Giá vàng thế giới đã kết thúc phiên giao dịch đầy biến động ngày 10/6 với mức tăng hơn 1%, khi trọng tâm chú ý của giới đầu tư chuyển sang việc những rủi ro kinh tế vì lạm phát tăng cao ở Mỹ đã củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng mạnh lãi suất.
Giá vàng giao ngay tăng 1,4% lên 1.873,58 USD/ounce vào lúc 1 giờ 40 phút sáng 11/6 (giờ Việt Nam). Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 1,2% ở mức 1.875,50 USD/ounce.
Đầu phiên, giá vàng đã lao dốc sau khi Chính phủ Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá sinh hoạt (CPI) tháng 5/2022.
Số liệu CPI cho thấy chi phí sinh hoạt ở Mỹ đã tăng 1% theo tháng do giá thuê nhà, giá khí đốt và thực phẩm đều cao hơn, khiến tỷ lệ lạm phát của Mỹ duy trì ở mức cao nhất trong hơn 40 năm.
[Giá vàng châu Á phiên 10/6 giảm trước khi Mỹ công bố số liệu lạm phát]
So với cùng kỳ tháng 5/2021, CPI của Mỹ cũng tăng tới 8,6% và vượt mức cao ghi nhận trước đó vào tháng Ba.
Ông Louis Navellier, đồng sáng lập của công ty quản lý tài sản Navellier, cho hay báo cáo CPI mới nhất của Mỹ đã dập tắt hy vọng của thị trường về việc lạm phát tại nước này đã đạt đỉnh. Thị trường đã phản ứng rất nhanh và mạnh với thông tin này, khi những lo ngại trên đã đưa vàng xuống mức thấp nhất kể từ ngày 19/5 ở mức 1.824,63 USD/ounce trong đầu phiên.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.
Nhưng kênh trú ẩn an toàn này đã đảo ngược các khoản lỗ khi giới đầu tư đánh giá tác động kinh tế của việc Fed tăng mạnh lãi suất.
Vàng nhận được thêm trợ lực sau khi cuộc khảo sát công bố cùng ngày của Đại học Michigan cho thấy tâm lý người tiêu dùng Mỹ giảm xuống mức thấp kỷ lục vào đầu tháng Sáu trong bối cảnh giá xăng dầu tăng vọt.
Nhìn chung, thị trường vàng thế giới đã có một tuần nhiều biến động với nỗi lo về lạm phát ám ảnh các nhà giao dịch.
Trong phiên đầu tuần 6/6, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ giảm 6,5 USD (tương đương 0,35%) xuống 1.843,7 USD/ounce do đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ đều mạnh lên.
Giới phân tích thị trường cho biết vàng gần đây chịu ảnh hưởng của chỉ số đồng USD, vốn phụ thuộc vào hai yếu tố gồm các số liệu kinh tế Mỹ cũng như lập trường chính sách tiền tệ của Fed.
Giá vàng thế giới đảo chiều đi lên trong phiên ngày 7/6, sau khi những lo ngại về lạm phát gia tăng đã thúc đẩy nhu cầu tìm đến tài sản an toàn như vàng và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm. Khép phiên này, giá vàng kỳ hạn Mỹ tăng 0,6% lên 1.854,00 USD/ounce.
Lợi suất trái phiếu và cổ phiếu thế giới đã giảm từ các mức cao gần đây, sau khi Australia bất ngờ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản (0,5 điểm phần trăm), làm dấy lên lo ngại về việc thắt chặt chính sách trước cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong tuần này.
Đà tăng giá của vàng tiếp tục kéo dài trong phiên 8/6, khi thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống.
Cụ thể, giá vàng giao sau tăng 4,4 USD (tương đương 0,24%), lên 1.856,5 USD/ounce. Tuy nhiên, chỉ số đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng đã hạn chế đà tăng của kim loại quý này.
Sang phiên 9/6, giá vàng giảm khi lợi suất trái phiếu tăng và đồng USD mạnh lên đã làm giảm sức hấp dẫn của vàng, trước khi có số liệu lạm phát vốn có thể củng cố khả năng Fed thắt chặt chính sách mạnh mẽ. Phiên này, giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,2% và khép phiên ở 1.852,80 USD/ounce.
ECB cùng ngày cho biết sẽ kết thúc chương trình mua trái phiếu vào ngày 1/7, sau đó sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cùng tháng. ECB sẽ tiếp tục tăng lãi suất một lần nữa vào tháng Chín, và có thể với mức tăng mạnh hơn nếu triển vọng lạm phát không cải thiện.
Trước thông tin trên, lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ tăng, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi như vàng, trong khi đồng USD mạnh lên khiến kim loại quý này trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Với mức tăng hơn 1% trong phiên cuối tuần 10/6, giá vàng vẫn tiến 1,15% trong cả tuần qua.
Ông Tai Wong, một nhà giao dịch kim loại độc lập ở New York, nhận định số phận của vàng trong tuần tới sẽ phụ thuộc vào cuộc họp của Fed.
Việc giá tiêu dùng của Mỹ tiếp tục tăng nhanh trong tháng năm củng cố khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong các cuộc họp từ nay tới tháng Chín.
Thậm chí, các nhà kinh tế tại ngân hàng Barclays nhận định Fed có thể kích hoạt mức tăng lãi suất tới 75 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách ngày 14-15/6 thay vì mức 50 điểm cơ bản để đối phó với lạm phát phi mã.
Nhà phân tích Suki Cooper của ngân hàng Standard Chartered cho biết giá vàng đã thể hiện sức bền đáng kể dù đối mặt với rủi ro lãi suất tăng, cũng như thị trường mua bán vật chất suy yếu do lo ngại rằng lạm phát có thể vượt quá mức tăng lãi suất.
Giá vàng vật chất ở Ấn Độ trong tuần này ghi nhận mức giảm sâu nhất của bảy tuần, trong khi dịch COVID-19 kiềm chế hoạt động giao dịch ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tại TD Securities cho biết trong một lưu ý vàng vẫn có thể đảo ngược những mức tăng này và có xu hướng giảm xuống dưới 1.800 USD/ounce trong trường hợp lãi suất tăng mạnh./.