Trong phiên giao dịch 30/9, giá vàng giao ngay tại Mỹ có thời điểm giảm xuống 1.204,10 USD/ounce, mức thấp nhất trong 9 tháng, trước sự tăng giá của đồng USD.
Chốt phiên này, giá vàng giao tháng 12 tại Sàn giao dịch kim loại New York (COMEX) giảm 7,2 USD xuống 1.211,60 USD/ounce.
Tính chung, giá vàng giảm khoảng 6% trong tháng Chín, mức giảm hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng Sáu và 9% trong quý III, ghi dấu quý giảm đầu tiên trong năm nay.
Sang đầu phiên 1/10, giá vàng giao ngay tại Singapore giảm 0,2% xuống 1.206,90 USD/ounce.
Đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong bốn năm so với rổ tiền tệ và mức cao nhất trong hai năm so với đồng euro, sau khi số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ lạm phát tại Khu vực đồng euro (Eurozone) tiếp tục giảm trong tháng Chín.
Trong khi đó, đầu tháng này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đánh đi tín hiệu về khả năng tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Theo các nhà giao dịch, triển vọng sáng sủa hơn của kinh tế Mỹ và sự tăng giá của đồng USD đang gây sức ép lên thị trường vàng. “Đồng bạc xanh” đã phá kỷ lục 11 tuần tăng liên tiếp và đang hướng đến mức tăng hàng quý mạnh nhất trong 6 năm, trước đồn đoán Fed sẽ sớm nâng lãi suất.
Sự mạnh lên của đồng USD luôn khiến các mặt hàng định giá bằng đồng tiền này như vàng trở nên “đắt đỏ” hơn.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng hướng sự chú ý vào các cuộc biểu tình tại Hong Kong, Trung Quốc.
Bất ổn gia tăng ở Đặc khu Hành chính Hong Kong khiến du khách từ Trung Quốc đại lục lo ngại, qua đó gây thêm sức ép lên các nhà bán lẻ.
Theo Credit Suisse, lĩnh vực bán lẻ của Hong Kong (Trung Quốc) chủ yếu phụ thuộc vào du khách Trung Quốc đại lục.
Trong năm 2013, nguồn khách này đóng góp khoảng 1/3 doanh số bán lẻ của Hong Kong (Trung Quốc)./.