Giá vàng và giá dầu đi xuống, chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ

Giá vàng giao ngay giảm xuống còn 1.644,51 USD/ounce; giá dầu ngọt nhẹ Mỹ còn 23,63 USD/thùng; trong khi chứng khoán Mỹ đã chốt phiên với toàn sắc đỏ.
(Nguồn: livemint.com)

Giá vàng thế giới giảm hơn 1% trong phiên 7/4, khi có các dấu hiệu cho thấy dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lây lan chậm lại đã hỗ trợ thị trường chứng khoán và giảm bớt sức hấp dẫn như một kênh “trú ẩn an toàn” của vàng.

Giá vàng giao ngay giảm 1% xuống 1.644,51 USD/ounce vào lúc 0 giờ 36 phút (ngày 8/4 theo giờ Việt Nam), sau khi đã có lúc chạm mức cao nhất của gần một tháng là 1.671,40 USD/ounce hồi đầu phiên. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn lùi 0,6% xuống mức 1.683,70 USD/ounce. 

Chuyên gia Melek nói thêm rằng những kỳ vọng về các biện pháp kích thích với lãi suất thấp hơn trong dài hạn sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng trong tương lai. Một trong số những gói biện pháp được giới đầu tư kỳ vọng sớm được thông qua là gói trị giá 500 tỷ euro để phục hồi hệ thống tài chính của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

[Giải mã nguyên nhân USD vẫn tăng giá bất chấp khủng hoảng COVID-19]

Trong khi đó, nhà phân tích Ole Hanson của Ngân hàng Saxo cho biết một lý do cho đà tăng gần đây của giá vàng là việc các ngân hàng trung ương toàn cầu đang cân nhắc thêm các biện pháp cứu trợ bổ sung. Tại Mỹ, dù mới thông qua gói cứu trợ hơn 2.000 tỷ USD, Washington đã bàn thảo về gói tiếp theo dự kiến sẽ được đưa ra sau lễ Phục sinh.

Theo chuyên gia này, một khi những gói cứu trợ như trên đi cùng với tiềm năng về một đồng USD yếu hơn, triển vọng tăng giá của vàng vẫn còn.

Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạch kim phiên này tăng 0,5% lên 738,66 USD/ounce. Giá bạc cũng tiến 0,2% lên 15 USD/ounce.

Kết thúc phiên 7/4, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 47,10 - 48,12 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giảm gần 10%

Giá dầu thế giới giảm trước tình hình nguồn cung dầu gia tăng trong khi nhu cầu “vàng đen” suy giảm do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Trong khi đó, các nhà đầu tư cũng thận trọng hơn về những dự báo cho rằng các nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới sẽ sớm nhất trí cắt giảm sản lượng dầu để hỗ trợ giá “vàng đen."

Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tại thị trường New York (Mỹ) đã giảm 2,45 USD (tương đương 9,4%) xuống còn 23,63 USD/thùng, tiếp tục nối dài đà đi xuống trong phiên giao dịch này, trước khi Mỹ công bố số liệu hàng tuần về lượng dầu thô dự trữ trong nước Trong khi đó, giá dầu Brent tại London (Anh) giảm 1,18 USD (3,6%) xuống còn 31,87 USD/thùng.

Số liệu từ Viện Dầu mỏ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 11,9 triệu thùng lên 473,8 triệu thùng trong tuần qua, cao hơn so với mức ước tính tăng 9,3 triệu thùng của giới phân tích.

Trong khi đó, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu thô của Mỹ dự kiến giảm 470.000 thùng/ngày trong khi nhu cầu ước giảm khoảng 1,3 triệu thùng/ngày trong năm 2020. Ngoài ra, cũng theo EIA, tiêu thụ xăng của Mỹ trong quý 2/2020 sẽ giảm xuống mức thấp nhất 20 năm qua.

Mỹ sẽ công bố số liệu chính thức về lượng dầu thô dự trữ của nước này trong ngày 8/4 (giờ địa phương).

Trong khi đó, các nước sản xuất dầu hàng dầu thế giới, trong đó có Saudi Arabia và Nga, dự kiến sẽ có cuộc họp trực tuyến vào ngày 9/4 để thảo luận về việc cắt giảm sản lượng dầu, song một số bộ trưởng năng lượng của các quốc gia này cho biết sẽ chỉ hành động như vậy nếu Mỹ cũng tham gia cắt giảm sản lượng dầu trong nước.

Theo Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu thị trường của Tradition Energy in Stamford, Connecticut (Mỹ), Gene McGillian, các nhà đầu tư ở thị trường dầu đang cho thấy mong muốn có thêm sự chắc chắn về việc liệu Nga và Saudi Arabia có đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu hay không.

[OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng dầu mỏ nếu Mỹ có thiện chí hợp tác]

Ngày 7/4, Bộ Năng lượng Mỹ đã lưu ý về những dự đoán mới cho thấy sản lượng dầu của nước này đã giảm cho dù không có sự điều chỉnh của chính phủ.

Trong khi đó, theo một nguồn tin từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào về mức độ cắt giảm sản lượng dầu của OPEC và các nước sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, sẽ phụ thuộc vào việc các nước sản xuất dầu như Mỹ, Canada và Brazil sẵn sàng cắt giảm sản lượng “vàng đen” trong nước ở mức độ nào.

Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm

Bất chấp sự tăng điểm mạnh lúc mở phiên, chứng khoán Mỹ đã chốt phiên giao dịch 7/4 với toàn sắc đỏ, sau khi các chỉ số chính đều đồng loạt quay đầu.

Trong khi đó, các thị trường châu Âu lại đồng loạt tăng điểm, qua đó phần nào cho thấy tâm lý còn nhiều bối rối của các nhà đầu tư trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Bảng chỉ số chứng khoán tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh minh họa. THX/TTXVN)

Chốt phiên 7/4, tất cả các chỉ số chính của Phố Wall gồm Dow Jones, S&P500 và Nasdaq Composite đều đồng loạt mất điểm, song đều ở mức nhẹ lần lượt là 0,1%, 0,2% và 0,3%.

Trước đó, chứng khoán Mỹ đã mở phiên với sự tăng điểm tích cực. Tuy nhiên, các chỉ số đã đồng loạt quay đầu sau khi thị trường liên tiếp nhận tín hiệu phức tạp từ tình hình dịch.

Ngược lại với tình hình tại Mỹ, các chỉ số chính của chứng khoán châu Âu tại các sàn giao dịch London, Frankfurt và Paris đều tăng điểm chốt phiên giao dịch. Trong đó, tăng mạnh nhất là chỉ số DAX 300 của Đức với 2,8% và ít nhất là chỉ số FTSE 1000 của Anh với 2,1%.

Giới chuyên gia cho rằng giới đầu tư đang được động viên từ những biện pháp mạnh tay để bảo vệ nền kinh tế của chính phủ nhiều nước, nhưng vẫn chưa thể yên tâm trước những diễn biến khó lường của dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục