dọa, bôi nhọ danh dự do công nhân công ty vướng vào tín dụng đen.
[Cứu sống người đàn ông nhảy cầu tự tử do nợ "tín dụng đen"]
Tại Hải Phòng, mới ngay hồi đầu tháng Tám, hàng chục cán bộ nhân sự của Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam thuộc Khu công nghiệp VSIP, trên địa bàn huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) đã phải kêu cứu tới các cơ quan chức năng vì nhiều tháng nay bị “khủng bố” bởi công nhân vay tín dụng đen của các đối tượng xã hội.
Đầu tiên, các đối tượng gọi đến yêu cầu các cán bộ nhân sự phải bảo công nhân trả tiền vay rồi sau đó chửi bới, khủng bố điện thoại, đe dọa đến cả người thân. Thậm chí có cán bộ còn bị ghép ảnh, kèm số điện thoại rồi đưa vào các trang mạng nói là lừa đảo hoặc rao các chị là “gái”… khiến nhiều người khủng hoảng tinh thần.
Thời gian gần đây, Văn phòng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng liên tục nhận được phản ánh về việc nhiều lãnh đạo của doanh nghiệp bị quấy nhiễu, đe dọa và bôi nhọ một cách trắng trợn, công khai (qua điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội…) từ các cá nhân không quen biết, được cho là từ các tổ chức tín dụng cho vay tiêu dùng cá nhân, ảnh hưởng nặng nề và tiêu cực đến các doanh nghiệp, tâm lý lãnh đạo doanh nghiệp cũng như trật tự xã hội.
Nhiều người lao động của các doanh nghiệp mắc bẫy “tín dụng đen” sau đó rơi vào nợ nần hoặc chậm trả là nguồn cơn để “xuất hiện các cá nhân” gây áp lực đòi nợ, đe dọa tới lãnh đạo các doanh nghiệp nơi người lao động làm việc bằng những lời nói và cách thức quấy nhiễu, đe dọa và xúc phạm kém văn minh nhất khi mà bản thân lãnh đạo doanh nghiệp không hề biết và không liên quan đến giao dịch dân sự vay hay cho vay. Vì vậy, VASEP đã phải gửi công văn cầu cứu đến Cục An ninh Kinh tế (Bộ Công an).
Trước thực trạng tín dụng đen gây mất trật tự xã hội tại các khu công nghiệp, trong hai tháng trở lại đây, cơ quan công an các địa phương liên tiếp bắt giữ các đối tượng cho vay nặng lãi, đặc biệt có đối tượng cho vay lãi suất rất cao từ 182-365%/năm, tương đương 0,5-1%/ngày. Mặc dù đây là mức lãi suất “cắt cổ” nhưng người lao động vẫn phải chấp nhận vay nóng, thậm chí không có tiền trả nợ nhanh để có thể thoát ra khỏi vòng vây của tín dụng đen đã cho thấy đời sống của người công nhân còn rất nhiều khó khăn.
Để “giải cứu” người lao động trước sự bủa vây của “tín dụng đen’ trong các khu công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải kịp thời triển khai gói vay ưu đãi tiêu dùng cho công nhân lao động với mức lãi suất thấp. Đây là điều mà đông đảo công nhân, người lao động rất mong chờ và cũng là giải pháp cần thiết để hỗ trợ công nhân lao động trong giai đoạn phục hồi kinh tế-xã hội./.
Bài 2: Ngân hàng chung tay giải bài toán ‘an cư lạc nghiệp’ cho công nhân