Đích đến ngày 10/10 tới đây có chuyến bay cất cánh đầu tiên của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tre Việt (Bamboo Airways) sắp trở thành hiện thực khi Cục Hàng không Việt Nam vừa có đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cấp phép cho hãng hàng không này sau kết quả thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không đủ điều kiện hợp lệ.
Quy mô đội tàu bay “phình” cỡ nào?
Theo đó, hồ sơ của Bamboo Airways đã đầy đủ, hợp lệ theo quy định như văn bản đề nghị cấp giấy phép ngày 12/6/2018; giấy xác nhận phong tỏa tài khoản thanh toán (văn bản xác nhận vốn) của ngân hàng; đồ án thành lập và khai thác hàng không; các bản sao quyết định bổ nhiệm, hợp đồng lao động; hợp đồng nguyên tắc về việc thuê tàu bay; báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo kiểm toán độc lập của Công ty Cổ phần tập đoàn FLC năm 2017; bộ nhận diện thương hiệu Bamboo Airways…
[Hãng hàng không Bamboo Airways sẽ cất cánh vào cuối năm 2018]
Bamboo Airways được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, thuộc loại hình Trách nhiệm hữu hạn một thành viên với chủ sở hữu duy nhật là Tập đoàn FLC.
Hãng bay này cũng đưa ra lộ trình quy mô đội tàu bay dự kiến khai thác là A320/A321, với số lượng ban đầu là 3 chiếc (bắt đầu từ năm 2019), với hình thức không có tổ bay (thuê khô), quy mô khai thác từ 3-10 tàu bay trong giai đoạn 5 năm 2019-2023. Tập đoàn FLC cũng đã ký biên bản ghi nhớ về việc mua 24 tàu bay A321 NEO.
“Như vậy, tuổi tàu bay dự kiến khai thác đáp ứng yêu cầu,” lãnh đạo Cục Hàng không đánh giá.
Bên cạnh đó, hãng hàng không Bamboo Airways phát triển mạng đường bay kết nối các đường bay trực tiếp từ Hà Nội, Quảng Ninh, Quy Nhơn, Quảng Bình, Thanh Hóa với thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Macau, Nhật Bản.
Hãng bay này cũng đã làm việc và có biên bản ghi nhớ với Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) về cung cấp dịch vụ mặt đất, kiếm tra an ninh, dịch vụ sân đỗ, dự kiến đỗ tàu bay qua đêm tại các cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Phù Cát, Đồng Hới, Thọ Xuân, Cát Bi dự kiến thực hiện từ tháng 1/2019; biên bản ghi nhớ về việc bảo dưỡng tàu bay, bảo dưỡng thiết bị, phụ tùng và đào tạo, biên bản cung cấp nhiên liệu.
[Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Tre Việt]
Theo Cục Hàng không, việc sử dụng các cảng hàng không căn cứ tại Nội Bài (Hà Nội), Phù Cát (Bình Định) và Vân Đồn (Quảng Ninh) như phương án trên không gây áp lực lên hạ tầng cảng hàng không Việt Nam.
Căn cứ quy định hiện hành, hồ sơ của Bamboo Airways, nhu cầu thị trường, thực tiễn và khả năng giám sát an toàn hàng không, khả năng đáp ứng của hạ tầng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ trưởng Giao thông Vận tải xem xét và thực hiện các thủ tục tiếp theo để cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng không cho Bamboo Airways.
Hàng không 5 sao, giá vé chưa đến 1 sao
Đề cập về quy trình chuẩn bị của Bamboo Airways, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết, tháng Ba vừa qua, Tập đoàn đã mua 24 máy bay Airbus. Đến tháng Sáu, tập đoàn tiếp tục mua 20 máy bay Boeing 787 để bay chặng châu Âu và Mỹ,
Theo ông Quyết, FLC đã ký thoả thuận với 2 hãng hàng không và đã thanh toán tiền, việc bàn giao sớm nhất, nếu không thay đổi, sẽ là tháng 1/2020 đối với Airbus và có thể giao sớm hơn nếu điều kiện cho phép.
Giải thích điểm khác của hãng Bamboo Airways với các hãng khác, ông Quyết cho rằng trước đây các hãng hàng không trước “chết yểu” vì họ chỉ bay vài ba chiếc, trong khi FLC đã chuẩn bị sẵn sàng 20 máy bay về Việt Nam, cả thuê khô và thuê ướt và sẽ bay ngay 20 chiếc trong năm nay.
“Vào năm 2019, FLC tiếp tục cho về Việt Nam khoảng 20-30 máy bay, tập đoàn muốn để cho du khách cũng như người dân không cần phải lo về khả năng thiếu chỗ. Nếu cung cấp số lượng ít, chúng tôi cũng sẽ có thể chết yểu cũng như các hãng hàng không khác,” tỷ phú Trịnh Văn Quyết nhìn nhận.
[Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết tiết lộ về lợi nhuận ‘đường bay vàng’]
Theo ông Quyết, FLC cần tuyển 600 người cho hãng hàng không Bamboo Airways, cho đến nay đã tuyển được 300 người với điều kiện tiên quyết phải sử dụng tốt ngoại ngữ. Tiếp viên, tiếp viên trưởng đều là người nước ngoài, của các hãng hàng không khác.
“Tập đoàn FLC đã chuẩn bị hạ tầng cực tốt để đạt chuẩn 5 sao trong thời gian lớn nhất. Hãng hàng không 5 sao, nhưng giá vé chưa đến 1 sao. Đơn cử như nếu nghỉ ở Thanh Hóa, từ Sài Gòn ra FLC chỉ tính tiền phòng, không tính tiền vé,” Chủ tịch FLC cam kết.
Tiết lộ chuyến bay đầu tiên mà Bamboo Airways định khai thác, ông Quyết cho biết, tuyến đầu tiên là Sài Gòn Quy Nhơn hoặc Hà Nội-Quy Nhơn, sau đó có thể là Vân Đồn-Quảng Bình, Vân Đồn-Quy Nhơn, hoặc Thanh Hóa-Quy Nhơn, Thanh Hóa-Cần Thơ...
Bổ sung thêm, ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways cho rằng, trong chiến lược của Bamboo Airways , hãng tập trung phát triển hàng không gắn liền với du lịch, nên đưa ra các chuyến bay không ảnh hưởng đến hạ tầng của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
“Bamboo Airways sẽ khai thác các tuyến bay mà các hãng khác không khai thác, để khách hàng không mất thời gian, chi phí trung chuyển mà có thể đến thẳng các địa điểm du lịch tiềm năng của Việt Nam. Đây là chiến lược mà hãng sẽ bám chắc và đó là lý do vì sao mà Bamboo Airways lại được cấp phép,” ông Thắng nhấn mạnh./.