Giải bài toán nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học

Nhu cầu nhân lực chất lượng cao trình độ sau đại học khá lớn nhưng thực trạng đào tạo ở bậc học này lại còn nhiều vấn đề bất cập. Chính sách nào để giải quyết được vấn đề này?
Tọa đàm đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, các doanh nghiệp, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và các sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tọa đàm đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, các doanh nghiệp, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và các sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học là những vấn đề được đặt ra tại buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học - Chính sách học bổng và hợp tác nhà trường-doanh nghiệp” vừa diễn ra sáng nay, ngày 23/3, tại Hà Nội.

Tọa đàm do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn thuộc Tập đoàn VinGroup đồng tổ chức.

Tọa đàm hướng tới mục tiêu chia sẻ nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, chính sách hỗ trợ và nâng tầm đào tạo sau đại học nhằm thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và gắn kết nhà nghiên cứu, viện nghiên cứu, trường đại học, thạc sỹ, tiến sỹ với doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu đặc biệt của toàn cầu hoá và Cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhấn mạnh vai trò của đào tạo sau đại học, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, hiện nay nhiều cơ sở giáo dục đào tạo đã chủ động xây dựng mô hình đào tạo tiên tiến liên tục, liền mạch từ bậc cử nhân lên tiến sỹ, trong đó đặc biệt chú trọng vào đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ. Việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, thúc đẩy công bố khoa học quốc tế, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp và xã hội đã góp phần nâng uy tín, thứ hạng quốc tế của các cơ sở giáo dục, thúc đẩy hệ sinh thái trường đại học.

[Phó Thủ tướng: Đào tạo tiến sỹ phải đặt chất lượng lên hàng đầu]

Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn (Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa hà Nội) cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn trở thành trung tâm nghiên cứu phát triển của khu vực. Nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ đối với các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các trường đại học, viện nghiên cứu ngày một tăng cao.

Giải bài toán nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học ảnh 1Các diễn giả cùng trao đổi tại buổi tọa đàm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tuy nhiên, theo ông Sơn, việc đào tạo sau đại học trong những năm gần đây chịu tác động mạnh mẽ của nhiều yếu tố kinh tế, xã hội và cạnh tranh quốc tế. Vì thế, số người học và nghiên cứu bậc sau đại học tại các cơ sở đào tạo trong nước, đặc biệt là các trường đại học và viện nghiên cứu trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, ngày càng giảm sút. Điều đó dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực trình độ cao trong tương lai. Thách thức này đòi hỏi những giải pháp đột phá, những động lực mới.

Do vậy, tại buổi tọa đàm các đại diện đến từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, hơn 20 viện nghiên cứu, trường đại học và các diễn giả đã tập trung thảo luận về nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao ở bậc sau đại học, thực trạng đào tạo và chính sách thúc đẩy đào tạo chất lượng cao ở bậc sau đại học và xây dựng hệ sinh thái hợp tác giữa các trường đại học, doanh nghiệp và đội ngũ thạc sỹ, tiến sỹ, nhà khoa học.../.

Tại tọa đàm, Quỹ Đổi mới sáng tạo thuộc Tập đoàn Vingroup (Vingroup Innovation Foundation - VINIF) giới thiệu “Chương trình học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước”. Theo đó, Quỹ VINIF sẽ trao 100 suất học bổng hỗ trợ học tập với trị giá lên đến 120 triệu đồng/năm cho bậc học thạc sỹ và 150 triệu đồng/năm với bậc học tiến sỹ. Bên cạnh học bổng hỗ trợ học tập nói trên, Quỹ VINIF còn tiếp tục hỗ trợ thêm lệ phí đăng ký, đi lại, ăn ở học viên cao học và nghiên cứu sinh đã nhận học bổng hỗ trợ học tập tham dự các hội nghị quốc tế.

Ngoài ra, Lễ ký kết hợp tác giữa Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST), Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM) và Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (VINBDI) về việc ưu tiên dành các suất học bổng của Quỹ VINIF cho học viên cao học ngành Toán ứng dụng cũng được diễn ra. Đây được xem là cái “bắt tay” đầy quyết tâm giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước nhằm gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục