Ghi dấu hành trình 10 năm, Tháng Công nhân-tháng 5, năm 2021 được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chính thức phát động với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, phát triển."
Tháng Công nhân năm nay với bốn nhóm hoạt động chào mừng ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cùng đất nước vượt khó trong bối cảnh cả nước chung tay thực hiện mục tiêu kép, đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống.
Năm 2021 cũng là năm thứ hai Ban Chỉ đạo Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động phối hợp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động Tháng Công nhân-Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động trên toàn quốc.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đã trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam về những nội dung nổi bật sẽ được triển khai trong Tháng Công nhân-Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động.
- Thưa ông, Tháng Công nhân năm 2021 có chủ đề "Đoàn kết-sáng tạo, vượt khó, phát triển," xin ông cho biết ý nghĩa của chủ đề này?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã lựa chọn chủ đề Tháng Công nhân năm nay là "Đoàn kết-sáng tạo-vượt khó-phát triển," phản ánh tất cả những mục tiêu đặt ra trong tháng 5 này. Tháng Công nhân chính là kế thừa từ tinh thần bất diệt ngày Quốc tế Lao động, do vậy đây là dịp để chúng ta đoàn kết giai cấp, biểu dương lực lượng, trong đấy có việc đoàn kết để thể hiện quyết tâm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa cụm từ "đổi mới sáng tạo" vào Nghị quyết, rõ ràng tổ chức công đoàn cần phải sáng tạo; công nhân, viên chức lao động cả nước phải sáng tạo mới có thể thực hiện được mục tiêu chung, yêu cầu chung của cả nước.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn đầy khó khăn, Tháng Công nhân cũng là dịp để chúng ta vượt khó, nhất là chia sẻ với doanh nghiệp, khắc phục khó khăn, cùng đi lên và đặt ra mục tiêu cuối cùng là phải phát triển, để đất nước, doanh nghiệp và người lao động sẽ được thụ hưởng từ sự phát triển đó.
Tháng Công nhân năm nay, tổ chức công đoàn tập trung triển khai Chương trình "75 nghìn sáng kiến" đúng với tinh thần đổi mới sáng tạo trong chủ đề. Đây là những sáng kiến của tinh thần vượt khó nhưng đồng thời cũng là những sáng kiến để đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào cuộc sống.
Chúng tôi lựa chọn chùm hoạt động liên quan đến sự chia sẻ, thấu hiểu, để người sử dụng lao động và người lao động cùng lắng nghe nhau, nhất là trong bối cảnh đang khó khăn và thực hiện được mục tiêu cuối cùng là xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ các doanh nghiệp.
- Xin ông cho biết, các cấp công đoàn triển sẽ khai những hoạt động nào vì quyền lợi của công nhân lao động?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Chúng tôi xác định trước hết là tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân, về tổ chức công đoàn, đặc biệt là tuyên truyền những nội dung cơ bản của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII liên quan đến tổ chức công đoàn và phong trào công nhân; giúp người lao động nhận ra tầm nhìn và khát vọng dân tộc để từng người lao động cũng thể hiện được khát vọng của mình.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu lên một nhiệm vụ, đó là xây dựng giai cấp công nhân hiện đại lớn mạnh. Đây là một quyết định hết sức đúng đắn vì mục tiêu mà Đảng ta đặt ra đó là phải hiện đại hóa đất nước, hiện đại hóa nền kinh tế. Như vậy, muốn đất nước hiện đại, trước hết chủ thể là con người phải hiện đại, mà giai cấp công nhân chính là lực lượng nòng cốt đi đầu.
[Trọng thể Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế Lao động]
Đây là một quyết định sáng suốt của Đảng, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi công nhân còn đang có rất nhiều khó khăn, hầu hết là trưởng thành từ nông dân, ra đi từ nông thôn. Do vậy, hiện đại hóa công nhân thì mới thực hiện được mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, hiện đại hóa đất nước.
Thời gian tới chúng tôi nghĩ rằng cần phải tập trung vào mấy nhiệm vụ lớn trong việc hiện đại hóa giai cấp công nhân, tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, khả năng thích nghi với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đồng thời xây dựng tác phong công nghiệp, khả năng làm việc trong môi trường công nghệ tiên tiến và áp lực cao, ý thức tuân thủ pháp luật, sự tôn trọng văn hóa doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn sẽ tiếp tục rèn luyện bản lĩnh, nâng cao giác ngộ giai cấp, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, kiến thức về hội nhập, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, với doanh nghiệp và đất nước; đồng thời, hình thành một hệ thống các chính sách, quy định để hiện đại hóa lực lượng công nhân, trong đó có các nhóm chính sách về phúc lợi xã hội, an sinh xã hội.
Mục tiêu cuối cùng đặt ra đó là chúng ta phải có một lớp công nhân giỏi về tri thức, bản lĩnh vững vàng, có văn hóa, khát vọng. Lớp công nhân đấy phải là những người có việc làm bền vững, có thu nhập ngày càng cao, đời sống tốt, gắn bó với tổ chức công đoàn và tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng.
Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động năm nay với chủ đề "Tăng cường đánh giá kiểm soát nguy cơ an toàn vệ sinh lao động và sự tham gia của an toàn vệ sinh viên."
Chủ đề này gắn rất là chặt với cuộc chiến chống COVID-19 mà chúng ta đang nỗ lực triển khai. Năm nay chúng tôi tập trung vào các nhiệm vụ chính: Trước hết là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động, người lao động, những nhà quản lý về vai trò của công tác an toàn vệ sinh lao động cũng như các giải pháp phòng ngừa với phương châm "Tai nạn lao động có thể phòng tránh được, nếu như ta có suy nghĩ tích cực và hành động kịp thời."
Thời gian tới, tổ chức công đoàn sẽ tăng cường công tác huấn luyện, tập huấn nâng cao kỹ năng, phương pháp để phòng tránh tai nạn, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động; phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát những doanh nghiệp, đơn vị chưa làm tốt công tác này để lồng ghép việc triển khai Tháng an toàn vệ sinh lao động với cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh dịch COVID đang diễn biến rất phức tạp, đòi hỏi công nhân lao động cần phải tỉnh táo, trách nhiệm, không được chủ quan, lơ là, nhất là khi di chuyển về các địa phương, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, tham quan du lịch với mục tiêu để người lao động được làm việc trong một môi trường an toàn theo đúng tinh thần Hiến pháp và Luật An toàn vệ sinh lao động.
- Trong nhiệm kỳ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã 5 lần đối thoại với người lao động trong Tháng Công nhân. Những kết quả, giải pháp được giải quyết sau những lần người lao động đối thoại với Thủ tướng Chính phủ là gì, thưa ông?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Có thể nói là một trong những điểm nhấn của Tháng Công nhân, những năm qua, đặc biệt là 5 năm gần đây, Tổng Liên đoàn đã tham mưu Thủ tướng đến gặp gỡ, trao đổi và lắng nghe công nhân. Đây là hoạt động có tính chất điển hình, để lại cho công nhân lao động cả nước và cán bộ công đoàn rất nhiều ấn tượng.
Qua những lần gặp gỡ đối thoại, Thủ tướng đã lắng nghe công nhân lao động về những vấn đề quan tâm, vấn đề bức xúc, những mong muốn, những khát vọng cống hiến của họ, trong đó đặc biệt là những vấn đề bức xúc của người lao động về nhà ở, nhà trẻ, giá cả sinh hoạt, lương tối thiểu, một số đối tượng là đối tượng yếu thế khó khăn.
Sau những cuộc gặp gỡ này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trong việc tham mưu chính sách hoặc tổ chức thực hiện tại địa phương, đảm bảo hiệu quả thiết thực. Trong đó có việc Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 655/QĐ-TTg năm 2017 cho phép Tổng Liên đoàn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai chương trình, dự án, thiết chế công đoàn. Đến nay công trình này đã hoàn thiện ở Hà Nam, đang làm thủ tục để người công dân có thể được thuê hoặc được mua với giá phù hợp và một số dự án khác đang triển khai.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, nhiều địa phương cũng đã tiến hành tăng cường quỹ nhà ở xã hội, nhất là ở khu vực có đông công nhân lao động, nhiều khu công nghiệp đã hoàn thành nhà ở cho người lao động. Các vấn đề nhà trẻ, bệnh viện, nơi khám chữa bệnh... cũng đã được các địa phương quan tâm, tháo gỡ tình trạng phân biệt trường công, tư đối với công nhân; điều chỉnh giờ đón con công nhân, khám bệnh của ngành y tế... cho những nơi có đông công nhân; nhiều giải pháp đồng bộ cũng đã được tổ chức thực hiện.
Một trong những vấn đề đã được giải quyết sau khi Thủ tướng đối thoại với công nhân là việc giá điện đã được điều chỉnh phù hợp với điều kiện của người lao động. Bên cạnh đó, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ cũng đã lắng nghe người lao động về vấn đề thời giờ làm việc, nhu cầu nghỉ ngơi, điều kiện sống, an ninh trật tự ở các khu nhà trọ.
Từ những cuộc gặp đó, các địa phương đã thắt chặt an ninh khu nhà trọ, đề nghị công an, chính quyền địa phương tích cực kiểm tra, xử lý tình trạng tín dụng đen, giúp cho tình hình có những chuyển biến tích cực, đời sống công nhân ngày càng ổn định...
- Trân trọng cảm ơn ông!