Giá vàng hướng tới một tuần giao dịch tồi tệ nhất trong sáu tuần.

Xu hướng giảm giá bao trùm thị trường vàng thế giới trong tuần này, dưới sự chi phối của đồng USD mạnh và lợi suất trái phiếu cao.
Giá vàng hướng tới một tuần giao dịch tồi tệ nhất trong sáu tuần. ảnh 1(Nguồn: Forbes)

Giá vàng thế giới tăng trong phiên ngày 4/8 sau báo cáo việc làm yếu hơn dự kiến của Mỹ đã đẩy đồng USD và lợi suất trái phiếu giảm. Giá vàng đang hướng tới một tuần giao dịch tồi tệ nhất trong sáu tuần.

Vào lúc 1 giờ 52 ngày 5/8 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.940,86 USD/ounce. Tuy nhiên, giá kim loại quý này vẫn giảm 0,9% trong tuần này. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,4% lên 1.976,10 USD/ounce.

Bộ Lao động Mỹ ngày 4/8 báo cáo lĩnh vực phi nông nghiệp đã bổ sung thêm 187.000 việc làm trong tháng 7/2023, thấp hơn so với dự báo tăng 200.000 việc làm mà các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò của hãng tin Reuters đưa ra.

Theo David Meger, Giám đốc phụ trách mảng giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, báo cáo này đã cho phép thị trường dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ không tiếp tục tăng lãi suất. Do đó, lợi suất trái phiếu cùng với đồng USD giảm xuống, hỗ trợ giá vàng.

[Thị trường vàng thế giới: Nhà đầu tư thận trọng chờ số liệu kinh tế Mỹ]

Sau số liệu trên, đồng USD đã giảm 0,5% so với các đồng tiền chủ chốt khác, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ đồng tiền khác (ngoài USD).

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã rời khỏi mức đỉnh của 9 tháng.

Theo công cụ FedWatch của CME, xác suất Fed giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp ngày 19-20/9 hiện là khoảng 85%, so với khoảng 78% ở thời điểm trước khi dữ liệu việc làm được công bố.

Xu hướng giảm giá bao trùm thị trường vàng trong tuần này, dưới sự chi phối của đồng USD mạnh và lợi suất trái phiếu cao.

Từ phiên 1/8, giá vàng thế giới đã giảm 1% dưới áp lực từ đồng USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu chính phủ gia tăng, trong khi giới đầu tư đang chờ đợi thêm các số liệu kinh tế có thể tác động tới lập trường chính sách của Fed.

Ông Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của công ty OANDA, cho rằng giá vàng đang đi xuống do đồng USD mạnh lên, cùng với đó là hoạt động chốt lời của nhiều nhà đầu tư trước khi báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ được công bố.

Ông Moya dự đoán Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp tiếp theo nếu lạm phát giảm xuống, và giá vàng có thể dao động trong biên độ hẹp trong ngắn hạn, nhưng sau cùng sẽ bứt phá lên trên ngưỡng 2.000 USD/ounce.

Ở phiên 2/8, giá vàng thế giới "mắc kẹt" trong ngưỡng 1.900-2.000 USD/ounce, khi đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục chi phối thị trường. Cũng trong phiên này, đã có thời điểm giá vàng giao ngay tăng 0,6%, sau khi cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Chính phủ Mỹ từ AAA xuống AA+, khiến các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào tài sản an toàn.

Chiến lược gia Daniel Pavilonis của công ty môi giới đầu tư RJO Futures nhận định lãi suất cao hơn đã gây áp lực lên giá vàng. Hơn nữa, sức mạnh của đồng USD đang được cải thiện.

Sang phiên 3/8, giá vàng thế giới được giao dịch gần mức thấp nhất của hơn ba tuần, do đồng USD và lợi suất trái phiếu mạnh lên. Trong khi đó, các nhà đầu tư vẫn thận trọng trước số liệu việc làm của lĩnh vực phi nông nghiệp tháng 7/2023 của Mỹ.

Các chuyên gia nhận định báo cáo việc làm của Mỹ có thể làm ảnh hưởng đến lập trường chính sách của Fed. Ngoài ra, nhà phân tích độc lập Ross Norman cho biết giá vàng không thể phục hồi trong lúc tâm lý nhà đầu tư đang bị sức ép trước thông tin Fitch hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Mỹ.

Giá vàng đã tăng 2,5% trong tháng 7/2023, mức tăng theo tháng lớn nhất trong bốn tháng qua, nhờ những kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sắp kết thúc chu kỳ nâng lãi suất trước những dấu hiệu cho thấy lạm phát đang dần hạ nhiệt./.

(TTXVN/Vietnam)

Tin cùng chuyên mục