Giá vàng trong nước tăng mạnh, vì sao chứng khoán chỉ giảm nhẹ?

Theo chuyên gia, việc giá vàng tăng hầu như không ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán bởi nhu cầu vàng tại Việt Nam không nhiều, nếu có thì chủ yếu là những tổ chức, ngân hàng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Giá vàng trong nước sáng nay (22/7) biến động mạnh, tăng tới 1-1,7 triệu đồng/lượng so với chiều hôm qua. Giá bán ra vàng SJC một số công ty vàng bạc đá quý đã vượt mốc 53 triệu đồng/lượng. Dù giá vàng tăng cao, nhưng thị trường chứng khoán chỉ giảm rất nhẹ.

Kết thúc phiên giao dịch sáng 22/7, VN-Index chỉ giảm 0,11 điểm (0,01%) xuống 861,56 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 162,1 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 2.243 tỷ đồng. Toàn sàn có 155 mã tăng giá, 170 mã giảm giá và 72 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 0,35 điểm (0,3%) xuống 115,74 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 22,6 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 243,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 45 mã tăng giá, 81 mã giảm giá và 61 mã đứng giá.

Trong rổ cổ phiếu VN30 có 11 mã tăng giá, trong khi có 15 mã giảm giá và 4 mã đứng giá. Ở chiều tăng giá, VRE có mức tăng mạnh nhất, đạt 3%. Các mã khác như BVH, VIC, SSI, SAB, MSN, NVL, HPG... chỉ có mức tăng rất nhẹ, từ 0,1-0,6%.

Các mã ở chiều giảm giá cũng có mức giảm nhẹ như VNM giảm 0,5%, VHm giảm 0,4%, PNJ giảm 0,5%, FPT giảm 0,2%...

Tại nhóm cổ phiếu dầu khí, PVB tăng 1,8%, PVD tăng 1%. PVC và PVS đứng ở mức tham chiếu. Trong khi đó, GAS giảm nhẹ 0,1%, PLX giảm 0,4%.

Tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, sắc đỏ cũng đang chiếm ưu thế với ACB, SHB, EIB, TCB, VCB, BID, VPB, STB... Tuy nhiên, mức giảm cũng rất nhỏ, chỉ từ 0,1-0,8%.

Khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng trong phiên sáng nay. Trên HOSE, khối ngoại bán ròng 53,42 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là DXG (hơn 13,1 tỷ đồng), VNM (hơn 12,2 tỷ đồng), NVL (hơn 11,6 tỷ đồng).

Trên HNX, khối ngoại bán ròng 2,85 tỷ đồng. Mã bị bán ròng mạnh nhất sàn này là SHB (hơn 2,1 tỷ đồng).

[Vàng trong nước tăng mạnh, chạm mốc 53 triệu đồng mỗi lượng]

Trên thị trường UPCOM, khối ngoại bán ròng 4,25 tỷ đồng. ACV là mã bị bán ròng mạnh nhất, đạt hơn 4,3 tỷ đồng.

Thực tế, thời gian vừa qua, giá vàng và thị trường chứng khoán tăng cùng chiều. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường khó hiểu. Vì lẽ thông thường, dòng tiền sẽ chảy từ kênh sinh lời ít hơn đến những kênh đầu tư sinh lời nhiều nhất.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng với việc dòng tiền được bơm mạnh ra thị trường, lượng tiền có phần dư thừa và dòng tiền này sẽ chảy vào các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, bất động sản... Điều này giúp các thị trường đồng loạt đi lên, đặc biệt là vàng có mức tăng mạnh nhất vì được coi là kênh đầu tư trú ẩn.

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí, ông Lê Đức Khánh, cho biết vàng là kênh đầu tư khác biệt hẳn so với kênh đầu tư chứng khoán, kể cả trái phiếu. Nhà đầu tư sẽ ưu tiên chọn mua vàng thay vì đầu tư các kênh khác tiềm ẩn rủi ro, nhất là trong bối cảnh có chiến tranh, dịch bệnh...

Tuy nhiên, về bản chất, sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán liên quan đến câu chuyện kỳ vọng. Tức là nhà đầu tư có sự kỳ vọng sau đại dịch, thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc, điều này dẫn đến việc các nhà đầu tư mới cùng dòng tiền lớn tham gia thị trường. Dòng tiền chảy vào mạnh khiến thị trường chứng khoán đã có sự hồi phục tích cực kể từ đầu quý 2.

Theo chuyên gia chứng khoán của Công ty cổ phần Chứng khoán MB-MBS, ông Nguyễn Việt Đức, không chỉ vàng, chứng khoán mà cả kênh đầu tư bất động sản cũng đều tăng trong thời gian qua. Việc này là do các ngân hàng trung ương trên thế giới bơm rất nhiều tiền để cứu trợ nền kinh tế. Tiền bơm ra nhiều khiến cho một lượng tiền lớn cần phải được giải ngân đầu tư. Tuy nhiên, có thể nhận thấy kênh đầu tư vàng vẫn có mức tăng mạnh nhất vì vàng là kênh chống lạm phát tốt nhất.

Thực tế, dịch bệnh COVID-19 khiến doanh nghiệp làm ăn khó khăn và sa thải công nhân nhiều, dẫn đến doanh nghiệp dôi dư ra lượng tiền mặt. Lúc đó, doanh nghiệp sẽ thực hiện trả lãi ngân hàng. Đây cũng là lý do thời gian qua, tăng dư nợ tín dụng của ngân hàng giảm sút, bởi lẽ doanh nghiệp không vay thêm tiền mà còn trả những khoản vay của ngân hàng. Trả xong các khoản này, doanh nghiệp còn dư tiền sẽ tìm đến các kênh đầu tư như chứng khoán.

Thị trường chứng khoán giảm sâu trong quý 1 đã khiến định giá cổ phiếu Việt Nam rất rẻ. Khi nhận thấy cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư đã mua vào cổ phiếu khiến cho thanh khoản thị trường tăng cao.

Theo chuyên gia Nguyễn Việt Đức, thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay không bị bán ròng nhiều là nhờ việc nhà đầu tư nước ngoài đã có phiên mua ròng cổ phiếu VHM tới hơn 200,97 triệu đơn vị, giá trị tương ứng hơn 14.500 tỷ đồng trong phiên giao dịch ngày 15/6.

Dòng tiền vào thị trường mạnh cũng đến từ việc các công ty chứng khoán Hàn Quốc tăng cho vay margin (dịch vụ cung cấp bởi công ty chứng khoán cho phép nhà đầu tư vay tiền để mua số lượng cổ phiếu có giá trị lớn hơn giá trị tài sản ròng của nhà đầu tư có trong tài khoản chứng khoán).

Đơn cử, theo báo cáo tài chính quý 2/2020 của Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, các khoản cho vay của công ty tại thời điểm 30/6 đạt hơn 8.574,6 tỷ đồng, tăng 1.400 tỷ đồng so với quý trước và hơn 1.189 tỷ đồng so với đầu năm; trong đó, chủ yếu là dư nợ cho vay margin 8.225,5 tỷ đồng, tăng 1.225 tỷ đồng so với đầu năm. Đây là những dòng tiền rất lớn giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng.

Thực tế, trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có 6 công ty chứng khoán có vốn Hàn Quốc gồm: Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, Công ty cổ phần Chứng khoán Pinetree, Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Shinhan Việt Nam và Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán NH Việt Nam.

Dưới góc nhìn của chuyên gia Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng, việc giá vàng tăng hầu như không ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán bởi nhu cầu vàng tại Việt Nam không nhiều, nếu có thì chủ yếu là những tổ chức, ngân hàng.

Tuy nhiên, tại Việt Nam sau khi không còn chính sách gửi vàng có lãi (không giống như gửi tiền tiết kiệm, việc gửi vàng vào ngân hàng chẳng những không được hưởng lãi suất mà thậm chí còn khiến người gửi mất một khoản phí, thường gọi là phí giữ hộ vàng) thì nhu cầu yếu hơn nên mức độ ảnh hưởng đến thị trường không đáng kể.

Ông Lê Ngọc Nam, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI), cho rằng hiện nay hầu hết các nước lớn đều bơm tiền tương đối mạnh nên các kênh đầu tư, dòng tiền lớn giúp cho thị trường chứng khoán, thị trường vàng đều có cơ hội tăng.

Bên cạnh đó, tại Việt Nam, kênh đầu tư chủ chốt là gửi tiết kiệm thì lãi suất giảm khá mạnh và liên tục giảm nên hoàn toàn có thể là dòng tiền đã dịch chuyển một phần sang các kênh đầu tư có kỳ vọng sinh lợi tốt hơn như cổ phiếu, bất động sản, trái phiếu..., thậm chí là vàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục