Trong phiên giao dịch ngày 18/1, giá vàng thế giới đi xuống, giữa bối cảnh số liệu mới về kinh tế Mỹ đẩy đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đi lên.
Chốt phiên này, giá vàng giao tháng 2/2016 tại Sàn giao dịch kim loại New York (COMEX) giảm 0,07% xuống 1.212,10 USD/ounce.
Bộ Lao động Mỹ cho biết Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,3% trong tháng 12/2016 và tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước đó, ghi dấu mức tăng theo năm mạnh nhất kể từ tháng 6/2014.
Nhà phân tích Simona Gambarini, thuộc Capital Economics, dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất hơn trong thời gian tới, để đối phó với sức ép lạm phát gia tăng.
Theo bà Gambarini, động thái tăng lãi suất sẽ gây sức ép lên giá vàng.
Bên cạnh đó, chiến lược gia Eli Tesfaye, thuộc RJO Futures, tại Chicago, lưu ý rằng sự tăng giá của đồng USD cũng tác động tiêu cực đến triển vọng đi lên của giá vàng.
Trong khi đó, giá dầu thế giới trong phiên giao dịch ngày 18/1 đã giảm xuống mức thấp nhất trong một tuần do đồng USD mạnh lên và những đồn đoán rằng các công ty dầu mỏ của Mỹ sẽ nâng sản lượng.
Cụ thể, khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tại London giảm 1,55 USD (2,79%) xuống còn 53,92 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ tại New York giảm 1,4 USD (2,67%) xuống còn 51,08 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) mới đây cho biết sản lượng dầu đá phiến của nước này sẽ chấm dứt chuỗi ba tháng giảm liên tiếp trong tháng Hai tới khi các công ty năng lượng đẩy mạnh hoạt động khoan dầu. EIA dự đoán sản lượng dầu ở các mỏ đá phiến lớn nhất của Mỹ sẽ tăng 40.750 thùng/ngày lên 4,748 triệu thùng/ngày trong tháng Hai.
Trong phiên này, giá dầu có thời điểm tụt xuống mức thấp nhất kể từ ngày 11/1, song đã thu hẹp đà giảm sau khi số liệu cho Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho thấy lượng dầu dự trữ của Mỹ giảm 5,04 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 13/1.
Bên cạnh đó, đồng USD tăng khoảng 0,6% so với rổ các đồng tiền chủ chốt, qua đó gây áp lực lên giá dầu vốn là hàng hóa được định giá bằng “đồng bạc xanh”./.