Trong phiên giao dịch ngày 5/4, giá vàng thế giới tăng hơn 1%, sau hai phiên đi xuống liên tiếp trước đó, trong bối cảnh chứng khoán ảm đạm và đồng USD rơi xuống mức thấp nhất 17 tháng so với đồng yen của Nhật Bản.
Tuy nhiên, triển vọng "mơ hồ" về chính sách tiền tệ của Mỹ đã phần nào hạn chế đà tăng của giá vàng trong phiên này.
Vào lúc 1 giờ 15 phút sáng ngày 6/4 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 1,1%, lên 1.228,31 USD mỗi ounce. Trong khi đó, tại sàn giao dịch kim loại New York, giá vàng giao tháng 6/2016 cũng tiến 0,8%, lên 1.229,60 USD mỗi ounce.
Xu hướng phục hồi của giá kim loại quý trong phiên này được thúc đẩy chủ yếu bởi “sắc đỏ” trên bản đồ chứng khoán toàn cầu, giữa bối cảnh Mỹ và châu Âu vừa đồng loạt tiếp nhận các số liệu kinh tế kém lạc quan.
Thâm hụt thương mại của Mỹ tiếp tục nới rộng hơn dự kiến trong tháng Hai vừa qua là dấu hiệu mới nhất cho thấy tình hình tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn trì trệ trong quý 1 năm nay.
Ngoài ra, đợt sụt giảm mới của giá dầu thế giới, số liệu tăng trưởng kinh tế yếu kém của châu Âu và sự bế tắc trong các cuộc đàm phán nợ giữa Hy Lạp và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng khiến nhu cầu đầu tư vào các tài sản an toàn như vàng, bạc, đồng yen Nhật Bản, franc Thụy Sĩ và các trái phiếu chính phủ tăng cao.
Tuy nhiên, đà tăng của giá vàng trong phiên này bị hạn chế bởi báo cáo cho thấy hoạt động của khu vực dịch vụ tại Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến trong tháng 3/2016.
Bên cạnh đó, thị trường vàng còn phụ thuộc khá lớn vào lộ trình nâng lãi suất của Mỹ bởi việc đồng USD mạnh lên sẽ làm tổn hại tới các tài sản không sinh lời như vàng.
Do vậy, các nhận định trái chiều của một số quan chức Fed thời gian gần đây khiến giới đầu tư vàng trở nên thận trọng hơn.
Theo chân đà đi lên của giá vàng phiên này, giá các kim loại quý khác gồm bạc, bạch kim cũng lần lượt tăng 1,3% và 1%. Tuy nhiên, giá palađi lại hạ 0,7%./.