Giải bài toán truyền tải điện năng đến nơi có phụ tải cao

​Sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo thời gian qua đã góp phần giảm đáng kể giá thành điện năng. Cơ chế mua bán điện trực tiếp sẽ giúp cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn điện rẻ.
Giải bài toán truyền tải điện năng đến nơi có phụ tải cao ảnh 1(Ảnh minh họa: TTXVN phát)

Tiềm năng về năng lượng ở Việt Nam hiện rất lớn nhưng phụ tải thấp nên bài toán đặt ra là làm sao truyền tải được điện năng đến những nơi có phụ tải cao.

Để làm được điều đó cần nhiều giải pháp như lưới điện thông minh, sử dụng năng lượng tại chỗ để điều chế hydrogen và amoniac xanh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tới vấn đề này tại buổi làm việc với ông In Sub Jung,Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Năng lượng Hanwha (Hàn Quốc).

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, với tuyên bố của Thủ tướng tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam sẽ cam kết thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” - Net Zero vào năm 2050, đây là một thách thức vô cùng lớn.

[Thủ tướng: Bảo đảm điện năng cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội]

Đã có rất nhiều tập đoàn, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp đến tìm hiểu về quan điểm và lộ trình của Việt Nam trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo. 

Theo Bộ trưởng, Việt Nam đã và đang tích trong việc quy hoạch điện theo hướng giảm nhiệt điện, tăng năng lượng tái tạo và phát triển hợp lý điện khí.

Tuy nhiên, thủy điện hiện hết dư địa còn điện khí thì không thể phát triển quá nóng, vì thế Việt Nam cần đầu tư phát triển thêm năng lượng tái tạo từ mặt trời, gió, sóng biển để bảo đảm cân đối và duy trì hệ thống các nguồn điện. 

Sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo trong thời gian qua đã góp phần giảm đáng kể giá thành điện năng. Cơ chế mua bán điện trực tiếp sẽ giúp cho doanh nghiệp sử dụng điện tiếp cận được nguồn điện rẻ. 

Việc mua bán điện trực tiếp cũng giúp giảm sức ép lên hệ thống truyền tải quốc gia và hệ thống lưới điện. Do vậy, nếu Tập đoàn Hanwha vừa sản xuất năng lượng tái tạo vừa sản xuất điện nền ổn định có thể hòa hai nguồn điện đó để bán trực tiếp cho doanh nghiệp thì Chính phủ Việt Nam sẽ đồng tình và ủng hộ. 

Bộ trưởng cho biết trong bối cảnh khai thác tối đa tiềm năng về năng lượng tái tạo, việc phát triển hệ thống truyền tải, lưới điện thông minh hay sản xuất thiết bị tích trữ điện và năng lượng sạch như công thức mà Tập đoàn Hanwha đã làm là rất cần thiết. 

Thời gian qua, nguồn khí tự nhiên cũng như khí hóa lỏng có nhiều biến động về giá, chủ trương của Việt Nam là khai thác và sử dụng hiệu quả trữ lượng khí tự nhiên có sẵn. 

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đồng tình với Tập đoàn Hanwha trong việc phải đa dạng hóa và làm chủ nguồn cung về khí mới có thể phát triển ổn định điện khí tại Việt Nam. 

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị Tập đoàn Hanwha hỗ trợ Việt Nam trong việc tư vấn hình thành phát triển năng lượng tái tạo; hỗ trợ tạo điều kiện, cử các chuyên gia về Việt Nam để đào tạo bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho những người làm chính sách, làm chuyên môn hiểu sâu hơn về lĩnh vực năng lượng tái tạo. 

Theo ông In Sub Jung, trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Tập đoàn Hanwha đã đầu tư nhà máy điện mặt trời Cam Lâm tỉnh Khánh Hòa công suất 100 MW và đưa vào vận hành từ tháng 6 năm 2019. 

Đầu năm 2022, liên doanh bao gồm các đơn vị Hanwha, KoGas, KOSPO của Hàn Quốc và Tập đoàn T&T của Việt Nam đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 - 1.500MW tại Quảng Trị.

Cùng với việc sử dụng nhiên liệu LNG sạch, các dự án của tập đoàn sẽ góp phần giảm thiểu những tác động ảnh hưởng đến môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm các tiêu chí về môi trường theo các cam kết của Việt Nam tại COP26./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục