Giải bài toán nguyên liệu cho ngành chế biến xuất khẩu điều

Sáu tháng đầu năm, nguồn nguyên liệu trong nước không đủ để đáp ứng cho chế biến nên các doanh nghiệp xuất khẩu điều phải nhập thêm 400.000 tấn nguyên liệu.
Chế biến hạt điều xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Do hiện tượng mưa trái mùa, làm cho sản lượng điều vụ 2016-2017 giảm so với niên vụ trước. Vì vậy, dự kiến đến tháng 10/2017, ngành điều sẽ nhập thêm 500.000 tấn điều nguyên liệu để phục vụ cho chế biến và hoàn thành kế hoạch xuất khẩu 360.000 tấn điều nhân các loại trong năm 2017 của toàn ngành.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2017, ước tính sản lượng điều nhân xuất khẩu các loại đạt 165.000 tấn, đạt kim ngạch hơn 1,617 tỷ USD, tăng 2,3% về lượng và 27% về giá trị so với cùng kì năm 2016, trong đó giá xuất khẩu bình quân điều nhân loại WW320 đạt 11 USD/kg, tăng 1 USD/kg.

Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), trong 6 tháng đầu năm, nguồn nguyên liệu trong nước không đủ để đáp ứng cho chế biến nên các doanh nghiệp chế biến cho xuất khẩu điều đã phải nhập thêm 400.000 tấn nguyên liệu chất lượng cao từ châu Phi, Bờ Biển Ngà.

[Ngành chế biến điều còn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu]

Nhờ vậy, số lượng điều nhân xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2017 mới đáp ứng nhu cầu thị trường trong tình thế nguyên liệu điều khan hiếm.

Tuy nhiên, vì biến đổi khí hậu, mưa bất thường làm cho sản lượng hạt điều Việt Nam giảm, nguồn nguyên liệu thiếu hụt nên đã phải rơi vào tình thế nhập nguyên liệu với giá cao, còn giá bán ra không tăng, làm cho lợi nhuận của doanh nghiệp không cao như mong đợi.

Theo ông Nguyễn Quang Huyên, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàng Sơn 1 (Bình Phước), do nhu cầu tiêu thụ điều nhân của thị trường thế giới tăng mạnh nên xuất khẩu điều của công ty trong thời gian 6 tháng đầu năm nay rất thuận lợi.

Trong 6 tháng đầu năm, công ty đã xuất khẩu 4.300 tấn điều nhân chế biến sang các thị trường Mỹ, châu Âu... đạt gần 40 triệu USD, tăng 10% về lượng cũng như giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Để đảm bảo kế hoạch sản xuất, công ty đã nhập 35.000 tấn nguyên liệu từ Bờ Biển Ngà để ứng phó với việc thiếu hụt nguyên liệu trong nước, vừa dự trữ nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu cả năm.

Ngành chế biến và xuất khẩu điều Việt Nam đã lập kỉ lục 11 năm đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều. Theo dự báo của Hiệp hiệp Điều Việt Nam, năm 2017, ngành điều Việt Nam sẽ xuất khẩu sẽ đạt 3,3 tỷ USD, với sản lượng 360.000 tấn điều nhân các loại, để lập kỉ lục 12 năm liền đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều.

Đến nay, ngành điều xuất khẩu đạt 45% chỉ tiêu của năm. Như vậy, số lượng còn lại, ngành điều phải chạy nước rút mới có thể đạt được.

Theo dự báo, mùa vụ điều trong nước vẫn còn 1 đợt thu hoạch để phục vụ cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu vào cuối năm. Tuy nhiên, sản lượng này không nhiều, không đáp ứng được số lượng mà ngành điều đặt ra.

Do đó, trong 6 tháng cuối năm 2017, toàn ngành phải nhập khẩu thêm 500.000 tấn điều thô, cùng với nguồn nguyên liệu được chuẩn bị trước từ hồi đầu năm 2017, mới đáp ứng được các hợp đồng đã ký .

Ông Nguyễn Huệ Chí Thái, Hội viên Hiệp hội Điều Việt Nam, Chuyên gia tư vấn kĩ thuật sản xuất, chế biến cho doanh nghiệp điều chia sẻ, hiện nay thị trường thế giới tiêu thụ điều có chiều hướng tăng dần. Hơn nữa, Hội đồng hạt rang chiên thế giới cũng đã ký cung cấp nguyên liệu cho ngành điều Việt Nam đến tháng 10/2018, có thể giá nguyên liệu sẽ giảm, tạo thuận lợi cho các nhà máy chế biến trong nước.

Thế nhưng, vì nguồn nguyên liệu điều cho chế biến, xuất khẩu khan hiếm nên giá nguyên liệu điều trong nước sẽ không giảm mà có chiều hướng tăng cao, nguồn nguyên liệu điều thô chất lượng thấp cũng sẽ tăng giá hơn so với trước đây, đặc biệt là khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12/2017. Do đó, sẽ có nhiều nhà máy sẽ giảm công suất chế biến và một số nhà máy nhỏ sẽ phải đóng cửa.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, cuối tháng 6/2017, 100.000 tấn điều nguyên liệu nhập khẩu đã phải “nằm chờ” tại cảng vì không lưu thông được.

Ông Nguyễn Quang Huyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn 1 chia sẻ, trường hợp này xảy ra thường xuyên, nhưng không vì vậy mà gây ảnh hưởng đến công suất chế biến và xuất khẩu của các doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp lớn, họ đã có động thái chuẩn bị từ hồi đầu năm để các nhà máy chế biến không gián đoạn sản xuất. Với các doanh nghiệp nhỏ, không đủ sức trữ nguyên liệu thì mới xảy ra tình trạng chờ nguyên liệu này.

Bài toán nguyên liệu cho ngành chế biến xuất khẩu điều Việt Nam cho đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để, gần 2/3 nguồn nguyên liệu của ngành này phụ thuộc vào số lượng nhập khẩu.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam nhấn mạnh, ngành điều vẫn còn nhiều triển vọng về thị trường, xuất khẩu cũng như tăng giá trị, do đó, để giải quyết bài toán nguyên liệu, cung ứng tốt nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, tránh gián đoạn sản xuất thì ngành điều cần một bộ giống mới, rải vụ, thu hoạch nhiều lần trong năm, năng suất cao để giúp nông dân tránh được hiện tượng mưa trái mùa, biến đổi khí hậu và ứng phó được bệnh trên cây điều. Có như vậy, ngành điều mới mong thoát khỏi vòng luẩn quẩn về nguyên liệu, phụ thuộc nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục