Cần gắn việc học trực tuyến với xây dựng mô hình trường học trực tuyến thay vì chỉ sử dụng các công cụ dạy học trực tuyến là để đảm bảo việc dạy trực tuyến được hiệu quả, với đầy đủ các hoạt động từ quản lý, dạy và học, giao bài tập, kiểm tra đánh giá.
Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục đưa ra tại Hội thảo Xây dựng và Vận hành trường học trực tuyến – Vai trò của cán bộ quản lý và giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông. Hội thảo do Viện Nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục, thuộc Học viện Quản lý giáo dục tổ chức ngày 17/9, nhằm tìm giải pháp cho việc dạy và học trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Dạy trực tuyến kiểu "một chốn bốn nơi"
Phát biểu tại hội thảo, tiến sỹ Phạm Ngọc Sơn, Phó trưởng Khoa Sư phạm, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho hay, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, dạy học trực tuyến thường là các khóa học luyên thi, nâng cao kiến thức. Trong các trường phổ thông, nhiều nhà giáo không thích sử dụng phương pháp này. Vì vậy, khi đại dịch COVID-19 xuất hiện và buộc phải dạy trực tuyến, giáo viên thiếu kỹ năng dạy học online.
Cũng theo ông Sơn, việc dạy trực tuyến khiến giáo viên mất nhiều thời gian chuẩn bị bài hơn so với dạy trực tiếp. Quá trình dạy học cũng có nhiều khó khăn khi phụ thuộc chất lượng phần mềm dạy học và đường truyền Internet khiến nhiều khi giờ học bị đứt đoạn. Bên cạnh đó, giáo viên cũng khó quản lý học sinh, phụ thuộc nhiều vào kỹ năng giám sát của thầy cô.
Theo đó, ông Sơn cho rằng phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà trường, giáo viên và học sinh nhằm tạo ra quá trình dạy học hiệu quả. Điều này đòi hỏi phải có trường học trực tuyến quản lý xuyên suốt.
Chia sẻ từ thực tế, ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Ba Đình (Hà Nội) cho hay tại quận Ba Đình, năm học 2020-2021, 100% các trường dạy học trực tuyến (công cụ chủ yếu qua Zoom) nhưng chỉ có 8% xây dựng và vận hành trường học trực tuyến.
Dù đã được sự quan tâm ủng hộ của các cơ quan quản lý và sự nỗ lực từ chính mỗi cán bộ, giáo viên, nhưng việc dạy và học trực tuyến vẫn còn những khó khăn. Đó là hạn chế về nhận thức tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dạy học, về năng lực trong ứng dụng công nghệ thông của giáo viên, cán bộ quản lý, về hạ tầng thiết bị của các trường học. Phần mềm dạy trực tuyến ban đầu chủ yếu là Zoom, sử dụng miễn phí nên khi vận hành có nhiều bất cập như tự thoát ra sau 40 phút, giật, lag, quá tải khi lượng người dùng lớn. Bên cạnh đó, đây không có chức năng trường trực tuyến mà chỉ là công cụ dạy học trực tuyến nên không có chức năng tổ chức kiểm tra, đánh giá, giao bài tập, quản lý…
Lấy ví dụ cụ thể ở trường mình, ông Nguyễn Quốc Dương, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Công Trứ (quận Ba Đình, Hà Nội) cho hay trong năm học 2020-2021, trường tổ chức dạy học qua phần mềm Zoom Cloud Meetting, thực hiện công tác quản lý điều hành qua nhóm Zalo. Tuy nhiên, cuối năm học, nhà trường đã gặp khó khăn và lúng túng trong việc phải thực kiểm tra, đánh giá, xếp loại kết quả rèn luyện, học tập của học sinh trong học kỳ II và cả năm học và phải tìm phần mềm để tổ chức thi trực tuyến.
“Đây chỉ có thể là biện pháp khắc phục, mang tính đối phó tạm thời, không phải là biện pháp có tính ổn định lâu dài,” ông Dương chia sẻ.
Nên có mô hình trường học trực tuyến thống nhất?
Từ thực tế bất cập của năm học 2020-2021, ông Lê Đức Thuận cho hay Phòng đã phối hợp với Trung tâm Giải pháp công nghệ thông tin của Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm việc với Google, chấp thuận cho ngành giáo dục Ba Đình sử dụng hệ sinh thái Google Workspace, khai thác đầy đủ các tính năng của Google Classroom để xây dựng các lớp học, xây dựng các phòng họp với đầy đủ tính năng, dung lượng lưu trữ không giới hạn cho các trường học, thầy cô giáo.
“Năm học này, 100% các trường vận hành trường học trực tuyến, 92% sử dụng Google Classroom, 6% sử dụng MS Team; 2% sử dụng các ứng dụng khác,” ông Thuận cho hay.
Tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Công Trứ, ông Nguyễn Quốc Dương cho hay trường đã xây dựng trường học trực tuyến, ứng dụng linh hoạt các phần mềm để dạy học tốt nhất như sử dụng nền tảng Google Classroom để điều hành và quản lý công tác dạy học; sử dụng ứng dụng Google Meet là phần mềm chính để tổ chức dạy học; sử dụng thêm ứng dụng ClaassPoint và các phần mềm tương tự để tương tác với học sinh, sử dụng ứng dụng Azota kết hợp với Google Form và các ứng dụng khác có liên quan để tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ.
[Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử]
Trong năm học mới 2021-2022, giáo viên toàn trường thống nhất sử dụng ứng dụng Google Meet để tổ chức dạy học, dừng dạy học bằng ứng dụng Zoom Cloud Meetting.
Chia sẻ về vấn đề này, tiến sỹ Đỗ Viết Tuân, Khoa Công nghệ thông tin và truyền thông, Học viện Quản lý Giáo dục đề xuất một mô hình dạy học trực tuyến áp dụng đồng bộ cho các nhà trường thay vì nhiều mô hình khác nhau như hiện nay.
Theo ông Tuân, hệ thống trường học ảo này gồm ba yếu tố, có thể phát triển theo các giai đoạn tương ứng là triển khai hệ thống luyện tập, kiểm tra đánh giá trực tuyến, bài tập về nhà cho học sinh; xây dựng lớp học trực tuyến, phòng thi trực tuyến phục vụ việc giảng dạy trực tuyến tại các nhà trường; hoàn thiện hệ thống trang cá nhân người dùng. “Có thể xây dựng vận hành mô hình mẫu trước khi triển khai,” ông Tuân nói.
Ông Tuân cũng cho rằng cần hoàn thiện mạng xã hội dành riêng cho giáo dục bao gồm cộng động học sinh, giáo viên và nhà quản lý./.