Vé khách đi tàu Cát Linh-Hà Đông được Nhà nước trợ giá từ 60-70%

Giá vé tàu Cát Linh-Hà Đông phù hợp với khả năng chi trả người dân

Giá vé tàu Cát Linh-Hà Đông bao gồm nhiều khung giá và đã được Nhà nước trợ giá nhằm thúc đẩy người dân sử dụng giao thông công cộng để hạn chế xe cá nhân.
Vé tàu đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt đô thị Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết từ ngày hôm nay (21/11), tuyến tàu Cát Linh-Hà Đông bắt đầu chuyển sang giai đoạn khai thác thương mại, vận chuyển khách có thu tiền sau khi đã kết thúc 15 ngày vận hành miễn phí trong ngày 20/11.

Hơn 380.500 khách đi tàu trải nghiệm

Theo thống kê của Metro Hà Nội, trong 15 ngày khai thác miễn phí (từ 6-20/11) phục vụ hành khách tham quan, trải nghiệm, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã khai thác 2.554 chuyến tàu an toàn và 380.510 hành khách, bình quân 1 ngày vận chuyển được 25.361 hành khách. Trong đó, phân bổ hành khách ở ga Cát Linh chiếm 28%, ga Yên Nghĩa chiếm 24%, còn 10 nga chiếm 48%.

Đánh giá về thời gian đầu khai thác, ông Trường cho rằng người dân Hà Nội rất hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, thành phố phát triển giao thông công cộng mà xương sống là đường sắt đô thị để giải quyết vấn đề về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.

“Có thể thấy rằng người dân vô cùng chia sẻ với phương thức vận tải mới và tiếp cận nhanh, thể hiện ở chỗ những ngày đầu Metro Hà Nội phải tăng cường rất đông nhân lực để hướng dẫn người dân đi tàu. Đến nay, những người đi tàu đã đi trở thành một tuyên truyền viên, hướng dẫn viên cho người khác,” ông Trường nói.

Ông Trường cho hay trong ngày đầu bán vé thu tiền, hành khách chưa quen việc mua vé và sử dụng. Do đó, Metro đã bổ sung 100 người để hướng dẫn khách mua vé đồng thời sẽ khắc phục ngay những tình huống phát sinh. Giá vé tàu Cát Linh-Hà Đông được Nhà nước trợ giá 60-70% và phù hợp với nhu cầu và khả năng chi tiêu của người dân.

Cụ thể, hành khách đi vé lượt (8.000-15.000 đồng/vé) có thể mua từ máy bán vé tự động (thực hiện theo hướng dẫn trên máy) hoặc mua tại quầy của nhân viên. Để thuận tiện khi mua vé tại máy bán vé tự động, hành khách nên chuẩn bị tiền có mệnh giá dưới 100.000 đồng.

Hành khách đi vé ngày (30.000 đồng/vé, có hiệu lực trong ngày, không giới hạn lượt đi), mua tại quầy bán vé trực tiếp.

Người mua vé tháng phổ thông (200.000 đồng/tháng; vé có tác dụng trong 30 ngày, sau 30 ngày trả lại vé cũ để lấy vé mới), mua tại quầy bán vé, cung cấp thông tin cá nhân và trả tiền sẽ được nhận vé ngay. Với vé tháng mua tập thể được giảm 30% (140.000 đồng/vé), với số lượng từ 30 người trở lên.

Mua vé tháng ưu tiên (giảm 50% (100.000 đồng/tháng): Học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp), mua tại quầy vé. Người mua cung cấp thông tin cá nhân chứng minh là đối tượng ưu tiên (như thẻ học sinh, sinh viên hoặc xác nhận là lao động tại các khu công nghiệp), nhận thẻ như vé tháng bình thường có dán tem ưu tiên.

Hành khách đi miễn phí là những người đã được cấp thẻ đi xe buýt miễn phí của Trung tâm quản lý Giao thông công cộng Hà Nội, đưa thẻ miễn phí xe buýt tại quầy vé để được phát thẻ vé 0 đồng như 15 ngày đi miễn phí.

Sự khởi đầu tốt đẹp cho giao thông công cộng

Khẳng định đối tượng đường sắt đô thị hướng tới nói chung và tuyến Cát Linh-Hà Đông nói riêng là những người đi lại thường xuyên đi vào giờ cao điểm để tránh ùn tắc, vị Tổng giám đốc Metro Hà Nội cho rằng mỗi một phương thức vận tải đô thị chỉ đáp ứng một số đối tượng nhất định nên cần có hệ thống và một tuyến đường sắt đô thị như Cát Linh-Hà Đông không thể giải quyết được tất cả vấn đề nhưng là sự khởi đầu tốt đẹp về giao thông công cộng.

“Chỉ khi nào hình thành mạng lưới đường sắt đô thị hoàn chỉnh mới giải quyết được căn cơ những vấn đề đặt ra giao thông đô thị ở các thành phố lớn ở Việt Nam và hy vọng Hà Nội sớm đưa các tuyến đường sắt đô thị khác đưa vào hoạt động,” ông Trường nói.

Tàu Cát Linh-Hà Đông đã thu hút nhiều người dân trải nghiệm và lựa chọn làm phương tiện đi lại. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Nhìn nhận việc kết nối với xe buýt ở các nhà ga tuyến Cát Linh-Hà Đông vô cùng thuận lợi, theo ông Trường, hiện có 54 tuyến buýt kết nối với đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, trong đó ga Cát Linh và Yên Nghĩa có 16 tuyến buýt và các ga trung gian có từ 8-9 tuyến buýt. Sắp tới, Metro Hà Nội sẽ dán hệ thống tuyến xe buýt ở nhà ga để khi khách xuống sẽ biết đi các tuyến buýt kết nối.

['Nhiều người từ bỏ xe cá nhân để đi làm bằng tàu Cát Linh-Hà Đông']

Vị Tổng giám đốc Metro Hà Nội cũng thông tin thêm, trong giai đoạn từ 21/11 đến 6/5/2022, các đoàn tàu hoạt động từ 5 giờ 30-22 giờ hàng ngày, tần suất 10 phút có một chuyến tàu dừng tại ga; thời gian dừng tại ga 25-50 giây để khách lên xuống.

Giai đoạn tiếp theo, từ 7/5-6/11/2022, tàu chạy từ 5 giờ 30-22 giờ 30. Giãn cách chạy tàu giờ cao điểm 6 phút/chuyến, giờ bình thường 10 phút/chuyến./.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông có tổng chiều dài chính tuyến 13,05km, điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa, có 12 nhà ga trên cao; mua sắm 13 đoàn tàu, tốc độ tối đa 80km/giờ, tốc độ khai thác là 35km/giờ.

Tuyến đường sắt này được Bộ Giao thông Vận tải bàn giao cho thành phố Hà Nội vào ngày 6/11 và đưa vào vận hành, khai thác miễn phí 15 ngày đầu để người dân trải nghiệm một loại hình vận tải công cộng hiện đại lần đầu có mặt tại Việt Nam.

Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án là 18.001,5 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD) sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục