Mía đường Nam Trung Bộ - Bài 3: Giấc mơ về một cánh đồng mía lớn

Giấc mơ về một cánh đồng mía lớn

“Nút thắt” lớn nhất khiến cho đường Việt Nam khó cạnh tranh với đường ngoại chính là giá thành nguyên liệu. Chi phí sản xuất mía nguyên liệu thường chiếm từ 70 đến 80% trong sản xuất đường.
(Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
(Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Trong cơ cấu phát triển trồng trọt ở khu vực Nam Trung bộ, cây mía vẫn được xác định là một trong những cây trồng chủ lực, nhất là tại miền núi. Phải làm gì để vực dậy ngành mía đường?

Đó không còn là câu hỏi dành riêng cho các cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia kinh tế, nhà máy đường hay nông dân…

Hơn lúc nào hết, tất cả cần phải có sự đồng lòng để tháo gỡ những khó khăn, từ đó tìm lại “vị ngọt” cho ngành đường.

Gắn kết và chia sẻ

 Trong giai đoạn khó khăn của ngành mía đường, sự gắn kết và chia sẻ giữa nông dân và doanh nghiệp là việc cần làm trước mắt.

Đơn cừ như tại tỉnh Quảng Ngãi, khi giá thu mua mía chỉ còn 770.000 đồng/tấn tại ruộng với mía 10 chữ đường, nhà máy đường Phổ Phong đã sẵn sàng hỗ trợ cho nông dân số tiền vận chuyển khoảng 90.000 đồng/tấn về nhà máy.

[Về đâu mùa ngọt mía đường Nam Trung Bộ - Bài 1: Nỗi khổ của nông dân]

Công ty cổ phần Đường Biên Hòa-Ninh Hòa (thuộc tỉnh Khánh Hòa) cũng đưa ra chính sách bảo hiểm chữ đường cho 20 ngày đầu vụ và cuối vụ; hỗ trợ nông dân thêm 20.000 đồng/tấn mía và 100% tiền vận chuyển và bốc xếp...

Ngoài ra, các nhà máy cũng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi về vốn, khuyến nông... để khuyến khích nông dân tiếp tục đầu tư trồng mía.

Tại tỉnh Phú Yên, nhà máy đường KCP đã ký kết hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm cho khoảng 10.000 hộ nông dân với kinh phí 320 tỷ đồng để trồng mía. Việc liên kết, hỗ trợ của nhà máy đường với người trồng mía đã được thực hiện từ khi nhiều năm trước và nay càng được chú trọng hơn.

Ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp KCP Việt Nam (nhà máy đường KCP), cho biết với hai nhà máy đường đặt tại huyện miền núi Sơn Hòa và Đồng Xuân nên công ty ý thức được trách nhiệm với người trồng mía. Không chỉ ở thời điểm khó khăn này mới tính chuyện liên kết với người nông dân mà điều này công ty đã làm từ nhiều năm nay.

Theo ông K.V.S.R Subbaiah, tới đây KCP cùng với nông dân quyết tâm hạ giá thành sản phẩm sản xuất mía bởi tất cả các khâu cần áp dụng cơ giới hóa thì hiệu quả mới cao.

Mặt khác, công ty cũng sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ với nông dân như vay vốn không tính lãi, phân bón, chuyển giao công nghệ... để chia sẻ khó khăn với người trồng mía trong thời điểm này nhằm tạo thêm niềm tin để vượt qua khó khăn.

Xây dựng cánh đồng mía lớn

“Nút thắt” lớn nhất khiến cho đường Việt Nam khó cạnh tranh với đường ngoại chính là giá thành nguyên liệu. Chi phí sản xuất mía nguyên liệu thường chiếm từ 70 đến 80% trong sản xuất đường.

Xây dựng cánh đồng lớn là cần thiết để xây dựng nền nông nghiệp quy mô lớn. Đây cũng là điều kiện cần để áp dụng triệt để cơ giới hóa, phát triển vùng nguyên liệu ổn định.

Là nông dân trồng mía ở xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, ông Đoàn Khắc Miên luôn ao ước có cánh đồng mía lớn với nhiều thiết bị cơ giới.

Bởi trong điều kiện hiện nay, dù ông Miên cũng như nhiều hộ dân khác đã áp dụng tối đa các máy móc, hệ thống tưới để nâng cao năng suất mía nhưng cánh đồng của gia đình ông cũng mới chỉ rộng khoảng 10ha với năng suất bình quân khoảng 100 tấn/ha.

[Mía đường Nam Trung Bộ - Bài 2: Nguy cơ mất vùng nguyên liệu]

Ông Đoàn Khắc Miên chia sẻ hiện nay, nghề trồng mía đang vấp nhất là khâu thu hoạch. Nếu vẫn mãi làm theo phương thức thủ công từ sức người thì sẽ mãi bị tụt hậu. "Chẳng hạn như 10ha mía của gia đình tôi, dù đã áp dụng hệ thống tưới tiên tiến nhất nhưng năng suất mía cũng chỉ đạt hơn 100 tấn/ha," ông Miên nói.

Trên cơ sở hồ chứa nước Suối Vực được xây dựng tại xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa với dung tích chứa hơn 10,5 triệu m3 nước, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã làm việc với các đơn vị tư vấn để thiết kế và dự kiến sẽ hình thành một cánh đồng mía lớn “kiểu mẫu” với diện tích khoảng 1.000ha.

Chính vì vậy, khi cả nước đã bước vào hội nhập sâu với thế giới, ngành mía đường cũng cần đưa công nghệ 4.0 vào sử dụng để giảm bớt sức người và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Theo ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Hòa, hiện tại kế hoạch hình thành cánh đồng mía quy mô lớn đã được thống nhất về mặt chủ trương và đề nghị nhà máy đường KCP (nhà máy đang đầu tư cho vùng mía nguyên liệu) hỗ trợ ngân sách cùng với địa phương để thực hiện.

Ủy ban Nhân dân huyện và các xã Sơn Nguyên, Suối Bạc họp dân để mong ước về một cánh đồng lớn không còn mơ hồ. Thâm canh cây mía là để nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu. Vì thế, với xu thế hiện nay thì phải có cánh đồng mẫu lớn để áp dụng cơ giới hóa và xây dựng chuỗi giá trị cho cây mía.

Ở tỉnh Quảng Ngãi, mặc dù diện tích mía chỉ có khoảng 8.000ha nhưng lại trải đều ở khắp các huyện. Mía ở mỗi nơi một mảnh nên sự đầu tư chăm sóc và áp dụng cơ giới hóa là rất thấp. Các chính sách để đầu tư cho vùng nguyên liệu của nhà máy cũng hạn chế.

Để cây mía tiếp tục có “chỗ đứng,” Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã rà soát quy hoạch vùng nguyên liệu mía; tăng cường thực hiện công tác dồn điền đổi thửa để tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, tránh tình trạng sản xuất manh mún.

Giấc mơ về một cánh đồng mía lớn ảnh 1(Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

“Đặc thù của vùng mía ở Quảng Ngãi là nông dân canh tác nhỏ lẻ nhưng điều mà nhà máy mong đợi nhất là việc quy hoạch vùng nguyên liệu và chính sách dồn điền đổi thửa được thực hiện. Khi đó, nhà máy mới có điều kiện đầu tư cơ giới hóa cho vùng nguyên liệu. Năng suất mía tăng lên và giá thành giảm xuống thì thu nhập của người trồng mía sẽ tốt hơn,” ông Trần Đức Triều, Phó Giám đốc Nhà máy đường Phổ Phong nhấn mạnh.

Mặc dù nhà máy đường Bình Định chưa thể hoạt động trở lại vì không đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường nhưng tỉnh Bình Định đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và triển khai thực hiện các dự án phát triển vùng nguyên liệu mía.

Cùng với đó, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ công ty mía đường phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn; khuyến khích tổ chức, cá nhân thuê đất lâu dài để đầu tư trồng mía nguyên liệu.

Sự đồng thuận của người trồng mía cho đến chính quyền và nhà máy đường cho thấy tất cả đã nhận ra vấn đề cốt yếu để ngành đường ở khu vực Nam Trung bộ có thể nâng cao sức cạnh tranh.

Vấn đề đặt ra là cần gấp rút triển khai những dự định này chứ không chỉ dừng lại ở chủ trương. Có như vậy ngành mía đường mới tìm lại được “vị ngọt” như vốn có./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục