Giải bài toán phát triển cơ sở hạ tầng của các nước ASEAN

Nhiều ý kiến cho rằng nếu tất cả các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ được hoàn thành trong thập kỷ tới, Đông Nam Á có thể chuyển mình thành một khu vực kết nối gồm các quốc gia phát triển.
Công trình xây dựng dự án đường sắt nhẹ ở Jarkata, Indonesia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

ASEAN Post mới đây đăng tải bài viết “Cần làm gì để thỏa mãn nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của các quốc gia ASEAN.”

Nội dung bài báo cho biết theo thống kê của nhiều cơ quan và tổ chức, đã có rất nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đang được tiến hành tại các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Tại Philippines, kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng với khẩu hiệu “Xây dựng!, Xây dựng!, Xây dựng!” của Tổng thống Duterte đang được tiến hành với 75 dự án khác nhau ước tính trị giá 180 tỷ USD.

Tại Indonesia, dự án hệ thống đường sắt cao tốc với chiều dài hơn 140km nối Jakarta với Bandung trị giá gần 6 tỷ USD cũng đang được tiến hành.

Trong khi đó, Malaysia và Singapore đang cùng nhau triển khai dự án đường sắt cao tốc giúp rút ngắn thời gian đi lại giữa hai nước.

Nhiều ý kiến cho rằng nếu tất cả các dự án cơ sở hạ tầng này được hoàn thành trong thập kỷ tới, Đông Nam Á có thể chuyển mình thành một khu vực kết nối gồm các quốc gia phát triển.

Các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ đang được tiến hành trong khu vực và các chuyên gia dự báo rằng nhu cầu phát triển hạ tầng tại Đông Nam Á vẫn chưa có khả năng chững lại.

Theo dự báo của PwC, một trong những doanh nghiệp kiểm toán hàng đầu thế giới, về cơ hội đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng của ASEAN, động lực cho đà phát triển hạ tầng chính là nền kinh tế đang bùng nổ của khu vực.

Đông Nam Á đã phát triển nhanh chóng trong suốt 5 năm qua. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực đạt khoảng 2,4 nghìn tỷ USD và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã dự báo rằng đến năm 2050, nền kinh tế khu vực Đông Nam Á sẽ đứng ở vị trị phát triển thứ 4 thế giới thay vì vị trí thứ 7 như hiện nay.

Theo báo cáo đánh giá về tài chính cho hoạt động trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng ASEAN được Hội đồng Doanh nghiệp EU-ASEAN công bố đầu năm 2018, nhu cầu về xây dựng cơ sở hạ tầng là theo chu kỳ tự nhiên. Tăng trưởng kinh tế dẫn đến nhu cầu cơ sở hạ tầng cũng tăng lên, và cơ sở hạ tầng được cải thiện giúp tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn.

[ASEAN – đối tác kinh tế ưu tiên của Pháp]

Tất cả các khâu này tạo thành một chuỗi logic tác động lẫn nhau. Báo cáo trên nhấn mạnh, nhu cầu về xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng thêm rất nhiều khi có 60 triệu lao động từ các khu vực khác tham gia thị trường lao động ASEAN.

Hơn nữa, nhu cầu này sẽ càng lớn khi quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng với khoảng 90 triệu người được dự đoán sẽ di cư đến các khu vực đô thị trong giai đoạn 2015-2030.

Do nhu cầu về cơ sở hạ tầng dự kiến sẽ tăng theo cấp số nhân, các chính phủ và các tổ chức ở những quốc gia này cần chuẩn bị lộ trình tài chính để đáp ứng.

Trong một báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có tiêu đề “Đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng của châu Á,” giới chuyên gia cho rằng các nước ASEAN sẽ cần số tiền đầu tư cơ sở hạ tầng vào khoảng 3 nghìn tỷ USD từ năm 2016-2030.

Vấn đề là quan trọng nhất hiện nay là nguồn tài chính sẽ từ đâu ra để đáp ứng nhu cầu phát triển theo quy luật tự nhiên này?

ADB đã nhấn mạnh một thực tế rằng ngay cả khi các chính phủ trong khu vực Đông Nam Á đang thực hiện các cải cách liên quan đến lĩnh vực tài chính công thì khu vực công chỉ có thể đảm bảo khoảng 50% tổng mức đầu tư.

Philippines gần đây đã cải cách luật thuế của nước này để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng mà Tổng thống Rodrigo Duterte đề ra. Tuy nhiên, những cải cách thuế mới này cũng chỉ giúp GDP của Philippines tăng thêm 0,7%.

Khác việt về nhu cầu chi tiêu cơ sở hạ tầng cần thiết và đầu tư thực tế được gọi là "khoảng cách cơ sở hạ tầng."

Theo số liệu gần đây của ADB, tổng số tiền đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á là 55 tỷ USD, trong khi nhu cầu ước tính hàng năm lên tới 157 tỷ USD. Do đó, Đông Nam Á hiện đang phải đối mặt với khoảng cách cơ sở hạ tầng là 102 tỷ USD.

Hội đồng Doanh nghiệp EU-ASEAN đã khuyến nghị các nước thành viên ASEAN phối hợp nhiều hơn với các công ty tư nhân để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng của mình.

Tại Hội nghị Doanh nghiệp EU-ASEAN gần đây, hội đồng đã đưa ra một số gợi ý về các biện pháp cải thiện điều kiện đầu tư trong khu vực Đông Nam Á.

Một trong những đề xuất là gồm nới lỏng các quy định trong lĩnh vực đầu tư để tạo điều kiện thích hợp cho các nhà đầu tư tiềm năng.

Bên cạnh đó, tầm quan trọng của các công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí trong việc cung cấp đầu tư dài hạn cũng được nhắc đến. Tuy nhiên, còn nhiều quy định khác vẫn đang cản trở hoạt động đầu tư này.

Một đề xuất được nêu lên là tăng cường quan hệ đối tác công-tư (PPP). Mô hình này thường bị xem là khá phức tạp do các thể chế công và các nhà đầu tư thường phải làm rõ nhiều vấn đề như chi phí, chính sách công, các quy tắc và quy định.

Để ngăn chặn các rủi ro và tác động tiêu cực ngoài ý muốn, Hội đồng Doanh nghiệp EU-ASEAN khuyến cáo các chính phủ nên đề ra các quy định về PPP và áp dụng các mô hình hợp đồng và đấu thầu một cách minh bạch.

Thực tế là các quốc gia ASEAN cần phát triển cơ sở hạ tầng nếu muốn tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các quốc gia này cũng cần phải thận trọng khi tìm kiếm quan hệ đối tác với các công ty tư nhân.

Dù các công ty tư nhân có thể giúp thu hẹp khoảng cách cơ sở hạ tầng, song điều cần lưu ý là việc họ tham gia các dự án cơ sở hạ tầng phần lớn là do lợi ích và lợi nhuận.

Do đó, điều quan trọng là chính phủ các nước thành viên ASEAN không đánh mất nhu cầu cũng như các lợi ích quốc gia và dân tộc khi quyết định tham gia vào các quy trình PPP./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục