Giá vàng tại thị trường châu Á đi ngang trong phiên giao dịch ngày 16/2, sau khi chạm mức cao nhất tám tháng vào phiên trước đó, giữa bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine dịu xuống, làm giảm sự hỗ trợ mà vàng có được từ việc lợi suất trái phiếu giảm.
Chiều phiên này, giá vàng giao ngay gần như không biến động so với phiên trước đó, đứng ở mức 1.853,53 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn cũng ổn định ở mức 1.856 USD/ounce.
Giá vàng chạm mức cao nhất kể từ tháng 6/2021 vào phiên giao dịch ngày 15/2, trước khi đảo chiều để đóng cửa với mức giảm gần 1%.
Thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm khi lo ngại về nguy cơ căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang trong tuần này đã dịu xuống, sau khi Nga cho biết họ sẽ đưa một số binh sỹ trở lại căn cứ sau các cuộc tập trận.
Michael Langford, Giám đốc cố vấn của công ty AirGuide, cho biết, trong tương lai, đồng USD có nhiều triển vọng hơn vàng trong việc trở thành “tài sản trú ẩn an toàn” ưa thích của các nhà đầu tư.
[Giá vàng thế giới đi xuống, trong nước cũng đồng loạt điều chỉnh]
Bất kỳ sự gia tăng nào trong cuộc khủng hoảng Ukraine đều có thể thúc đẩy giá vàng tăng và ngược lại.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã giảm trong phiên này, làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi vốn không sinh lời, hỗ trợ cho giá kim loại quý này.
Wang Tao, nhà phân tích kỹ thuật tại Reuters, cho biết vàng giao ngay có thể giảm sâu hơn nữa vào khoảng 1.829 USD-1.841 USD/ounce, sau khi không phá vỡ được vùng kháng cự 1.872-1.879 USD/ounce.
Theo cuộc thăm dò của Reuters, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ vào tháng 3/2022, với việc tăng lãi suất 25 điểm cơ bản.
Cũng trong phiên này, giá bạc tăng 0,3%, lên 23,4 USD/ounce. Giá bạch kim đi ngang ở mức 1.025,43 USD/ounce. Trong khi đó, giá palladium ghi thêm 1,5%, lên 2.280,51 USD/ounce.
Chiều 16/2, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 62,2-62,92 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra)./.