Trong một tháng qua, giá xăng, dầu đã giảm 2 lần liên tiếp với tổng mức giảm hơn 2.000 đồng/lít. Cụ thể, vào ngày 6/11, giá xăng E5 đã giảm mạnh 1.082 đồng/lít, xăng RON95 giảm 1.138 đồng/lít. Mới đây, ngày 21/11, giá xăng E5 tiếp tục giảm mạnh 973 đồng/lít; xăng RON95 giảm 1.093 đồng/lít.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu trên thị trường, giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng và cước vận tải vẫn chưa có sự điều chỉnh.
Theo khảo sát của phóng viên, tại các chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ Mơ, chợ 8/3..., giá cả nhiều mặt hàng vẫn không có nhiều biến động so với cuối tháng trước.
Tại chợ Mơ, giá thịt bò vẫn ở mức 220.000-230.000 đồng/kg, thịt gà lông 100.000-110.000 đồng/kg, cá chép 70.000-75.000 đồng/kg; giá ốc nhồi có giảm từ 80.000 đồng/kg xuống còn 70.000-73.000 đồng/kg...
Mặt hàng rau xanh giá không có nhiều biến động. Giá xu hào 2.500 đồng/củ, củ cải trắng 10.000 đồng/kg, rau muống 10.000-12.000 đồng/mớ. Riêng chỉ có giá cà chua hàng loại 1 đã giảm từ mức 25.000 đồng xuống còn khoảng 18.000-20.000 đồng/kg, cà chua loại 2 giá vẫn dao động từ 12.000-15.000 đồng/kg...
Theo các tiểu thương tại chợ Mơ, giá xăng giảm không có tác động đến giá bán ra của các sản phẩm tiêu dùng. Giá cả lên/xuống chủ yếu phụ thuộc nhu cầu tiêu dùng và lượng cung cấp hàng hóa trong ngày.
Không chỉ giá cả các mặt hàng tiêu dùng giữ nguyên mà giá cước vận tải không có sự biến động khi xăng dầu giảm giá mạnh.
[Infographics] Giá xăng E5 RON 92 giảm 973 đồng mỗi lít
Xăng dầu chiếm tới 40-50% yếu tố chi phí trong hoạt động kinh doanh vận tải. Việc xăng liên tục giảm giá trong tháng qua được kỳ vọng sẽ khiến cước vận tải giảm.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Danh Liên, đại diện Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội, việc giảm giá xăng lần này sẽ không tác động đến giá cước vận tải. Bởi lẽ, giá xăng dầu giảm khoảng gần 10% nhưng ở thời điểm giá xăng liên tục tăng, các doanh nghiệp vận tải đã gồng mình giữ giá để cạnh tranh với loại hình vận tải công nghệ.
Thêm vào đó, nếu muốn thay đổi giá cước, doanh nghiệp sẽ mất nhiều thời gian và chi phí về thủ tục đăng ký điều chỉnh cước, thay đồng hồ cước, bảng biểu, vé... Do đó, giá cước sẽ không thể điều chỉnh giảm ngay khi giá xăng dầu giảm.
Ngoài ra, thời gian ngắn tới, xăng dầu sẽ phải gánh thêm 1.000 đồng tiền thuế môi trường. Vì thế, càng khó để các doanh nghiệp có thể thực hiện giảm giá cước.
Ông Bùi Danh Liên cũng cho rằng mức thuế đối với xăng dầu tăng thì mỗi lít xăng doanh nghiệp vận tải phải chi thêm 1.000 đồng. Con số này tưởng chừng nhỏ, song cộng dồn vào cả năm sẽ dẫn đến chi phí doanh nghiệp tăng khá lớn.
Chưa kể, việc tăng thuế xăng dầu cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đàm phán tăng cước với khách hàng. Có những hợp đồng đã ký trước đó và kéo dài hàng năm thì doanh nghiệp phải chấp nhận đến khi kết thúc hợp đồng mới được điều chỉnh.
Theo ông Đinh Văn Sáu, Chủ tịch Công ty Taxi Hương Lúa, ở những lần tăng giá xăng mạnh trước đó, tổng mức tăng cũng trên 2.000 đồng, nhưng doanh nghiệp cũng không tăng cước. Do vậy, với mức giảm giá này, doanh nghiệp cũng không có tín hiệu giảm giá. Giá xăng chiếm khoảng 40% trong cấu thành giá cước, giá xăng giảm liên tiếp giúp doanh nghiệp giảm nhẹ gánh nặng chi phí đầu vào và người lao động có thêm thu nhập.
Thời gian tới, nếu giá xăng dầu có động thái giảm mạnh hơn, doanh nghiệp sẽ tính toán, cân đối chi phí để giảm giá cước vận tải.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, khi giá nhiên liệu điều chỉnh 10% thì giá cước vận tải có thể được điều chỉnh. Hiệp hội sẽ khuyến cáo doanh nghiệp tính toán giảm chi phí không cần thiết, chủ động các phương án giải quyết bài toàn cân đối thu-chi.
Tuy nhiên, theo ông Thanh, việc giảm giá ngay là chưa thể làm được, vì liên quan đến xu hướng giá xăng dầu thời gian tới, thời gian và chi phí về thủ tục đăng ký điều chỉnh cước.../.