Giá vàng, giá dầu thế giới đều giảm do những quan ngại về nhu cầu yếu

Giá vàng giao tháng 12/2021 giảm 35,2 USD, hay 1,92%, xuống chốt phiên ở mức 1.798,5 USD/ounce; trong khi giá dầu giá dầu ngọt nhẹ Mỹ xuống còn 68,35 USD/thùng.
Giá vàng, giá dầu thế giới đều giảm do những quan ngại về nhu cầu yếu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Stock)

Giá vàng giảm trong phiên 7/9 tại Sàn giao dịch hàng hóa New York, khi cả chỉ số USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đều tăng mạnh.

Giá vàng giao tháng 12/2021 giảm 35,2 USD, hay 1,92%, xuống chốt phiên ở mức 1.798,5 USD/ounce.

Các nhà đầu tư có thể cũng chốt lời sau khi giá vàng tăng trong tuần qua và đạt mức chốt phiên cao nhất kể từ giữa tháng Sáu.

Theo các nhà phân tích thị trường, hoạt động nhập khẩu vàng vẫn cao trong tháng Tám, lên mức cao nhất trong năm tháng qua. Theo dự báo, nhu cầu vàng sẽ tăng trong các dịp nghỉ lễ sắp tới, trong đó có lễ Giáng sinh.

Trong khi đó, giới đầu tư cũng đang chú ý tới báo cáo Sách Be của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ được công bố ngày 8/9.

[Giá vàng châu Á đi xuống trước khả năng phục hồi của đồng USD]

Trong phiên này, giá bạc giao tháng 12/2021 giảm 42,9 xu Mỹ, hay 1,73%, xuống chốt phiên ở mức 24,373 USD/ounce. Giá bạch kim giao tháng 10/2021 giảm 25,7 USD, hay 2,52%, xuống 995,9 USD/ounce.

Cùng ngày, tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 8/9, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 56,75 - 57,47 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Giá dầu thế giới giảm do quan ngại về nhu cầu yếu

Trong phiên giao dịch 7/9, giá dầu thế giới đi xuống trước những quan ngại về nhu cầu yếu tại Mỹ và châu Á cùng với sự mạnh lên của đồng USD. Song, tình trạng ngừng sản xuất dầu tại khu vực Vịnh Mexico của Mỹ đã giúp kiềm chế đà giảm của "vàng đen."

Giá vàng, giá dầu thế giới đều giảm do những quan ngại về nhu cầu yếu ảnh 2Giá xăng dầu được niêm yết tại một trạm xăng của Tesco ở York, miền Bắc Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chốt phiên này, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 94 xu Mỹ (1,4%) xuống 68,35 USD/thùng. Trước đó, cũng trong phiên này, giá dầu WTI có lúc giảm xuống 67,64 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giảm 53 xu Mỹ (0,7%) xuống 71,69 USD/thùng.

John Saucer, quan chức cấp cao của công ty tư vấn Mobius Risk Group có trụ sở tại Houston (Mỹ), cho biết đồng USD mạnh hơn và động thái cắt giảm giá bán chính thức (OSP) trong tháng Mười của Saudi Arabia đang gây sức ép lên giá dầu thô. Sự tăng giá của đồng bạc xanh khiến giá dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ loại tiền tệ khác.

Theo chuyên gia Saucer, quyết định điều chỉnh giá của Saudi Arabia là dấu hiệu cho thấy nhu cầu tại châu Á giảm dần và quy mô cắt giảm lớn hơn dự kiến.

Saudi Arabia đã giảm ít nhất 1 USD/thùng đối với tất cả các loại dầu thô bán sang châu Á, giữa bối cảnh mức tiêu thụ dầu thô tại khu vực nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới vẫn trầm lắng, khi các đợt phong tỏa trên khắp châu Á để chống lại biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19 “phủ mây đen” lên triển vọng kinh tế.

Tuy nhiên, giá dầu đã nhận được hỗ trợ từ các chỉ số kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc và tình trạng ngừng sản xuất dầu tại Mỹ do cơn bão Ida. Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố các số liệu cho thấy lĩnh vực xuất khẩu của nước này trong tháng 8/2021 đã tăng 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 19,3% trong tháng Bảy và vượt mức dự báo 17,1% trong cuộc khảo sát do hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) tiến hành trước đó.

Trong khi đó, tại Vịnh Mexico, hoạt động sản xuất mang lại khoảng 79% sản lượng dầu của Mỹ, tương đương 1,44 triệu thùng/ngày, vẫn tạm dừng sau khi bão Ida đổ bộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục