Giá vàng xác lập mức cao kỷ lục mới trong chiều 17/7

Khi kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Mỹ vào tháng Chín tăng lên sau những bình luận gần đây của các quan chức Fed, Giá vàng đạt mức cao kỷ lục tại châu Á trong phiên chiều 17/7.
Vàng miếng được giới thiệu tại Sàn giao dịch vàng ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Giá vàng đạt mức cao kỷ lục tại châu Á trong phiên chiều 17/7, khi kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Mỹ vào tháng Chín tăng lên sau những bình luận gần đây của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Giá vàng cao kỷ lục

Giá vàng đạt mức cao kỷ lục tại châu Á trong phiên chiều 17/7, khi kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Mỹ vào tháng Chín tăng lên sau những bình luận gần đây của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Vào lúc 14 giờ 11 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay ổn định ở mức 2.466,02 USD/ounce, sau khi có thời điểm chạm mức cao kỷ lục 2.482,29 USD/ounce trong cùng phiên. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn tăng 0,1% lên 2.470,20 USD/ounce.

Ông Tim Waterer, chuyên gia phân tích thị trường trưởng của công ty thương mại KCM Trade, cho biết giá vàng đạt đến mức cao mới khi giới nhà đầu tư kỳ vọng về khả năng hạ lãi suất.

Ông dự đoán mục tiêu giá vàng trước mắt tiếp theo là 2.500 USD/ounce, mặc dù nếu đà tăng hiện tại tiếp diễn, giá vàng có thể đi xa hơn nữa trước cuối năm nay.

Bên cạnh đó, chuyên gia này nói thêm, việc mua vàng với mục đích trú ẩn an toàn có thể tăng trở lại do các cuộc bầu cử ở Mỹ và rủi ro địa chính trị toàn cầu.

Thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất 0,25 điểm phần trăm vào tháng Chín. Sức hấp dẫn của vàng, một kim loại quý không sinh lãi, thường tăng lên khi lãi suất giảm.

Chủ tịch Fed Jerome Powell mới đây cho biết các số liệu lạm phát gần đây "góp phần gia tăng niềm tin" rằng tốc độ tăng giá đang quay trở lại mức mục tiêu của Fed một cách ổn định, cho thấy việc cắt giảm lãi suất có thể không còn xa.

Thống đốc Fed Adriana Kugler mới đây cũng bày tỏ sự lạc quan thận trọng rằng lạm phát đang quay trở lại mức mục tiêu 2% của Fed.

Bên cạnh đó, một yếu tố những hỗ trợ giá vàng là Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu, được dự đoán vẫn có nhu cầu mua vàng mạnh mẽ mặc dù đã tạm dừng vào tháng Năm và tháng Sáu, trong bối cảnh lượng vàng nước này nắm giữ đang ở mức thấp và và căng thẳng toàn cầu gia tăng.

Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giảm 2,1% xuống 30,73 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 0,3% xuống 997,27 USD/ounce.

Còn tại Việt Nam, chiều 17/7, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 74,98-76,98 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 75,98-76,98 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Giá dầu giảm do nhu cầu yếu tại Trung Quốc

Giá dầu giảm nhẹ tại châu Á trong phiên chiều 17/7, trong đó giá dầu Brent dao động gần mức thấp nhất một tháng trước những dấu hiệu cho thấy nhu cầu tại Trung Quốc suy yếu, mặc dù đà giảm bị hạn chế khi dự trữ dầu thô của Mỹ giảm.

Vào lúc 13 giờ 20 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 15 xu Mỹ, hay 0,2%, xuống 83,58 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 13 xu Mỹ, tương đương 0,2%, xuống 80,63 USD/thùng.

Một giàn khoan dầu tại thị trấn al-Qahtaniyah, tỉnh Hasakah, Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá cả hai loại dầu này đều giảm trong ba phiên trước đó, trong đó giá dầu Brent giảm xuống 83,30 USD/thùng trong phiên 16/7, mức thấp nhất kể từ ngày 17/6.

Bà Priyanka Sachdeva, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của công ty môi giới Phillip Nova ở Singapore, cho biết trong khi lo ngại về nhu cầu tại Trung Quốc tiếp tục ảnh hưởng đến tâm lý của giới đầu tư, thì việc dự trữ dầu thô của Mỹ giảm là yếu tố hạn chế đà giảm của giá dầu.

Theo số liệu chính thức được công bố đầu tuần này, kinh tế Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, tăng trưởng 4,7% trong quý II, mức thấp nhất kể từ quý 1/2023.

Bên cạnh đó, nhà phân tích Daniel Hynes của ANZ Bank cho biết đồng USD mạnh hơn cũng ảnh hưởng đến giá dầu.

Phiên này, chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt đã tăng nhẹ trong phiên thứ ba liên tiếp, khiến dầu trở nên đắt hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.

Trong khi đó, tại Mỹ, nước sản xuất và tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, số liệu từ Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho thấy dự trữ dầu thô giảm 4,4 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn nhiều so với mức giảm dự báo 33.000 thùng được đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.

Hạn chế đà giảm của giá dầu trong phiên này còn có số liệu doanh số bán lẻ ổn định trong tháng Sáu của Mỹ đã củng cố triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý 2.

Ngoài ra, các nhà phân tích của công ty năng lượng Growmark Energy cho biết rủi ro địa chính trị gia tăng cũng đang hỗ trợ giá dầu.

Chứng khoán châu Á biến động trái chiều

Trong khi Phố Wall chứng kiến một phiên giao dịch xác lập nhiều kỷ lục nhờ kỳ vọng về khả năng hạ lãi suất, thì các thị trường châu Á lại thận trọng hơn, khi giới đầu tư đang theo dõi cuộc họp quan trọng về kinh tế của các nhà lãnh đạo Trung Quốc ở Bắc Kinh trong tuần này.

Khép lại phiên này, tại Hong Kong (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng tăng 0,064% lên 17.739,41 điểm. Sắc xanh cũng được ghi nhận tại các thị trường Sydney, Wellington, Manila, Bangkok và Jakarta.

Bảng điện tử niêm yết chỉ số chứng khoán Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 0,4% xuống 41.097,69 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải (Trung Quốc) để mất 0,5% và đóng phiên ở mức 2.962,85 điểm. Các thị trường Singapore, Seoul cũng đi xuống.

Tại Việt Nam, khép lại phiên này, chỉ số VN-Index giảm 12,52 điểm, hay 0,98%, xuống 1.268,66 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 4,01 điểm, hay 1,64%, xuống 240,9 điểm.

Ông Powell đã thúc đẩy các kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất khi thừa nhận rằng giá cả đang được kiểm soát, và cho biết các quan chức Fed không cần lạm phát giảm xuống mức mục tiêu 2% trước khi hành động.

Phát biểu của ông được đưa ra giữa lúc các nhà hoạch định chính sách khác cũng bày tỏ lạc quan rằng cuộc chiến chống lạm phát đang đi đến thắng lợi. Thống đốc Fed Adriana Kugler mới đây cũng nhận định nếu các chỉ số kinh tế vẫn thuận lợi, "tôi dự đoán việc bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào cuối năm nay là phù hợp."

Mặc dù lạm phát đang chậm lại, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết trong bản cập nhật Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới rằng lạm phát vẫn ở mức cao và có thể gây ra những thách thức. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cảnh báo rằng Fed đang đợi quá lâu.

Số liệu được công bố mới đây cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ vượt xa mong đợi, khiến các nhà quan sát nâng cao dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

"Mặc dù bức tranh bán hàng cơ bản có thể không tốt như tiêu đề, thực tế là thành phần tiêu dùng của tổng sản phẩm quốc nội (tức là phần lớn) có vẻ sẽ ổn", chuyên gia Ray Attrill của Ngân hàng Quốc gia Australia cho biết.

Chuyên gia Ray Attrill cho biết hiện thị trường đang ngày càng tin rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất tới ba lần trong năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục