Giá vàng thế giới đi lên, giá dầu đi xuống trong phiên 24/1

Giá vàng thế giới đi lên trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 24/1, sau khi chứng kiến đà bán tháo cổ phiếu trên Phố Wall, trong khi giá dầu thế giới giảm khoảng 2% trong phiên 24/1.
Giá vàng thế giới đi lên, giá dầu đi xuống trong phiên 24/1 ảnh 1Vàng miếng được bày bán tại một tiệm kim hoàn ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá vàng thế giới đi lên trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 24/1, sau khi chứng kiến đà bán tháo cổ phiếu trên Phố Wall, trong khi giá dầu thế giới giảm khoảng 2% trong phiên 24/1.

Giá vàng thế giới đi lên phiên 24/1 do căng thẳng Nga-Ukraine

Giá vàng thế giới đi lên trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 24/1, sau khi chứng kiến đà bán tháo cổ phiếu trên Phố Wall, bởi tình hình căng thẳng địa chính trị tại Ukraine làm gia tăng sức hấp dẫn của các kênh đầu tư an toàn.

Trong khi đó, giới đầu tư đã sẵn sàng cho việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo nâng lãi suất tại cuộc họp tuần này.

Cuối phiên này, giá vàng giao ngay tại sàn giao dịch COMEX của Mỹ tăng 0,4%, lên 1.840,16 USD/ounce. Giá vàng giao kỳ hạn cũng tiến 0,5%, lên 1.841,70 USD/ounce.  

NATO cho biết họ đang bố trí lực lượng ở chế độ dự phòng ở Đông Âu nhằm đối phó với việc Nga tăng cường quân đội ở biên giới với Ukraine. Ed Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định: “Tình hình của Ukraine giúp vàng hưởng lợi, trong khi chính sách tiền tệ của Fed cuối cùng sẽ chuyển sang thắt chặt một cách thận trọng hơn vì ngân hàng này vẫn tin rằng tình hình lạm phát tăng cao chỉ là tạm thời.”

[OPEC: Nhu cầu dầu tăng mạnh sẽ lấn át mối đe dọa Omicron]

Động thái bán tháo trên Phố Wall trở nên tồi tệ hơn do căng thẳng Nga-Ukraine và kỳ vọng rằng Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ nhanh hơn để kiềm chế lạm phát cao. Tuy nhiên, Giám đốc phân tích thị trường Michael Hewson của CMC Markets tại Anh cho biết Fed không có khả năng tác động lớn đến vàng ở thời điểm hiện tại bởi vì thị trường đang lo ngại nhiều hơn về những gì đang diễn ra ở Đông Âu.

Ngoài ra, ở một mức độ nào đó, vàng dường như cũng “rũ bỏ” được bớt áp lực từ dòng tiền đổ vào kênh trú ẩn an toàn khác là đồng USD. Vàng được xem là một “hàng rào” chống lạm phát và rủi ro địa chính trị, song việc nâng lãi suất sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại không sinh lời này.

Cùng ngày, giá bạc giao ngay hạ 1,9%, xuống 23,78 USD/ounce.  Giá bạch kim cũng mất 1,1%, xuống 1.017,81 USD/ounce, còn giá palladium lại tăng 2%, lên 2.149,35 USD/ounce.

Tại Việt Nam, cuối ngày 24/1, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 61,5-62,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra)./.

Giá dầu thế giới mất khoảng 2% trong phiên 24/1

Giá dầu thế giới giảm khoảng 2% trong phiên 24/1, khi lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến đã làm các thị trường có nhiều rủi ro như chứng khoán mất đà.

Giá vàng thế giới đi lên, giá dầu đi xuống trong phiên 24/1 ảnh 2Một trạm xăng tại Queens, New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phiên này, giá dầu Brent giảm 1,62 USD (tương đương 1,8%) xuống 86,27 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) để mất 1,83 USD (2,2%) xuống 83,31 USD/thùng.

Cũng trong phiên 24/1, chứng khoán toàn cầu lao dốc trong khi đồng USD tăng lên mức cao nhất trong hai tuần do căng thẳng giữa Nga và phương Tây về tình hình Ukraine cùng khả năng Fed sẽ có lập trường cứng rắn hơn tại cuộc họp tuần này.

Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thế giới đã tăng hơn 10% do lo ngại về việc thắt chặt nguồn cung và Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất lớn ngoài khối (còn gọi là nhóm OPEC+) đang phải vật lộn để đạt được mục tiêu tăng sản lượng hàng tháng thêm 400.000 thùng/ngày.

Tuy nhiên, Chỉ số Sức mạnh Tương đối - một thước đo tâm lý thị trường ngắn hạn, trong ngày 24/1 đã giao dịch ở quanh mức được coi là dấu hiệu thị trường sẽ có sự điều chỉnh trong ngắn hạn.

Căng thẳng giữa Ukraine và Nga đã gia tăng trong nhiều tháng qua, làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung ở Đông Âu.

Còn tại Trung Đông, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) hôm 24/1 đã đánh chặn và phá hủy hai tên lửa đạn đạo của quân Houthi nhắm vào quốc gia vùng Vịnh sau cuộc tấn công mới cách đó một tuần.

Nhà phân tích Carsten Fritsch của ngân hàng Commerzbank cho biết tình hình leo thang hơn nữa ở cả Ukraine và Trung Đông sẽ là những yếu tố tác động lớn đối với giá dầu, vì các nước liên quan - như Nga và UAE-đều là những thành viên quan trọng của OPEC+.

Ngân hàng Barclays mới đây đã nâng dự báo giá dầu trung bình thêm 5 USD/thùng cho năm nay, với lý do công suất dự phòng bị thu hẹp và rủi ro chính trị gia tăng. Động thái này theo sau một quyết định tương tự của ngân hàng Morgan Stanley vào tuần trước, khi họ dự kiến giá dầu sẽ đạt 100 USD/thùng vào quý 3 năm 2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục