Giá vàng thế giới giảm trong phiên giao dịch 25/3, nhưng lại tăng khi tính chung cả tuần qua, trong bối cảnh giới giao dịch đang theo dõi các diễn biến trong căng thẳng Nga-Ukraine và đường hướng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Khép lại phiên này, giá vàng giao tháng Tư giảm 8 USD, hay 0,4%, xuống 1.954,20 USD/ounce. Nhưng tính chung cả tuần, giá vàng vẫn tăng 1,3%, theo số liệu của Dow Jones Market Data.
Trước đó, trong phiên giao dịch đầu tuần này, giá vàng thế giới tăng khi tình hình ở Ukraine thúc đẩy nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn này, trong bối cảnh giới đầu tư đang theo dõi chặt chẽ các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt căng thẳng liên quan.
Bước sang phiên 22/3, lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ tăng mạnh đã khiến giá vàng quay đầu giảm. Nhưng đà tăng của vàng tiếp tục được nối lại trong hai phiên sau đó.
Đặc biệt, giá vàng thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một tuần vào phiên 24/3, khi lo ngại về giá cả tăng vọt và sự không chắc chắn xung quanh tình hình Ukraine đã làm tăng sức hấp dẫn của vàng như một nơi trú ẩn an toàn và một hàng rào chống lại lạm phát.
[Giá vàng thế giới tăng mạnh khi xung đột Nga-Ukraine kéo dài]
Ông Edmund Moy, cựu giám đốc Cơ quan đúc tiền kim loại Mỹ, nhận định nguy cơ căng thẳng Nga-Ukraine diễn biến nghiêm trọng hơn đã giảm xuống tại thời điểm này, và mối quan ngại trước mắt giờ đây là tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ, đặc biệt đối với nền kinh tế.
Những đồn đoán về khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng Năm đã tăng lên trong tuần này.
Trong bài phát biểu đầu tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã để ngỏ khả năng sẽ nâng lãi suất nhiều hơn 25 điểm cơ bản nhằm kiềm chế lạm phát.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng USD đã tăng mạnh, khi tình hình lạm phát cao đã làm dấy lên những đồn đoán Fed sẽ nâng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay hơn.
Lợi suất trái phiếu chính phủ tăng sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi như vàng, trong khi đồng USD mạnh lên khiến vàng, vốn là kim loại quý được định giá bằng đồng tiền này, trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Tuy nhiên, ông Peter Cardillo, chuyên gia kinh tế thị trường của công ty môi giới đầu tư Spartan Capital Securities (Mỹ), cho rằng câu chuyện lạm phát có thể sẽ lấn át các yếu tố nói trên.
Ông dự đoán giá vàng có thể vượt mức 2.000 USD/ounce, khi lạm phát khiến giới đầu tư tìm đến vàng như một biện pháp phòng trừ rủi ro trước tình hình giá cả leo thang, trong khi tình hình căng thẳng địa chính trị cũng sẽ làm tăng nhu cầu đối với vàng như một kênh trú ẩn an toàn.
Tương tự, một báo cáo ngắn từ công ty chuyên giao dịch và sản xuất sản phẩm từ kim loại quý Heraeus Precious Metals (Đức) cho hay ngay cả khi những dự đoán về việc Fed tăng lãi suất trở thành hiện thực, lạm phát vẫn sẽ cao trong khi lãi suất thực ở mức âm. Những yếu tố này sẽ duy trì một môi trường tích cực cho giá vàng trong trung hạn./.