Giá vàng thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày 1/11 do áp lực từ đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ tăng.
Tuy nhiên, số liệu tăng trưởng việc làm yếu từ nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến các nhà phân tích tăng dự đoán về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất, qua đó hạn chế đà giảm của vàng.
Vào lúc 0 giờ 55 phút ngày 2/11 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 2.736,28 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn của Mỹ gần như đi ngang ở mức 2.749,2 USD/ounce.
Trước đó, giá vàng liên tục lập đỉnh mới trong ba phiên đầu tuần này. Tuy nhiên, áp lực chốt lời đã khiến giá vàng giảm 1,5% trong phiên 31/10, sau khi kim loại quý này đạt mức giá cao kỷ lục 2.790,15 USD.
Báo cáo mới đây cho thấy số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ chỉ tăng 12.000 việc làm trong tháng trước, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 12/2020, do ảnh hưởng bởi các cơn bão và hoạt động đình công.
Đồng USD đã đảo ngược đà giảm trước đó và tăng 0,4%, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng phục hồi, khiến tài sản không sinh lãi như vàng trở nên kém hấp dẫn hơn. Các chuyên gia kinh tế dự đoán 100% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tuần tới, tăng từ mức 91% trước khi dữ liệu việc làm nói trên được công bố. Vàng, một kênh đầu tư truyền thống trong thời kỳ bất ổn kinh tế và chính trị, thường tăng giá trong môi trường lãi suất thấp.
Ông Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao của công ty môi giới giao dịch hàng hóa RJO Futures, cho biết có quá nhiều rủi ro trước thềm cuộc bầu cử Mỹ, bên cạnh khả năng xảy ra một động thái đáp trả của Iran nhắm vào Israel, và ảnh hưởng của báo cáo việc làm nói trên.
Ngân hàng Standard Chartered cho biết giá vàng thường bị ảnh hưởng bởi đồng USD và lợi suất trái phiếu. Tuy nhiên, ngân hàng này cho rằng sự quan tâm cao của thị trường đối với vàng hiện nay một phần là do cuộc bầu cử sắp tới, dự đoán về việc Fed cắt giảm lãi suất và những bất ổn kinh tế và địa chính trị.
Ông Peter A. Grant, Phó Chủ tịch và cũng là chiến lược gia kim loại cấp cao tại Zaner Metals, nhận định những căng thẳng địa chính trị vẫn là động lực chính đằng sau xu hướng tăng giá của vàng. Khi cuộc đua giữa các ứng viên tổng thống Mỹ đang tạo ra sự bất ổn chính trị, từ đó thúc đẩy nhu cầu đối với vàng.
Theo ông Grant, nếu tình hình Trung Đông leo thang, giá vàng có thể chạm mức 3.000 USD/ounce trước cuối năm nay, song ông vẫn nghiêng về dự đoán mốc giá này sẽ đạt được vào quý 1/2025.
Giới đầu tư cũng đang chú ý đến thông tin Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản, sau khi giảm các loại lãi suất chính sách khác, trong gói biện pháp kích thích nhằm phục hồi nền kinh tế. Nhu cầu vàng tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới, đã bị ảnh hưởng trong bối cảnh giá cao và tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Ngoài ra, các nhà giao dịch đang dự đoán 99% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 11. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp mới đây.
Trong khi đó, Ông Tim Waterer, trưởng bộ phận phân tích thị trường của công ty thương mại KCM Trade, nhận định giá vàng có khả năng tăng lên 2.800 USD/ounce vào cuối năm nay, nhưng hoạt động chốt lời có thể làm chậm đà tăng này.
Theo các chuyên gia, căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran có thể đã kích hoạt một số giao dịch mua vàng như một kênh trú ẩn an toàn vào cuối tuần.
Vàng, một tài sản không sinh lời, đã tăng hơn 32% kể từ đầu năm 2024 đến nay do nhu cầu trú ẩn an toàn bắt nguồn từ căng thẳng đang diễn ra ở Trung Đông, cùng với việc Fed cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm./.
Giá vàng thế giới 'hạ nhiệt' sau khi chạm mức cao kỷ lục
Theo nhà phân tích Rhona O'Connell, nhu cầu vàng được thúc đẩy bởi các yếu tố cơ bản như căng thẳng địa chính trị và sự không chắc chắn về kết quả bầu cử, khiến thị trường mua vào khi giá giảm.