Giá vàng trong nước giảm chênh lệch với thế giới trước giờ đấu thầu

Đóng cửa phiên cuối tuần này, vàng miếng mua vào tại các đơn vị kinh doanh khoảng 81,65-82 triệu đồng/lượng, bán ra dao động từ 83,8-84 triệu đồng/ lượng.
Vàng miếng SJC. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Sau thông báo của Ngân hàng Nhà nước về việc sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng vào sáng 22/4, giá vàng miếng SJC có xu hướng kéo gần khoảng cách chênh lệch với giá vàng thế giới.

Đóng cửa phiên cuối tuần này, vàng miếng mua vào tại các đơn vị kinh doanh khoảng 81,65-82 triệu đồng/lượng, bán ra dao động từ 83,8 - 84 triệu đồng/ lượng.

Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 82 - 84,02 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 81,65- 83,85 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Ở vùng 84 triệu đồng/lượng hiện tại, giá vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới sau quy đổi 8,9 triệu đồng, giảm 1,3 triệu đồng so với mức 10,2 triệu đồng cuối tuần trước. Dù trước đó, vàng miếng đã xuất hiện đỉnh mới 85,5 triệu đồng/lượng

Cùng lúc, chênh lệch giữa vàng nhẫn và giá vàng thế giới hiện cũng giảm mạnh 1,5 triệu đồng so với cuối tuần trước, ở mức 2,2 triệu đồng.

Hiện giá vàng nhẫn tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 74,8 -76,8 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 75,55-77,35 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Theo chuyên gia của trang giavang.net, dù giảm chênh lệch so với giá vàng thế giới, song giá vàng SJC sẽ tiếp tục vượt trên mốc 82 triệu đồng/lượng và khả năng còn cao hơn.

Nhóm chuyên gia này chỉ ra nguyên nhân do các đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu đã bán trước đó nguồn lực vàng SJC sẵn có với giá dao động 84 - 85 triệu đồng/lượng. "Họ phải đấu thầu giá theo hướng cao dần để cân bằng trạng thái vàng của mình. Do đó, đợt đấu thầu vàng SJC lần này có thể có nhiều kịch tính với mức giá gây ngạc nhiên cho thị trường," nhóm chuyên gia dự báo.

Trước đó, sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước thông báo quay trở lại với tổ chức đấu thầu vàng miếng. Thông báo này nêu rõ, tỷ lệ đặt cọc khi tham gia đấu thầu là 10%, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 81,8 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng thế giới tiếp xu hướng tăng trong bối cảnh tình hình căng thẳng kéo dài ở Trung Đông làm tăng sức hấp dẫn của kim loại quý này.

Nhà phân tích thị trường Everett Millman của Gainesville Coins nhận định, nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, giá vàng có thể tăng lên mức 2.500-2.600 USD/ounce. Trong trường hợp nếu có lệnh "đình chiến", giá vàng có thể giảm xuống mức 2.200 USD/ounce.

Về phía nhà phân tích Xiao Fu của Bank of China International (BOCI) cho biết, do kỳ vọng cắt giảm lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang giảm xuống và hoạt động chốt lời tự nhiên xảy ra khi giá tăng nhanh. Điều này có thể gia tăng có một số áp lực lên vàng, nhưng khó có khả năng làm vàng giảm mạnh.

Trong tuần, số liệu kinh tế mạnh của Mỹ và Fed những bình luận từ các quan chức đã khiến các nhà đầu tư phải suy nghĩ lại về khả năng ngân hàng này sẽ sớm cắt giảm lãi suất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục