Giá vàng thế giới tăng 1,5% trong phiên giao dịch tuần qua

Kết thúc tuần với một phiên giảm nhưng giá vàng thế giới vẫn tăng khi tính chung trên cả tuần qua nhờ xu hướng các nhà đầu tư tìm tới vàng như một hàng rào chống lại lạm phát.
Giá vàng thế giới tăng 1,5% trong phiên giao dịch tuần qua ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Kết thúc tuần với một phiên giảm nhưng giá vàng thế giới vẫn tăng khi tính chung trên cả tuần qua nhờ xu hướng các nhà đầu tư tìm tới vàng như một hàng rào chống lại lạm phát.

Nhìn chung, giá vàng thế giới đã có một tuần khá thành công với ba phiên tăng và chỉ một phiên giảm. Giới quan sát nhận định yếu tố chính giúp nâng đỡ giá vàng trong hầu hết tuần qua chính là báo cáo về lạm phát tại Mỹ tiếp tục “nóng.”

Mở đầu tuần mới trong phiên 11/4, giá vàng giao tháng 6/2022 trên sàn COMEX của thị trường New York tăng 2,6 USD (0,13%), lên mức 1.948,2 USD/ounce. Giới đầu tư tiếp tục điều chỉnh cơ cấu danh mục đầu tư của họ trước khi Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng Ba trong ngày 12/4, rồi tiếp đó là chỉ số giá sản xuất cùng tháng vào ngày 13/4.

Sang phiên giao dịch 12/4, giá vàng giao kỳ hạn tại sàn COMEX của thị trường New York tiếp tục tăng sau khi Bộ Lao động Mỹ cho hay chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 3/2022 đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn ước tính của thị trường và là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 12/1981. Phiên này, giá vàng Mỹ giao kỳ hạn tăng 27,9 USD (1,43%) và đóng cửa ở mức 1.976,1 USD/ounce.

Giá vàng tiếp tục đi lên trong phiên 13/4, với giá giao tháng 6/2022 tăng 8,6 USD (0,44%) lên 1.984,7 USD/ounce. Giới đầu tư đã phản ứng khi số liệu công bố cho thấy chỉ số giá sản xuất, một thước đo lạm phát khác ở Mỹ đã tăng 11,2% trong tháng Ba so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1,4% so với tháng trước đó. Tỷ lệ tăng hàng tháng trải rộng trên các hạng mục và cũng là mức cao kỷ lục.

[Giá vàng thế giới đi xuống trong phiên giao dịch ngày 14/4]

Chuỗi tăng kéo dài sáu phiên liên tiếp của giá vàng thế giới chỉ dừng lại vào phiên 14/4, cũng là phiên giao dịch cuối cùng của tuần này, khi đồng USD mạnh lên ảnh hưởng tới sự “lấp lánh” của kim loại quý này.

Theo đó, giá vàng giao tháng 6/2022 giảm 9,8 USD (0,49%), xuống mức 1.974,9 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng thế giới tăng 1,5%.

Các nhà phân tích tại công ty môi giới đầu tư Zaner viết trong một bản cập nhật thị trường hàng ngày rằng ngoài tình trạng dư mua ở mức khiêm tốn, thị trường kim loại quý đang bị ảnh hưởng bởi những đồn đoán về động thái tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương.

Phát biểu trên kênh truyền hình Bloomberg ngày 14/4, Chủ tịch chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại New York, John Williams, cho hay việc tăng lãi suất 50 điểm cơ bản (hay 0,5 điểm phần trăm) là một "lựa chọn rất hợp lý" cho tháng Năm. Điều này khiến giới đầu tư kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% trong tháng Năm.

Cùng với đó, Ngân hàng Trung ương Canada đã nâng lãi suất chính sách thêm nửa điểm phần trăm lên 1% vào hôm 13/4. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 14/4 cũng cho biết dự kiến sẽ kết thúc hoạt động mua tài sản ròng theo chương trình Mua tài sản vào quý 3 năm nay.

Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Zaner cũng tin rằng mức tăng trong tuần qua của vàng là kết quả của hoạt động mua vào để phòng ngừa lạm phát. Trên thực tế, giá vàng đã phục hồi bất chấp đồng USD liên tiếp mạnh lên và xu hướng xuống giá của thị trường hàng hóa về tổng thể, khi giá sản xuất của Mỹ tăng vọt vào tháng trước.

Trong báo cáo mới nhất công bố ngày 14/4, các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Sevens Report Research nhận định trong thời gian sắp tới, triển vọng của giá vàng vẫn lạc quan và có thể vượt ngưỡng đỉnh 2.054USD/ounce đã thiết lập trong năm 2022.

Ở chiều ngược lại, giá vàng cũng nhận được sự hỗ trợ đáng kể trong khoảng 1.920-1.940 USD/ounce và ngưỡng này chỉ có thể bị phá vỡ nếu lãi suất thực tăng đáng kể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục