Giá vàng trên thị trường châu Á rơi xuống mức thấp nhất của 6 tuần

Phiên giao dịch chiều 1/5 tại thị trường châu Á, trong khi giá dầu được giữ ở mức ổn định thì giá vàng lại thiết lập một kỷ lục mới và rơi xuống mức thấp nhất của bốn tuần.
Giá vàng trên thị trường châu Á rơi xuống mức thấp nhất của 6 tuần ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Phiên giao dịch chiều 1/5 tại thị trường châu Á, trong khi giá dầu được giữ ở mức ổn định thì giá vàng lại thiết lập một kỷ lục mới và rơi xuống mức thấp nhất của bốn tuần, giữa bối cảnh đồng USD tiếp tục được duy trì ở gần mức cao nhất của 3,5 tháng.

Cụ thể, tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay đã giảm 0,3% xuống 1.310,77 USD/ounce vào lúc 14 giờ 16 phút (giờ Việt Nam). Trước đó, giá kim loại quý này có lúc đã rơi xuống chỉ còn 1.310,01 USD/ounce, mức thấp nhất được ghi nhận kể từ ngày 21/3. Trong khi đó, giá vàng Mỹ giao tháng 6/2018 cũng để mất 0,5% xuống 1.313,10 USD/ounce.

Nguyên nhân chính khiến giá vàng giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng Năm là sự phục hồi nhanh chóng của đồng USD đã khiến cho các nhà giao dịch bất ngờ, trong khi giới đầu tư cũng muốn chờ đợi những manh mối về chính sách tiền tệ sắp tới của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp Ủy ban thị trường mở (FOMC) dự kiến diễn ra trong tuần này.

Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng Fed sẽ không có nhiều thay đổi về chính sách trong cuộc họp tới đây song các nhà phân tích thị trường vẫn sẽ theo dõi sát sao cuộc họp này để suy đoán xem liệu thể chế này có nâng lãi suất vào tháng 6 tới hay không. Một viễn cảnh lãi suất được tăng cao sẽ kéo đồng USD lên giá và đẩy mạnh lãi suất trái phiếu, từ đó tiếp tục gây áp lực lên giá vàng.

Trong khi đó thị trường năng lượng tiếp tục diễn biến ảm đạm khi có nhiều thị trường châu Á đóng cửa nghỉ lễ trong phiên 1/5. Tại thị trường Tokyo, giá giá dầu Brent kỳ hạn tháng 7/2018 và giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã tăng lần lượt 1 xu Mỹ và 2 xu Mỹ lên các mức 74,70 USD/thùng và 68,59 USD/thùng. Trong phiên trước đó (30/4), cả hai mặt hàng này đều đã chứng kiến mức tăng mạnh 53 xu Mỹ và 47 xu Mỹ, sau khi Thủ tướng Israel là Benjamin Netanyahu tăng cường gây sức ép nhằm buộc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran vào năm 2015.

Theo nhận định của các chuyên gia phân tích, các diễn biến trên thị trường năng lượng là cực kỳ nhạy cảm đối với bất kỳ động thái nào liên quan tới các thỏa thuận hạt nhân và các biện pháp trừng phạt. Tomomichi Akuta, một chuyên gia kinh tế cấp cao đến từ hãng nghiên cứu và tư vấn Mitsubishi UFJ của Tokyo, nhận định: “Đang có những lo ngại rằng hoạt động xuất khẩu dầu của Iran có thể giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày từ mức như hiện nay… Nếu điều này xảy ra, giá dầu Brent có thể được đẩy lên gần mức 90 USD/thùng”./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục