Giá vàng liên tục lập đỉnh: Chưa có dấu hiệu của đầu cơ

Khác với 2 tuần trước đó, khách hàng chủ yếu đến mua vàng trang sức phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nhưng trong tuần này số lượng vàng miếng SJC lại được bán ra nhiều hơn so với vàng trang sức.
Giao dịch vàng tại Phú Quý. (Ảnh: CTV)
Giao dịch vàng tại Phú Quý. (Ảnh: CTV)

Sau khi tăng gần 800.000 đồng/lượng trong phiên hôm qua, đến sáng nay (8/8) giá vàng tiếp tục tăng thêm khoảng 500.000 đồng mỗi lượng, chính thức vượt 42 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Tại thị trường thế giới, lần đầu tiên trong vòng 6 năm qua kể từ năm 2013, giá vàng thế giới vượt qua mốc 1.500 USD/ounce.

Giá vàng đã lên 42,25 triệu đồng

Phiên chiều nay, giá vàng thế giới và trong nước tăng vọt và đã có thời điểm trên 1.500 USD/ounce, tương đương 42,07 triệu đồng/lượng.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân giá vàng thế giới tiếp tục tăng dữ dội và vọt lên đỉnh cao mới do căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng đã rơi vào tình trạng khó kiểm soát, các thị trường tài chính vẫn chao đảo và nhu cầu tìm chỗ trú ẩn ở các loại tài sản an toàn tăng vọt.

[Giá vàng thế giới vượt ngưỡng 1.500 USD một ounce]

Bà Lê Thị Hiền, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI cho biết, quan sát những đợt giá vàng tăng mạnh trong các thập kỷ qua đều có chung đặc điểm là gắn với một bất ổn kinh tế - tiền tệ thế giới. Bất ổn giữa các nền kinh tế thế giới đầu tàu, hay các tổ chức tài chính. Bên cạnh đó chỉ số USD, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh vẫn đang ở xu hướng giảm, đây được cho là những yếu tố chủ đạo khiến vàng tăng thời điểm hiện tại.

Tăng cùng hiệu ứng trên, giá vàng trong nước giao dịch quanh mức 42,25 triệu đồng/lượng.

So với thời điểm đầu năm, mỗi lượng vàng SJC đã tăng khoảng 5,68 triệu đồng, tương đương 11,5% giá trị, đánh dấu mức tăng cao nhất trong hơn 6 năm qua.

Tại thời điểm 17 giờ 00 phút ngày 8/8, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở thị trường Thành phố Hồ Chí Minh từ 41,85-42,25 triệu đồng/lượng, tăng tới 2,1 triệu đồng so với  phiên đầu tuần (5/8).

Tương tự, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở thị trường Hà Nội từ 41,85-42,27 triệu đồng/lượng, cũng tăng 2,12 triệu đồng/lượng so với phiên đầu tuần.

Cùng thời điểm trên, Công ty Doji Hà Nội giá vàng SJC niêm yết mua vào và bán ra là 41,78-42,18 triệu đồng/lượng, tăng 1,37 triệu đồng/lượng.

Vàng SJC tại Tập đoàn Phú Quý cũng tăng khoảng 1,8 triệu đồng mỗi lượng so với đầu tuần, hiện thương hiệu này đang giao dịch quanh mức 41,75 – 42,25 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu tại phiên chốt chiều nay cũng tăng 1,47 triệu đồng/lượng, giá mới là 41,71-42,21 triệu đồng/lượng.

Do giá vàng liên tục tăng phi mã nên khoảng cách giữa mua và bán cũng được các doanh nghiệp giãn ra từ 400.000 - 600.000 đồng, trong khi bình thường chỉ ở mức 200.000 đồng/lượng.

Giá vàng liên tục lập đỉnh: Chưa có dấu hiệu của đầu cơ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Mua vào tăng nhẹ

Bà Lê Thị Hiền, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI cho biết, trước đà tăng của giá vàng, nhiều phiên trở lại đây, thị trường vàng trong nước ghi nhận lượng khách tham gia giao dịch tăng đáng kể.

“Tại DOJI trong nhiều phiên trở lại đây, thị trường ghi nhận giao dịch ở cả hai chiều mua và bán, theo đó lượng khách bán vàng ra luôn chiếm ưu thế khi mà nhà đầu tư chớp cơ hội chốt lời với những giao dịch đã mua được ở thời điểm giá thấp trước đó,” bà Hiền chia sẻ.

Còn lãnh đạo Tập đoàn Phú Quý cũng cho biết, từ đầu tuần đến nay, lượng mua vào tăng 10-20% so với trước đó. Ngoài ra, số lượng khách hàng đến giao dịch cũng tăng khoảng 20% so với tuần trước.

Khác với hai tuần trước đó, khách hàng chủ yếu đến mua vàng trang sức phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nhưng trong tuần này số lượng vàng miến SJC lại được bán ra nhiều hơn so với vàng trang sức.

Một lãnh đạo kinh doanh vàng khác cũng cho biết, những người đến bán chủ yếu là mua vàng từ đợt đầu năm hoặc trước đó với giá thấp hơn và giờ giá lên cao thì họ bán kiếm lời. Còn phía mua thì chủ yếu là những người muốn tích trữ, vì họ lo giá vàng còn lên cao nữa. Ở đây, chủ yếu vẫn là tâm lý tích trữ chứ chưa có dấu hiệu của đầu cơ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm nhạy cảm, vừa là cơ hội, cũng là rủi ro. Nếu mua vàng để tích trữ thì mức giá nào cũng hợp lý bởi đó là tài sản. Nhưng nếu mua để đầu cơ thì hiện với việc chênh lệch giữa giá mua vào bán ra, người ‘ôm vàng’ không có lợi nhuận nhiều trong khi rủi ro lại cao. Do vậy các nhà đầu tư cần có quyết định sáng suốt khi tham gia giao dịch tại thời điểm hiện tại.

Có thể thấy, trong vài năm gần đây, ứng xử của người dân đã có những thay đổi rõ rệt trước mỗi đợt biến động của vàng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục