Giá vàng thế giới để mất đà tăng ở đầu phiên để quay đầu đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần 25/7, giữa bối cảnh lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng.
Bên cạnh đó, việc các nhà đầu tư tự mặc định về một đợt tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại cuộc họp sắp tới cũng tạo sức ép giảm lên giá vàng.
Kết thúc phiên này, tại sàn giao dịch COMEX (Mỹ), giá vàng giao ngay giảm 0,4%, xuống 1.719,49 USD/ounce. Trong khi giá vàng giao kỳ hạn mất 0,5%, xuống 1.719,10 USD/ounce.
[Giá vàng trên thị trường châu Á giảm trong phiên sáng 25/7]
Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, cho biết yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến vàng là đồn đoán về cuộc họp của Fed, trong khi kết quả tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 2/2022 của Mỹ, dự kiến được công bố vào ngày 28/7, cũng có thể là một động lực quan trọng.
Ông Pavilonis cho biết: “Thông thường, trước cuộc họp của Fed, bạn thấy vàng bị bán tháo và đó là điều bình thường.”
Fed dự kiến sẽ nâng lãi suất chủ chốt thêm 0,75 điểm phần trăm, thay vì 1 điểm phần trăm, tại cuộc họp ngày 26-27/7 nhằm kiềm chế lạm phát cao khiến khả năng suy thoái kinh tế trong năm tới tăng lên 40%.
Lãi suất tăng làm giảm sức hấp dẫn của vàng vốn không sinh lời, mặc dù nó được coi là hàng rào chống lạm phát.
Vàng giảm giá trong phiên này bất chấp đồng USD đi xuống. Nhà phân tích thị trường Fawad Razaqzada tại công ty môi giới City Index cho biết nếu Fed không tăng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm, có khả năng đồng USD sẽ suy yếu hơn nữa và vàng sẽ tăng giá.
Trên thị trường vật chất, nhập khẩu vàng ròng của Trung Quốc - nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới qua Hong Kong (Trung Quốc) đã tăng gần gấp 5 lần trong tháng 6/2022, khi các ngân hàng tăng cường mua vào và các hạn chế liên quan đến dịch COVID-19 được nới lỏng.
Giá bạc giao ngay giảm 0,8% xuống 18,44 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 0,8% lên 880,24 USD/ounce, trong khi palladium giảm 1,1%, xuống 2.009,64 USD/ounce.
Ngân hàng ANZ cho hay trong khi lo ngại suy thoái ngày càng gia tăng ưu tiên dòng vốn chảy vào đồng USD hơn là vàng, thì bạc đang gặp khó khăn do những thách thức gần đây trong lĩnh vực điện tử.
Nhà sản xuất bạch kim lớn nhất thế giới Anglo American Platinum cho biết việc sử dụng bạch kim để thay thế palladium đắt đỏ hơn có thể sẽ tăng tốc trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung từ Nga, nước sản xuất palladium hàng đầu và động lực cắt giảm chi phí của các nhà sản xuất ôtô.
Tại Việt Nam, vào cuối giờ chiều ngày 25/7, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 65,20-66,42 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra)./.